"Trong các hoạt động đối ngoại, dù là các chuyến thăm cấp cao hay trong các hội nghị quốc tế lớn, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thể hiện rõ bản lĩnh đối ngoại, làm nổi bật hình ảnh và vị thế Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.”


Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các Trưởng đoàn dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25, ngày 11/11/2017, tại thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Tiến sỹ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao, khẳng định như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn với TTXVN về vai trò của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong hoạt động đối ngoại một ngày sau sự ra đi đột ngột của vị nguyên thủ hôm 21/9. 

TTXVN xin giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn.

- Thưa tiến sỹ, ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong công tác đối ngoại?

Tiến sỹ Trần Việt Thái: Chủ tịch nước Trần Đại Quang là người rất gắn bó và có nhiều đóng góp quan trọng cho công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta trong những năm qua. 

Ông luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác đối ngoại, và ông cũng là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược với tác phong tự tin và bản lĩnh, rất quyết đoán trong chỉ đạo triển khai thực hiện; nhanh nhạy và khéo léo trong xử lý các tình huống khó, các vấn đề nhạy cảm về đối ngoại, nhất là trong quan hệ giữa các nước lớn.

Với vai trò của nguyên thủ quốc gia, trong các hoạt động đối ngoại, dù là các chuyến thăm cấp cao hay trong các hội nghị quốc tế lớn, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thể hiện rõ bản lĩnh đối ngoại, làm nổi bật hình ảnh và vị thế Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. 

Tôi đặc biệt ấn tượng với cách Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp đón các nguyên thủ nước ngoài, nhất là các nhà lãnh đạo của các cường quốc hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc… 

Tôi nhớ mãi sáng 12/11/2017, một ngày sau khi Hội nghị thượng đỉnh APEC Việt Nam 2017 tại Đà Nẵng kết thúc tốt đẹp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã quay ra Hà Nội ngay và chủ trì lễ đón chính thức cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 

Ông rất tự tin và xử lý khéo léo cả hai mối quan hệ có tầm quan trọng hàng đầu trong công tác đối ngoại của Việt Nam, đó là quan hệ Việt-Trung và Việt-Mỹ. 

Hình ảnh ông sánh vai cùng các nhà lãnh đạo thế giới tại Đà Nẵng, hay trong các nghi lễ trang trọng đón tiếp nguyên thủ nước ngoài tại Phủ Chủ tịch đã để lại dấu ấn khó phai trong lòng nhiều người dân Việt Nam, cũng như trong mắt của bạn bè quốc tế, góp phần làm đậm hình ảnh một đất nước Việt Nam hòa bình, thân thiện, hội nhập sâu rộng với thế giới và khu vực.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác hoạch định chiến lược, triển khai chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và đã để lại dấu ấn rõ nét với tư duy chiến lược sắc sảo. 

Ông đã cùng với các đồng chí lãnh đạo cấp cao khác của Đảng, Nhà nước ta xử lý thành công nhiều mối quan hệ đối ngoại phức tạp của Việt Nam, nhiều vấn đề gai góc trong quan hệ quốc tế. 

Có thể kể ra đây đóng góp quan trọng của ông trong việc thúc đẩy quan hệ Việt-Mỹ, Việt-Trung, trong ứng xử với chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, Nhật, chiến lược Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, trong việc ra Tuyên bố Đà Nẵng và nhiều văn kiện quan trọng khác tại Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng vào đầu tháng 11/2017…

Trong bài nói chuyện với cộng đồng học giả Ấn Độ nhân chuyến thăm của ông tới Ấn Độ vào tháng 3/2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã thể hiện là nhà lãnh đạo có tầm nhìn toàn cầu với việc đề ra ý tưởng về một khu vực Ấn Độ-châu Á-Thái Bình Dương, đề cao vai trò của ASEAN và Ấn Độ trong các cấu trúc khu vực đang định hình.

Không những thế, Chủ tịch nước Trần Đại Quang còn trực tiếp chủ trì, điều hành nhiều sự kiện đối ngoại quan trọng. 

Ông không chỉ là một nhà lãnh đạo chính trị, mà còn là một nhà ngoại giao tài ba, đóng vai trò điều tiết và hài hòa quan điểm, lợi ích của các bên.

Tôi còn nhớ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), các thành viên TPP còn lại bộc lộ nhiều mâu thuẫn về quan điểm, lợi ích và đưa ra các ưu tiên rất khác nhau. 

Quá trình đi đến phê chuẩn Hiệp định TPP có lúc tưởng như lâm vào bế tắc. Đặc biệt những mâu thuẫn, khác biệt đó lại nổi lên rất gay gắt đúng vào lúc Việt Nam là chủ nhà của APEC 2017. 

Nhưng nhờ sự vào cuộc trực tiếp và chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, 11 thành viên TPP còn lại đã dàn xếp ổn thỏa các khác biệt, vượt qua được tất cả sóng gió ngay tại Đà Nẵng và đưa TPP trở thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), qua đó góp phần rất quan trọng vào thành công chung của năm APEC 2017.

- Năm 2017, hoạt động ngoại giao đa phương quan trọng nhất, góp phần nâng cao vị thế của của Việt Nam. Theo ông, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có đóng góp như thế nào về thành công của năm APEC 2017?

