Tại Hội nghị T.Ư 8 (khóa XII), BCH T.Ư Đảng đã xem xét, quyết định việc ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH T.Ư Đảng. Ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Hội nghị T.Ư 8 (khóa XII).
Nêu gương - Khái niệm và những giá trị đặc trưng
Trong đời sống xã hội, nêu gương chủ yếu được nhấn mạnh ở việc thực hành các chuẩn mực xã hội (đạo đức, pháp luật...). Nêu gương hay làm gương luôn phải đi kèm với noi gương, học tập và làm theo các tấm gương ấy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất hiểu và vận dụng khéo léo, hợp lý các nguyên lý, bản chất nêu gương của Đông - Tây. Suốt đời Người thực hành nêu gương, làm gương và noi gương; và chính Người đã trở thành tấm gương sáng trong lịch sử cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới.
Làm người lãnh đạo (dẫn đường) phải có nhiều phẩm chất, nhưng một trong những phẩm chất quan trọng nhất là đi tiên phong, phải làm gương cho người theo sau. Người nói, đảng viên đi trước, làng nước theo sau và "Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nêu gương luôn là phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) nhấn mạnh: Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên.
Ngày 07/6/2012, Ban Bí thư T.Ư Đảng ban hành Quy định số 101-QÐ/TW về trách nhiệm nêu gương của CB, ĐV, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Trong đó, quy định rõ bảy nội dung nêu gương: Về tư tưởng chính trị; Về đạo đức, lối sống, tác phong; Về tự phê bình, phê bình; Về quan hệ với nhân dân; Về trách nhiệm trong công tác; Về ý thức tổ chức kỷ luật; Về đoàn kết nội bộ. Tiếp theo Quy định số 101-QÐ/TW, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của CB, ĐV. Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25/10/2018 của BCH T.Ư Đảng khóa XII quy định trách nhiệm nêu gương của CB, ĐV, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, UV BCH T.Ư, yêu cầu CB, ĐV, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, UVBCH T.Ư phải "gương mẫu thực hiện Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7/6/2012, của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của CB, ĐV, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp”.
Trong Quy định số 08-QĐ/TW, không quy định theo từng lĩnh vực, nhưng quy định thành các điều, nêu rõ: Để thực hiện trách nhiệm nêu gương, CB, ĐV, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, UVBCH T.Ư phải nghiêm chỉnh chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phải đi đầu thực hiện trách nhiệm nêu gương, phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống các hiện tượng tiêu cực, như chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cửa quyền, lạm quyền, trục lợi...
Các quy định, chỉ thị về thực hiện việc nêu gương của Đảng không những đã cụ thể hóa một phương thức lãnh đạo (bằng nêu gương) của Đảng, mà còn phù hợp với các "nguyên lý” về nêu gương trong đời sống xã hội nói chung, trong đời sống chính trị nói riêng, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Các quy định, chỉ thị của Đảng về học tập tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh và về nêu gương vừa mang tính khách quan, tất yếu, vừa thể hiện rằng, nêu gương là một vấn đề quan trọng, không thể thiếu trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, trong việc trao truyền văn hóa giữa các thế hệ con người Việt Nam hiện nay.
Chủ thể và đối tượng nêu gương
Nêu gương là một phương pháp giáo dục đạo đức hiệu quả. Giáo dục đạo đức là giáo dục con người tiếp nhận và thực hành theo những chuẩn mực được xã hội thừa nhận. Tuy nhiên, trong đời sống xã hội, nhất là trong những giai đoạn có những biến đổi mạnh mẽ về KT-XH, khi đó lối sống, các chuẩn mực đạo đức vốn đã trừu tượng, không chỉ cũng biến đổi theo mà nhiều lúc còn trở nên lẫn lộn, rối rắm, phức tạp. Trong bối cảnh đó, chỉ ra được một tấm gương sẽ có tác dụng rất lớn trong sinh hoạt tư tưởng và định hướng tâm trạng xã hội.
Do tính hiệu quả của nêu gương trong lãnh đạo, nhất là trong công tác tư tưởng, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Vấn đề đặt ra là ai nêu gương cho ai? Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.
Nêu gương là một công cụ và thuộc tính của lãnh đạo. Người lãnh đạo là người dẫn đường, truyền cảm hứng, động viên, tổ chức quần chúng nhằm đạt đến mục tiêu, tầm nhìn nhất định. Mục tiêu, tầm nhìn của người lãnh đạo thông thường phải xa hơn quần chúng. Người lãnh đạo là đi tiên phong thực hiện tầm nhìn ấy, phải chấp nhận tất cả những khó khăn, thách thức, thậm chí rủi ro, hy sinh trên con đường mới. Muốn thu hút, lôi kéo, động viên được quần chúng theo mình, người lãnh đạo không chỉ đi tiên phong mà còn là người nêu gương cho những người đi theo. Do vậy, nêu gương là công cụ, là thuộc tính của người lãnh đạo. Ai muốn trở thành người lãnh đạo, người đó phải là một tấm gương và phải biết nêu gương.
Như vậy, nêu gương là trách nhiệm, nhiệm vụ của người lãnh đạo, quản lý. Ở nước ta, những người phải có trách nhiệm làm gương cho nhân dân, cho quần chúng, trước hết phải là những CB, ĐV của Đảng. Cương vị càng cao, chức vụ càng cao, trách nhiệm nêu gương càng lớn. Chính vì vậy mà khi nói về trách nhiệm nêu gương của cCB, ĐV các quy định của Đảng đều nhấn mạnh "nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”.
Đảng ta là người lãnh đạo cách mạng Việt Nam, để có những thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, các tổ chức đảng, CB, ĐV đã từng đi tiên phong, gương mẫu. Để giữ được vai trò lãnh đạo, các tổ chức đảng và đảng viên của Đảng luôn luôn phải đi tiên phong và gương mẫu. Đó không chỉ là một yêu cầu đối với vai trò lãnh đạo của Đảng mà còn được đặt ra như là một chuẩn mực, một phẩm chất đạo đức của người đảng viên.
Năng lực, trách nhiệm của người lãnh đạo trong nêu gương là phải biết nắm bắt những xu thế vận động mới của đời sống xã hội, đổi mới tư duy, đổi mới hành động sao cho đáp ứng tốt nhất yêu cầu phát triển của đất nước, của địa phương, của cộng đồng. Đây lại là một vấn đề lớn trong nêu gương, nêu gương về tư tưởng, hay có thể nói là về sinh hoạt tư tưởng, về tư duy. Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII đã bổ sung và làm rõ nội dung này.
Nội dung nêu gương của cán bộ, đảng viên của Đảng
Nội dung nêu gương của CB, ĐV, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải được thể hiện trên cả ba mối quan hệ: Đối với mình, đối với người và đối với việc.
Đối với mình, không được tự cao tự đại, tự mãn mà phải cần, kiệm, liêm, chính; phải là "Nhân, Trí, Dũng, Liêm”; bản thân mình phải làm gương trong công việc từ nhỏ đến lớn, thường xuyên học tập, rèn luyện, tự phê bình, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của bản thân về mọi mặt để tiến bộ.
Ðối với người, phải chân thành, khiêm tốn, thật thà, đoàn kết và có tình thương yêu, bao dung, độ lượng. Đối với người, trước hết và quan trọng nhất là đối với đồng chí, đồng sự, nhất là đối với cấp dưới và sau đó là đối với quần chúng nhân dân.
Đối với việc, phải tận tâm, tận lực, có trách nhiệm, gương mẫu phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; phải luôn giữ vững nguyên tắc "Dĩ công vi thượng”, phải "chí công vô tư”, phải biết hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích của Tổ quốc, nhân dân và của Đảng.
Ba mối quan hệ ấy chứa đựng nhiều nội dung cụ thể rất phong phú và chúng cũng biến đổi theo từng thời kỳ phát triển của cách mạng. Ngày nay, trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế... đứng trước nhiều cơ hội và thách thức của các yếu tố thời đại, ba mối quan hệ đó chứa đựng nhiều nội dung về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội và phải được cụ thể hóa, thậm chí thể chế hóa trong nêu gương và noi gương.
Phương thức nêu gương
Nêu gương và noi gương là thực hành đạo đức. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn nêu gương thì CB, ĐV phải luôn thực hiện nói đi đôi với làm và phải biết lấy người tốt, việc tốt để tuyên truyền, nói ít làm nhiều, nói được làm được. Tránh thói ba hoa, chống thói nói một đằng làm một nẻo. Phải xây dựng những tấm gương tốt để nêu gương. Cần thấy rằng, các tấm gương, các mẫu mực luôn biến đổi theo sự biến đổi xã hội, trong đó có những giai đoạn biến đổi rất nhanh chóng. Vấn đề quan trọng cần làm rõ là trong đời sống xã hội nói chung, trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội..., ai, chuẩn mực gì thì được coi là tấm gương, ai và tổ chức nào phải noi theo, làm theo? Một đảng lãnh đạo và cầm quyền như Đảng ta, trong mỗi bước chuyển của lịch sử, trong mỗi giai đoạn của cách mạng, cần phải chủ động xây dựng các điển hình, các tấm gương tốt, thậm chí phải thể chế hóa vấn đề nêu gương, làm gương và noi gương. Phải có thái độ đúng đắn, rõ ràng đối với các tấm gương tốt (chính diện) và gương xấu (phản diện). Điều này làm cho vấn đề nêu gương, làm gương và noi gương trở thành một trong những vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng, cấp thiết và thường xuyên trong sinh hoạt chính trị nói chung, trong xây dựng Đảng nói riêng.
Vấn đề nêu gương, làm gương, noi gương là một trong những công cụ và phương thức quan trọng của lãnh đạo, nhưng không phải là duy nhất. Cần đặt vấn đề nêu gương trong mối quan hệ với các công cụ lãnh đạo khác nữa, để phát huy cao nhất hiệu quả lãnh đạo của Đảng, nhất là trong điều kiện hiện nay. /.
Trích theo Tạp chí Cộng sản.vn