Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Nghị viện châu Âu A.Ta-gia-ni. Ảnh: TRỌNG ĐỨC (TTXVN)
* Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch EP A.Ta-gia-ni tiến hành hội đàm. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao QH Việt Nam thăm EP; tin tưởng, Chủ tịch EP tiếp tục đóng vai trò chủ chốt, nỗ lực thúc đẩy quan hệ giữa EP và Việt Nam trong thời gian tới. Chủ tịch QH thông báo, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam tiếp tục ổn định. Năm 2018, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,08%, mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2008. Việt Nam đã ký kết, thực thi 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán bốn FTA khác.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Liên hiệp châu Âu (EU) là đối tác thương mại, thị trường xuất khẩu, nhà đầu tư lớn của Việt Nam; khẳng định, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) sẽ mang lại lợi ích nhiều mặt cho cả EU và Việt Nam. Chủ tịch QH mong muốn, Chủ tịch EP ủng hộ việc đưa hồ sơ EVFTA và IPA thành ưu tiên trong chương trình nghị sự của EP ngay đầu nhiệm kỳ mới; đồng thời khẳng định, Việt Nam luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có châu Âu, đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.
Chủ tịch EP A.Ta-gia-ni vui mừng nhận thấy nhiều thông số tích cực liên quan quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam; khẳng định, hai bên cần thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ này. Chủ tịch EP hoan nghênh nỗ lực của Việt Nam nói riêng, và ASEAN nói chung, trong việc dàn xếp những khác biệt nội khối cũng như trong khu vực. Chủ tịch EP khẳng định, EVFTA và IPA rất quan trọng với cả EU và Việt Nam.
Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch QH và Chủ tịch EP vui mừng nhận thấy, quan hệ hợp tác giữa QH Việt Nam và EP thời gian gần đây có những tiến triển tích cực. Hai bên tăng cường hợp tác thông qua nhiều hình thức, như trao đổi đoàn, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng pháp luật...
* Trước đó, sáng 4-4, tại Trụ sở Thượng viện Bỉ ở Brúc-xen, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ G.Brốt-si. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ một số nét về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam; cho biết, với tình hình chính trị, xã hội ổn định, các nhà đầu tư yên tâm khi tới đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Chủ tịch QH cho biết, Việt Nam hiện có quan hệ thương mại với khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Châu Âu, trong đó có Bỉ, là thị trường lớn của Việt Nam.
Tại cuộc hội kiến, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Thượng viện Bỉ trao đổi về việc thúc đẩy ký kết và phê chuẩn EVFTA. Chủ tịch QH cảm ơn về sự ủng hộ của Bỉ thời gian qua; mong muốn Chủ tịch Thượng viện Bỉ ủng hộ, góp phần thúc đẩy ký kết và phê chuẩn hiệp định này ngay đầu nhiệm kỳ mới của EP.
Chủ tịch Thượng viện Bỉ G.Brốt-si khẳng định, Bỉ mong muốn củng cố những kết quả hợp tác mà Bỉ và Việt Nam đạt được thời gian qua, mở rộng hợp tác sang những lĩnh vực khác, nhất là lĩnh vực y tế. Chủ tịch Thượng viện Bỉ cảm ơn và vui vẻ nhận lời mời thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân.
* Trước đó, chiều 3-4, tại Brúc-xen, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã gặp Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của EP B.Lan-gi. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Ủy ban Thương mại quốc tế là cơ quan rất quan trọng mà Việt Nam cần trao đổi về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); cho biết, QH Việt Nam đã yêu cầu các cơ quan hữu quan cung cấp thông tin và giải quyết những vấn đề mà EP khuyến nghị, cũng như lãnh đạo EP từng nêu ra trong các chuyến thăm làm việc tại Việt Nam. Chủ tịch QH mong muốn, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế ủng hộ việc đưa hồ sơ EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) thành ưu tiên trong chương trình nghị sự của EP ngay đầu nhiệm kỳ mới. Chủ tịch QH nhấn mạnh, là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Việt Nam có trách nhiệm hoàn thiện pháp luật về lao động, để ngày càng bảo đảm tốt hơn các quyền lợi của người lao động. QH Việt Nam sẽ xem xét kỹ lưỡng về những khuyến nghị của EU và EP.
Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế B.Lan-gi cho biết, ông đã nỗ lực thúc đẩy việc ký kết và phê chuẩn EVFTA, tuy nhiên, do hiện nay EU phải tập trung xử lý một số vấn đề, trong đó có Brexit, tiến trình ký kết và phê chuẩn hiệp định bị chậm lại. Việc này có thể diễn ra vào tháng 6 hoặc tháng 7, sau cuộc bầu cử EP.
TheoNhanDan