Mô hình vườn ươm dổi ghép của anh Bùi Văn Manh (bên trái), xóm Be Dưới, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trước đây, Chí Đạo được biết đến là xã vùng sâu còn nhiều khó khăn của huyện Lạc Sơn. Nơi đây còn được ví là quê hương của một đặc sản nức tiếng xứ Mường, đó là hạt dổi. Kể từ khi hạt dổi lên ngôi, không ít hộ dân trong xã đã đổi đời nhờ cây bạc triệu này. Thế nên, trồng dổi là hướng đi được nhiều người dân Chí Đạo lựa chọn trong công cuộc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, trong đó có những ĐVTN của xã đã khởi nghiệp với cây đặc sản này. Đồng chí Bùi Văn Dư, Bí thư Đoàn thanh niên (ĐTN) xã cho biết: Trong xung kích phát triển kinh tế đã xuất hiện những ĐVTN nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường, mở vườn ươm cung cấp giống cây dổi bản địa cho khách hàng nên có nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Điển hình như các mô hình nuôi lợn thịt của các đoàn viên: Bùi Văn Tần, xóm Be Trên; Bùi Văn Trọng, xóm Be Ngoài. Tuy nhiên, hướng đi mới và đem lại hiệu quả nổi bật nhất phải kể đến các mô hình vườn ươm và ghép giống cây dổi của các anh Bùi Văn Manh, xóm Be Dưới và Bùi Văn Nhung, xóm Be Trên.
Chúng tôi có dịp đến thăm mô hình vườn ươm của gia đình anh Bùi Văn Manh, xóm Be Dưới. Anh Manh thuộc thế hệ 9X nhưng hiện đã xây dựng được vườn ươm khá quy củ, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng vạn cây giống, đem lại nguồn thu nhập vài trăm triệu đồng. Anh Manh chia sẻ, trước đây, gia đình anh vốn có nghề làm vườn ươm nhưng quy mô nhỏ, hiệu quả kinh tế chỉ ở mức "có đồng ra, đồng vào”. Nhận thấy giá trị kinh tế cây dổi đem lại, tận dụng nguồn giống ở địa phương, anh bàn với gia đình mở rộng vườn ươm để cung cấp dổi giống cho thị trường. Bước ngoặt của hành trình khởi nghiệp này đến khi anh Manh ghép thành công cây dổi. Anh Manh cho biết: "Đối với cây dổi ghép, từ khi trồng đến khi thu hoạch chỉ 4 năm, trong khi cây dổi giống bình thường phải mất 7 năm mới cho thu hoạch nên thị trường khá ưa chuộng. Bản thân tôi đã mày mò, học hỏi kỹ thuật và gặp không ít thất bại trước khi xây dựng được vườn ươm như ngày hôm nay”.
Chính sự nỗ lực, chịu khó, sự nhanh nhạy trong nắm bắt nhu cầu thị trường mà anh Manh và một số ĐVTN đã đạt được những thành công khi lựa chọn con đường khởi nghiệp tại chính quê hương mình. Không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế, tuổi trẻ xã vùng sâu này cũng ghi dấu ấn trong các hoạt động xung kích vì cuộc sống cộng đồng. Trong năm 2018, ĐVTN xã đã tổ chức nhiều hoạt động tu sửa, dọn dẹp vệ sinh ở các tuyến đường GTNT, chủ động tham gia đảm nhận các phần việc tình nguyện gắn với xây dựng nông thôn mới; tổ chức thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ ngày công lao động đối với các gia đình chính sách, người có công nhân ngày thương binh, liệt sỹ 27/7 và các dịp lễ, Tết. Tuyên truyền, vận động ĐVTN hiến máu tình nguyện, với 25 đồng chí tham gia. Ngoài ra, Đoàn xã còn phối hợp với Trường đại học Hòa Bình (Hà Nội) tổ chức hoạt các động hè cho thanh, thiếu nhi và tặng quà học sinh nghèo vượt khó.
Đồng chí Bùi Văn Dư, Bí thư ĐTN xã cho biết thêm: "Trong năm 2019, Đoàn xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ĐVTN tích cực tham gia vào xây dựng nông thôn mới, duy trì các hoạt động bảo vệ môi trường, an sinh xã hội. Phát huy hơn nữa vai trò xung kích trong phát triển kinh tế cũng như tổ chức các hoạt động thiện nguyện trong các chiến dịch tình nguyện và Tháng thanh niên. Chú trọng các hoạt động "đền ơn, đáp nghĩa” và tạo sân chơi lành mạnh cho các em thiếu nhi ở các khu dân cư trên địa bàn xã”.
Viết Đào
(HBĐT) - Chiều 3/1, Sở KH&CN tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019. Đến dự có đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Bộ KH&CN