Tiến sỹ Trần Việt Thái: Nói đến những đóng góp của Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho công tác đối ngoại, không thể không nhắc đến những kết quả rất nổi bật của Năm APEC Việt Nam 2017. 

Tôi may mắn được tham gia trực tiếp ngay từ những ngày đầu chuẩn bị cho APEC Việt Nam 2017 và đã chứng kiến toàn bộ những đóng góp nổi bật của Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho thành công về mọi mặt của năm APEC 2017. 

Có thể kể ra đây một vài ví dụ tiêu biểu về những đóng góp xuất sắc của Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho năm APEC Việt Nam 2017.

Ví dụ thứ nhất là trong quá trình chuẩn bị cho năm APEC 2017 tại Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã sát sao quan tâm chỉ đạo, chuẩn bị các mặt công tác cho năm APEC 2017, từ khâu nội dung văn kiện đến các vấn đề về lễ tân, hậu cần, an ninh, y tế… 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang rất cẩn thận, chú ý tới từng vấn đề, từng khâu nhỏ nhất trong công tác chuẩn bị. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đã nhiều lần trực tiếp đi khảo sát thực tiễn các địa điểm diễn ra các sự kiện của APEC 2017 và đích thân Chủ tịch nước Trần Đại Quang là người dẫn đầu đoàn cấp cao Việt Nam sang Thủ đô Lima của Peru để nhận chuyển giao vai trò nước chủ nhà của năm APEC 2017 từ nước chủ nhà tiền nhiệm là Peru.

Một ví dụ khác là trong suốt quá trình diễn ra cả năm APEC 2017 và đặc biệt là tại Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017, tôi trực tiếp chứng kiến Chủ tịch nước đã hoạt động rất vất vả, liên tục đi lại giữa thủ đô Hà Nội và thành phố Đà Nẵng - nơi diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC. 

Ông đã chủ trì đón nhiều nguyên thủ cấp cao, hội đàm liên tục, chủ trì, điều hành nhiều cuộc họp cấp cao quan trọng, đóng góp rất lớn vào Tuyên bố Đà Nẵng và tất cả các văn kiện cuối cùng của Tuần lễ cấp cao, cũng như trong suốt cả năm APEC 2017. 

Tôi nhận thấy ở ông có một đức tính quý là luôn không ngừng nỗ lực, làm việc không mệt mỏi cho đến những giây phút cuối cùng.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang còn là một nhà lãnh đạo có tâm và gần gũi với anh chị em cán bộ, nhân viên làm công tác đối ngoại. 

Trong nhiều chuyến thăm nước ngoài, hay trong các hoạt động đối ngoại lớn, dù là ở trong hay ngoài nước, ông thường quan tâm hỏi han, động viên cán bộ, nhân viên tháp tùng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Do vậy, ông được nhiều cán bộ làm công tác đối ngoại quý mến, tin yêu.

- Trân trọng cảm ơn ông!

 

         TheoVietnamplus

Các tin khác


Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh giữ quyền Chủ tịch nước

Ngày 23-9, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ký Thông báo số 317/TB-UBTVQH14 về việc thực hiện quyền Chủ tịch nước đối với bà Đặng Thị Ngọc Thịnh.

Trung thu nhớ Bác Hồ

Là vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình thương yêu đặc biệt đối với các cháu thiếu niên, nhi đồng - thế hệ tương lai của đất nước.

Lãnh đạo các nước chia buồn với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam

Nhận được tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, lãnh đạo nhiều nước đã gửi điện chia buồn tới Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và gia quyến Chủ tịch nước.

Cần làm rõ trách nhiệm và khẩn trương có phương án xử lý việc bồi lấp đất sản xuất của người dân ở xã Hoà Bình

(HBĐT) - Ngày 21/9, tại xã Hoà Bình, đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã cùng với tổ đại biểu HĐND tỉnh ứng cử tại thành phố Hoà Bình đã có buổi làm việc, lắng nghe báo cáo của Sở Giao thông vận tải về kết quả thực hiện sau phiên chất vấn của đại biểu  Nguyễn Thị Thanh Hảo tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khoá XVI về việc thi công dự án cải tạo, nâng cấp đường 433. Trong quá trình thi công, việc đổ đất thải đã làm bồi lấp dòng chảy của suối Voi, vùi lấp khoảng 6ha đất canh tác và hoa màu của nhân dân.

Công bố và trao Quyết định bổ nhiệm 2 Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, 1 Phó Giám đốc Đài PT&TH tỉnh

(HBĐT) - Chiều 21/9, UBND tỉnh tổ chức lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm chức vụ cho 2 đồng chí Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; 1 đồng chí Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nhiệm vụ xây dựng tỉnh thành khu vực phòng thủ vững chắc

(HBĐT) -Sáng 21/9, các đồng chí: Bùi Văn Tỉnh, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ; Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc trong tình hình mới. Tham dự có Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Quân khu 3; các đồng chí Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành của tỉnh, Bí thư, Chủ tịch UBND, Chỉ huy trưởng Ban CHQS, Trưởng Công an các huyện, thành phố.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục