Ông Phạm Ngọc Thể (người thứ 3 từ phải sang) giới thiệu với thế hệ trẻ báo Đảng các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc lần Bác Hồ về thăm trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình.
Những người vinh dự được gặp Bác Hồ như ông Bùi Văn Thông, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi, nay ở xóm Cóc Lẫm, xã Kim Truy thì ký ức về Bác xúc động hơn mỗi dịp Tết Độc lập. 90 năm tuổi đời và đã 54 năm kể từ ngày được gặp Bác, đó là ngày 19/9/1964 khi Bác đến thăm cơ quan Huyện uỷ Kim Bôi, ông Thông vẫn ấn tượng kể về một vị lãnh tụ hết sức giản dị với bộ quần áo nâu và đôi dép cao su: "Đến nơi, Bác không vào phòng tiếp khách mà đi thăm nhà ăn, nhà bếp, nhà vệ sinh, giếng nước. Bác trò chuyện thân mật với cán bộ, nhân viên phục vụ. Đến nhà ăn, thấy chiếc chạn có tấm lưới bị thủng, Bác nhắc phải giữ vệ sinh. Xem giếng nước, Bác nhắc làm nắp đậy, phòng các cháu nhỏ chơi đùa rơi xuống. Sau khi nghe lãnh đạo huyện báo cáo tình hình sản xuất, đời sống, Bác nhắc mọi người phải nêu cao ý thức tiết kiệm, tích cực học tập để nâng cao trình độ văn hóa, Huyện ủy cần mạnh dạn chỉ đạo mọi mặt tốt hơn nữa...”. Kính yêu Bác, ông Thông đã sưu tầm và lưu giữ hàng trăm bức ảnh về cuộc đời hoạt động cách mạng của Người và coi đó là vật vô giá. Ngoài bàn thờ gia tiên, gia đình ông còn lập bàn thờ Bác Hồ. Chuẩn bị đến ngày 2/9, ông không quên nhắc con trai Bùi Văn Thận và con cháu đi cắt lá để gói bánh ốc và chuẩn bị hoa quả để thắp hương dâng Bác. Đối với người dân xã Kim Truy, dịp Quốc khánh là cái Tết thứ 2 trong năm - Tết Độc lập, vừa là để mừng ngày lập nước, vừa để tỏ lòng biết ơn Bác Hồ.
Với ông Phạm Ngọc Thể ở phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình), 3 lần vinh dự được gặp vị lãnh tụ kính yêu là kỷ niệm thiêng liêng. Trong đó, ông ấn tượng nhất lần Bác về thăm Trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình ngày 17/8/1962, khi đó ông là cán bộ của trường được trực tiếp trò chuyện với Bác. Là nhân chứng sống đầy nhiệt huyết, ông được mời nói chuyện trong nhiều sự kiện tuyên truyền giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ. Mỗi lần như vậy, ông không cần phải mang theo cuốn nhật ký ghi lại lời Bác, ông đã thuộc lòng từng lời bởi đơn giản nó đã khắc trong tâm. Trong câu chuyện kể của ông, Bác Hồ là một vị lãnh tụ sâu sát trong công việc nhưng lại ân cần như một người cha, thông thạo văn hóa dân tộc và rất đỗi giản dị. Đúng ngày sinh nhật Bác 19/5/2018, ông được mời giới thiệu với thế hệ trẻ báo Đảng các tỉnh miền núi, trung du phía Bắc về lần Bác Hồ về thăm trường. Gần dịp Quốc khánh năm nay, ông tiếp tục được mời dự hội nghị chuẩn bị cho sự kiện kỷ niệm 60 năm thành lập trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, tiền thân là trường Thanh niên lao động XHCN Hòa Bình. Những lời căn dặn, hình ảnh của Bác ngày về thăm trường lại được ông nhắc tới các thế hệ thầy, trò nhà trường hôm nay. Mọi người cùng nhớ và làm theo lời Bác dạy chính là mong mỏi của ông.
Với những người chưa một lần được gặp Bác, từ các bậc cao niên đến thanh - thiếu niên cũng vẫn vẹn nguyên một tấm lòng biết ơn, tôn kính. Gia đình chị Nguyễn Thị Vân ở phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) dịp Quốc khánh nào cũng treo cờ Tổ quốc và lên Tượng đài Bác Hồ trên công trình thủy điện Hòa Bình để thắp hương, tưởng nhớ Bác. Có năm, cả gia đình về Hà Nội vào Lăng viếng Bác. Trước anh linh Người, chị nhắc nhở các con học tập, rèn luyện tốt để sau này trở thành người công dân có ích cho xã hội. Là Bí thư Đảng ủy phường Hữu Nghị, chị luôn ý thức việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nhớ về Bác, mỗi người, mỗi gia đình thể hiện bằng nhiều cách khác nhau, có thể chỉ mộc mạc, giản dị nhưng tất cả toát lên niềm kính yêu vô hạn. Từ bản Mường vùng sâu Nước Ruộng, xã Nam Thượng (Kim Bôi) nhà nhà treo ảnh Bác Hồ, đến trung tâm thành phố Hòa Bình đỏ rực màu cờ Tổ quốc, trong không khí tưng bừng ngày hội non sông lan tỏa, hình ảnh Bác vẫn luôn và sẽ mãi trường tồn trong lòng nhân dân. Người dân Hòa Bình và cả dân tộc Việt Nam nguyện tiếp bước theo con đường mà Đảng và Bác đã chọn với mong ước xây dựng đất nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Người hằng mong muốn.
Cẩm Lệ