UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch triển khai, giao Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc quán triệt tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc. Các cơ quan báo chí tích cực đưa tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tăng thời lượng chương trình phát sóng nhằm giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đồng chí Phạm Tiến Dũng, Phó Chánh Thanh tra tỉnh cho biết: Trong thời gian vừa qua, toàn tỉnh đã tổ chức được 355 lớp tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng với trên 25 nghìn lượt người tham gia học tập; phát hành 63 đầu sách, tài liệu về pháp luật phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng đã kiểm tra 87 cơ quan, đơn vị, song chưa phát hiện cơ quan, đơn vị vi phạm quy định về công khai, minh bạch hoạt động đơn vị. Đồng thời, cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra 69 cuộc thực hiện các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; tổ chức kiểm tra 67 đơn vị trong thực hiện quy tắc ứng xử. Các sở, ban, ngành ban hành 134 văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn, sửa đổi. Các quyết định được các cấp, ngành thực hiện nghiêm túc, việc sử dụng kinh phí về cơ bản đúng mục đích, có hiệu quả, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước.
Trung tâm Hành chính công huyện Cao Phong công khai các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cá nhân đến giao dịch.
Ngoài ra, các sở, ban, ngành của tỉnh đã xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử của CB,CC,VC trong làm việc, tiếp xúc, giải quyết công việc cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp, coi đây là một trong những tiêu chuẩn đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Thanh tra tỉnh phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp, đánh giá công tác chỉ đạo, kết quả triển khai việc kê khai tài sản, thu nhập. Trên cơ sở tổng hợp của Thanh tra tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành đầy đủ các báo cáo gửi Thanh tra Chính phủ theo quy định. Qua đánh giá của Thanh tra Chính phủ về mức độ phổ biến hành vi tham nhũng trên địa bàn tỉnh là mức độ không phổ biến.
Nhằm ngăn ngừa tham nhũng, gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong giải quyết hồ sơ, chế độ, thủ tục, Thanh tra tỉnh cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh ra Công văn số 970/UBND-NNTN về việc triển khai một số nhiệm vụ nhằm cải thiện chi phí không chính thức theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Theo đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố thực hiện công khai, minh mạch và kiểm soát chặt chẽ các khoản thu. Nghiêm cấm việc tự ý đặt ra và yêu cầu người dân, doanh nghiệp phải nộp các khoản chi phí ngoài quy định hoặc tự quy định thủ tục, điều kiện ràng buộc trong giải quyết các hồ sơ liên quan đến người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư không đúng các quy định của pháp luật hiện hành. Tăng cường quán triệt, tuyên truyền, giáo dục kiểm tra nhằm chuẩn hóa đội ngũ công chức, viên chức trong việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ giải quyết các thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, giao trách nhiệm cho người đứng đầu bộ phận, cơ quan Nhà nước giải quyết các thủ tục pháp lý cho người dân và doanh nghiệp. Nghiêm cấm việc đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan Nhà nước trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.
Trường hợp phát hiện nhũng nhiễu hoặc trả lời không đúng nội dung, không đúng quy định hoặc yêu cầu cung cấp những hồ sơ, tài liệu không liên quan trực tiếp đến nội dung giải quyết nhằm gây khó khăn để nhận chi phí không chính thức thì phải xử lý nghiêm, xem xét thi hành kỷ luật đối với người đứng đầu bộ phận, cơ quan đó. Thiết lập đường dây nóng gồm: số điện thoại, địa chỉ, thư điện tử đặt tại Thanh tra tỉnh để tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị, tố giác của người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức theo thẩm quyền…
Việt Lâm