Cuộc chiến
chính nghĩa để bảo vệ Tổ quốc
Là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, lại vừa phải đương đầu với cuộc chiến tranh
xâm lược của tập đoàn Pol Pot Ieng Sary ở biên giới Tây Nam nên Việt Nam không
muốn có chiến tranh và luôn tìm mọi cách để tránh điều đó.
Tuy nhiên, rạng sáng 17/2/1979, chúng ta đã phải đương đầu với một cuộc chiến
trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, diễn ra trên địa bàn 6 tỉnh, từ Quảng Ninh
cho đến Lai Châu, được phân chia thành 2 cánh: cánh chủ yếu và cánh thứ yếu.
Cánh quân chủ yếu tiến công chính diện từ Cao Bằng đến Móng Cái, cánh quân thứ
yếu tiến công chính diện từ Hà Tuyên đến Lai Châu.
Cuộc chiến diễn ra trong thời gian ngắn (từ 17/2 đến 18/3/1979), quy mô lớn, tiến
công đồng loạt, ồ ạt với nhiều trọng điểm, chiều sâu trung bình từ 10 đến 20km,
có nơi vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam tới 40-50 km như thị xã Cao Bằng, Tài Hồ
Xìn, phố Lu...
Sau gần một tháng đánh chiếm nhiều địa bàn trọng yếu và tàn phá hạ tầng cơ sở
kinh tế, văn hóa ở các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam, trước sức ép phản
đối kịch liệt của dư luận trong nước, quốc tế và bị tổn thất nặng nề; ngày
5/3/1979, quân xâm lược buộc phải tuyên bố rút quân ra khỏi lãnh thổ Việt
Nam.
Với mong muốn có hòa bình và củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, Bộ
Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị cho quân và dân trên tuyến biên giới
phía Bắc ngừng mọi hoạt động tiến công quân sự để cho đối phương được rút quân
và phương tiện chiến tranh về nước. Tuy nhiên, trên đường rút, họ vẫn tiếp tục
phá hoại nhiều cơ sở kinh tế, công trình văn hóa... tại các tỉnh biên giới của
Việt Nam. Và những xung đột còn kéo dài suốt 10 năm sau đó.
Cả dân tộc là một khối thống nhất vững bền, đoàn kết
Ý thức về chủ quyền quốc gia đã trở thành mạch nguồn ngấm sâu vào ý chí quyết
tâm chiến đấu của toàn quân và toàn dân. Hướng về biên giới phía Bắc, cả dân tộc
đã đoàn kết thành một khối thống nhất vững bền, đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Lệnh Tổng động viên
của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng (ngày 5/3/1979), hàng triệu thanh niên ở Hà Nội,
Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Phú, Hải Hưng, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh,
Bình Trị Thiên, Đắk Lắk, Gia Lai-Kon Tum, Phú Khánh và Nam Bộ rầm rộ tòng quân
ra mặt trận.
Khó có thể nói hết tinh thần chịu đựng khó khăn gian khổ, hiểm nguy và hy sinh
mà quân và dân các tỉnh biên giới phía Bắc phải chịu đựng trong khoảng thời
gian này.
Sống và chiến đấu trong điều kiện chiến sự ác liệt, kéo dài ngày, địa hình hiểm
trở, pháo binh địch liên tục pháo kích, có ngày chỉ riêng mặt trận Vị Xuyên đã
phải hứng chịu 30.000 viên đạn pháo và đương đầu chống chọi với nhiều đợt tiến
công của quân địch. Công tác bảo đảm hậu cần gặp rất nhiều khó khăn, bộ đội phải
chịu đựng khổ cực, thiếu thốn. Tuy vậy, bộ đội ta vẫn vượt lên tất cả, không những
kiên cường trụ bám đánh địch, giữ vững trận địa mà còn liên tục tổ chức các trận
phản công, giành lại những vị trí đã mất.
Dân quân huyện
Văn Quán, tỉnh Lạng Sơn vừa bám trụ chiến đấu, vừa tổ chức vận chuyển đạn kịp
thời đến trận địa phục vụ bộ đội pháo binh tiêu diệt địch, ngày 27/2/1979. (Ảnh:
Hà Việt/TTXVN)
Phía sau những người chiến sỹ là cả một thế trận lòng dân vững chắc mà không một
thế lực hay kẻ thù nào có thể phá vỡ nổi. Cả nước hướng về dải đất biên cương với
niềm tin và sự góp sức. Và đặc biệt, phải kể đến sự cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ
và sát cánh của người dân các dân tộc vùng núi phía Bắc.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, quân và dân ta đã
gây tổn thất cho 9 quân đoàn chủ lực, loại khỏi vòng chiến đấu 62.500 quân,
tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn, 18 tiểu đoàn, bắn cháy và phá hủy
550 xe quân sự, trong đó có 280 xe tăng và xe bọc thép, phá hủy 115 khẩu pháo
và cối hạng nặng, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự.
Khúc tráng ca bất tử
40 năm đã trôi qua, nhưng nỗi đau của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới
phía Bắc vẫn còn đó. Mảnh đất này vẫn còn nhiều những dấu tích chiến tranh. Cho
đến nay, vẫn chưa có con số thống kê chính xác những tổn thất về người và của của
quân và dân ta trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và chống lấn chiếm ở biên
giới phía Bắc.
Tuy nhiên, chỉ thống kê ở một mặt trận Vị Xuyên thôi cũng đủ thấy sự khốc liệt
của cuộc chiến và những đau thương, mất mát.
Theo thống kê của Ban liên lạc Cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, từ năm 1984 đến
năm 1989, đã có hơn 4.000 bộ đội Việt Nam hy sinh, hàng nghìn người bị thương,
nhiều liệt sỹ chưa tìm được hài cốt.
Dẫu vậy, người dân các tỉnh biên giới phía Bắc, những người lính đã từng chiến
đấu tại đây, kể cả những người may mắn được sống sót trở về cũng như những vong
hồn của những người đã hòa mình vào lòng đất biên cương của Tổ quốc vẫn có quyền
tự hào, bởi họ là những người viết nên khúc tráng ca bất tử trong cuộc chiến
tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc.
Cuộc chiến đấu của quân dân Việt Nam chứng minh tính chính nghĩa tất thắng
trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; phản ánh đúng hiệu quả của sức mạnh chiến tranh
nhân dân Việt Nam thời hiện đại.
Thắng lợi của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc để lại nhiều
bài học kinh nghiệm. Đó là thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực
tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội và sự nghiệp quốc phòng, quân sự, trọng
tâm là củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân
vững mạnh. Đó là nhạy bén trong phân tích, đánh giá tình hình, nhận rõ đối tác,
đối tượng của cách mạng; luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không để bị
động, bất ngờ trong mọi tình huống; quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền,
toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Bài học rút ra là kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội với củng cố,
tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh, nhất là ở những địa bàn trọng
yếu, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đó là chú trọng xây dựng quân đội
nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có sức mạnh tổng
hợp ngày càng cao, làm nòng cốt cùng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc; củng cố
khối đại đoàn kết dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại./.
TheoVietnamplus