Sáng 12/11, với 89,48% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Quốc hội quyết nghị điều chỉnh tăng tổng mức vốn nước ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 từ 300.000 tỷ đồng lên tối đa 360.000 tỷ đồng, đồng thời điều chỉnh giảm tương ứng vốn vay trong nước để đáp ứng yêu cầu giải ngân đối với những dự án sử dụng vốn nước ngoài. Điều chỉnh giảm nguồn vốn cho các dự án quan trọng quốc gia 10.000 tỷ đồng (từ 80.000 tỷ đồng xuống 70.000 tỷ đồng).

Quốc hội cho phép sử dụng nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở bảo đảm khả năng cân đối vốn đầu tư của ngân sách nhà nước hàng năm và giữ mức trần đầu tư công 2 triệu tỷ đồng (không bao gồm nguồn tăng chi đầu tư phát triển do tăng thu ngân sách địa phương và thay đổi cơ chế đối với nguồn vốn để lại đầu tư cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội được đưa vào cân đối trong ngân sách nhà nước từ năm 2019), giữ tỷ lệ bội chi, chỉ tiêu an toàn nợ công được Quốc hội quyết định.

Trong phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về hai dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Các đại biểu cho rằng Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công có mối tương quan với nhau, nếu quản lý thuế tốt, chống thất thu thì mới có tiền để đầu tư công. Ngược lại, đầu tư công mà hiệu quả thì người nộp thuế mới đồng lòng, đầu tư công lãng phí dẫn đến việc thu thuế khó khăn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần xem xét mối tương quan này.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Chiều 12/11, với 96,7% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Quốc hội giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các tổ chức, cơ quan có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các dự án luật tại Phụ lục 3 và các văn bản pháp luật khác để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kịp thời, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP.

Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm phê duyệt, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm tận dụng, phát huy các cơ hội, lợi ích mà Hiệp định CPTPP đem lại; đồng thời xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định CPTPP; thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ nội dung Hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân về việc Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP.

Trong phiên làm việc chiều 12/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Cho ý kiến về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), nhiều đại biểu nêu rõ: Đây là dự án Luật quan trọng, phức tạp, có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều điều luật về tư pháp, tác động trực tiếp đến đời sống, an ninh xã hội. Qua xem xét dự thảo Luật, ý kiến của các cử tri, các đại biểu thống nhất với Ủy ban Tư pháp là dự án Luật cần được hoàn thiện để đảm bảo chất lượng, tính khả thi và mong muốn của cộng đồng. Vì vậy, đề nghị Quốc hội thông qua dự án Luật theo quy trình 3 kỳ họp.

Một trong những quy định mới của dự thảo Luật là vấn đề tổ chức lao động và dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Tuy nhiên, một số đại biểu không đồng tình với quy định này và cho rằng, mục đích của hình phạt là trừng trị, phòng ngừa tội phạm, giáo dục cải tạo người phạm tội. Phạm nhân chấp hành hình phạt tù tại trại giam là thể hiện thái độ nghiêm khắc của Nhà nước, cách ly phạm nhân khỏi đời sống xã hội dưới sự quản lý, giám sát chặt chẽ của cán bộ trại giam. Việc đưa lao động ra ngoài xã hội không đảm bảo được yêu cầu của công tác thi hành án phạt tù.

Cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, nhiều ý kiến chỉ rõ việc sử dụng rượu, bia đang tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân, làm mất khả năng lao động, gây ra đói nghèo cùng rất nhiều các vấn đề xã hội như tai nạn giao thông, bạo lực gia đình, tội phạm, mất trật tự an toàn xã hội... Đại biểu nhấn mạnh thời gian qua, xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc do sử dụng rượu bia quá mức, để lại hậu quả nặng nề.

Theo đại biểu, nếu so với lợi ích kinh tế mà rượu, bia mang lại thì phí tổn để khắc phục hậu quả của rượu bia còn lớn hơn rất nhiều, từ thực tiễn đó, đại biểu tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia để thể chế hóa quan điểm chỉ đạo nhất quán của Đảng về "phòng bệnh hơn chữa bệnh”, tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.


Theo Vietnamplus

Các tin khác


Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng họp cho ý kiến đối với một số vụ án, vụ việc

Ngày 10-11, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) tổ chức Cuộc họp dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 13 đến nay.

Kỷ niệm 60 năm thành lập trường PT dân tộc nội trú THPT tỉnh

(HBĐT) - Ngày 11/11, Trường PT Dân tộc nội trú THPT tỉnh (tiền thân là trường Thanh niên lao động XHCN) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường. Dự và chúc mừng thầy trò nhà trường có các đồng chí: Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;  Bùi Văn Cửu, UVTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành địa phương và đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh nhà trường qua các thế hệ.

ĐBQH tỉnh Hòa Bình Bùi Thu Hằng đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Trồng trọt

(HBĐT) - Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Bùi Thu Hằng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đã tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Trồng trọt của Ban Thường vụ Quốc hội. Báo Hòa Bình điện tử đăng tải toàn văn bài phát biểu của đại biểu Bùi Thu Hằng.

Hội thảo báo Đảng về vai trò Báo chí trong tuyên truyền xây dựng đô thị thông minh, hướng tới phát triển bền vững

(HBĐT) - Ngày 9/11, Báo Hà Nội Mới tổ chức Hội thảo Báo Đảng 5 thành phố trực thuộc trung ương với chủ đề "Vai trò của Báo chí trong tuyên truyền xây dựng đô thị thông minh, hướng tới phát triển bền vững”. Tham dự có đại diện lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của Báo Đảng 5 thành phố trực thuộc trung ương và 15 báo Đảng địa phương đại diện cho các khu vực, vùng miền của cả nước.

Lễ kỷ niệm 30 thành lập Công ty Thủy điện Hòa Bình

(HBĐT) - Ngày 9/11, Công ty Thủy điện Hòa Bình long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập và phát triển (9/11/1988-9/11/2018), ghi dấu một chặng đường nhiều gian lao, thử thách để đưa Thủy điện Hòa Bình trở thành một trong những công trình thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Trao đổi kinh nghiệm nâng cao hiệu quả hoạt động HĐND các cấp

(HBĐT) - Ngày 9/11, Thường trực HĐND tỉnh và Thường trực HĐND các huyện, thành phố đã tổ chức hội nghị giao ban trao đổi kinh nghiệm nâng cao hiệu quả hoạt động HĐND các cấp. Các đồng chí: Hoàng Văn Tứ; Đinh Văn Dực, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục