Căn cứ Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội hằng năm và tình hình thực tế của địa phương, Văn phòng Đoàn đã chủ động tham mưu xây dựng kế hoạch giám sát đảm bảo hợp lý từ các khâu: lựa chọn nội dung; công tác chuẩn bị trước khi tiến hành giám sát; quyết định thành phần Đoàn giám sát và thành phần mời tham gia Đoàn giám sát; nghiên cứu báo cáo và xây dựng bản nội dung cần lưu ý đối với từng đối tượng giám sát cho đến khâu theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị sau giám sát.
Đối với hoạt động giám sát trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch giám sát hằng năm, Văn phòng đã tham mưu, giúp Đoàn ĐBQH xây dựng đầy đủ các nội dung đảm bảo theo quy trình của một cuộc giám sát, đồng thời tham mưu tổ chức một số hoạt động khảo sát tại các đơn vị cơ sở làm căn cứ đảm bảo tính thực tiễn khi giám sát tại các đơn vị cấp trên. Từ năm 2016, Văn phòng tập trung tham mưu giám sát về các vấn đề "nóng”, bức xúc đang được dư luận quan tâm, những vấn đề đã được cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết dứt điểm, những vấn đề khó mà cơ quan dân cử ở địa phương chưa từng tổ chức khảo sát, giám sát như các vấn đề về thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công; thực hiện chính sách, pháp luật về thuế; thực hiện chính sách, pháp luật về công tác di dân, đền bù, giải phóng mặt bằng; thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai... Khi tổ chức giám sát, trước khi làm việc tại phòng họp, Văn phòng đã phối hợp tham mưu để đoàn dành thời gian đi thực tế tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, công trường, khu quy hoạch… có liên quan đến nội dung giám sát để trực tiếp nắm bắt tình hình chứ không chỉ giám sát trên cơ sở báo cáo của đối tượng chịu sự giám sát.
Đối với hoạt động khảo sát, giám sát ngoài địa bàn tỉnh: Có thể nói, trong những năm qua, hoạt động khảo sát, giám sát ngoài địa bàn tỉnh đã được ĐBQH, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình quan tâm, thực hiện có hiệu quả. Theo đó, Văn phòng đã chủ động liên hệ với Văn phòng Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch, lịch trình, trao đổi nắm thông tin, tình hình thực tế về nội dung, địa điểm tổ chức khảo sát, giám sát để tham mưu cho ĐBQH, Đoàn ĐBQH đảm bảo tính hiệu quả khi tổ chức khảo sát, giám sát làm cơ sở để ĐBQH, Đoàn ĐBQH phát huy vai trò, trách nhiệm đối với các vấn đề có tính thời sự được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, là nguồn thông tin tốt để ĐBQH tham gia trong hoạt động chất vấn và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước khi phát biểu ý kiến tại hội trường, tổ thảo luận và làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, các cơ quan Trung ương tại các kỳ họp Quốc hội. Từ năm 2016 đến nay, Văn phòng đã tham mưu cho Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức 3 cuộc khảo sát, giám sát ngoài địa bàn tỉnh. Cụ thể là: Khảo sát về tình hình thực hiện các dự án thương mại, du lịch, bất động sản của các Tập đoàn kinh tế tại các tỉnh: Kiên Giang, Bình Định, Quảng Ninh; khảo sát về tình hình đời sống nhân dân vùng tái định cư Công trình Thủy điện Hòa Bình tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum; khảo sát về tình hình hoạt động của Công ty gang thép Thái Nguyên (Tisco) tại tỉnh Thái Nguyên. Qua tham mưu thực hiện các hoạt động này, Văn phòng Đoàn nhận thấy đã giúp cho các vị ĐBQH, Đoàn ĐBQH nắm bắt thêm tình hình, tâm tư, nguyện vọng, đời sống của nhân dân các vùng, miền trên cả nước, đồng thời có thêm nguồn thông tin tham khảo để đề xuất, kiến nghị sửa đổi những cơ chế, chính sách còn bất cập trong quá trình triển khai thực hiện, góp phần tháo gỡ những khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Về hoạt động giám sát việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân là hoạt động được Văn phòng Đoàn tham mưu, triển khai có hiệu quả, góp phần thúc đẩy việc xem xét, giải quyết dứt điểm các vụ việc của các cơ quan có thẩm quyền theo đúng trình tự, quy định pháp luật cũng như có hướng giải quyết kịp thời đơn thư còn tồn đọng kéo dài. Với những vụ việc phức tạp, kéo dài, Văn phòng đã tham mưu cho Đoàn ĐBQH tiến hành khảo sát thực tế, lấy ý kiến người dân bị tác động thông qua điều tra xã hội nhằm nắm bắt thêm thông tin từ cơ sở, dư luận xã hội để làm rõ hơn vấn đề thuộc phạm vi giám sát. Từ đó đã giải quyết dứt điểm, thấu tình đạt lý nhiều vụ việc kéo dài nhiều năm mà chính quyền địa phương chưa giải quyết được như: giải quyết vụ việc chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quốc phòng chồng lấn lên diện tích đất của gia đình ông Phạm Đức Hùng tại phường Chăm Mát, TP Hòa Bình kéo dài trên 20 năm. Đến nay, qua hoạt động khảo sát, giám sát và kiến nghị của Đoàn ĐBQH tỉnh, vụ việc đã được xem xét ngay tại buổi tiếp công dân định kỳ của tỉnh và được xử lý, giải quyết dứt điểm. Hộ dân này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng quy định, đủ diện tích và không phải đóng tiền sử dụng đất.
Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ Đoàn ĐBQH tỉnh trong công tác khảo sát, giám sát, Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục chủ động bám sát các nội dung giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội được ban hành hàng năm; nắm bắt tình hình thực tiễn ở địa phương để tham mưu xây dựng chương trình giám sát phù hợp với kế hoạch công tác của Đoàn, đồng thời giải quyết được những bức xúc của cử tri. Quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa Văn phòng Đoàn ĐBQH với các sở, ban, ngành để kịp thời nắm bắt tình hình, thu thập thông tin, tài liệu có liên quan. Chú trọng công tác tham mưu, tổng hợp, thực hiện theo dõi việc giải quyết kiến nghị sau giám sát.
Bùi Hiển (Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình)