Dự buổi gặp mặt, có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước, các đồng chí lãnh đạo Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Văn phòng Tổng Bí thư, Văn phòng Chủ tịch nước.
Báo cáo với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đồng chí Trần Thanh Mẫn và các vị đại biểu nêu rõ, năm 2018, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2018 được tổ chức rộng khắp, có bước phát triển mới. Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ”, phong trào thi đua đoàn kết sáng tạo có nhiều đổi mới. Công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí có nhiều chuyển biến tích cực.
Nhiều vị đại biểu cho rằng, các tầng lớp nhân dân, trong cả nước rất phấn khởi trước những kết quả đất nước đạt được trong thời gian qua, nhất là từ Đại hội XII của Đảng đến nay. Đặc biệt là công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãnh phí tiêu cực được Trung ương Đảng mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ đạo quyết liệt, đạt nhiều kết quả đáng mừng, tham nhũng bước đầu được ngăn chặn, đẩy lùi, góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng và cải cách hành chính là hai yếu tố tác động trực tiếp đến cải thiện môi trường đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh. Công tác kiểm soát quyền lực được đẩy lên một bước, kỷ cương, kỷ luật trong hệ thống chính trị ngày càng được siết chặt.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp mặt thân mật đại diện Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.
Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn, cần quan tâm đúng mức hơn đối với các vấn đề xã hội; đổi mới, đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện quyền dân chủ trực tiếp. Đảng, Nhà nước phải tăng cường tự kiểm soát quyền lực của mình, nhất là đối với người đứng đầu; kiểm soát quyền lực theo luật định với những thiết chế cụ thể; đồng thời tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện quyền giám sát và phản biện. Đề nghị Nhà nước có chính sách thỏa đáng đầu tư cho khoa học công nghệ, quan tâm hơn nữa đội ngũ trí thức; tổ chức lấy ý kiến tư vấn của các nhà khoa học về các vấn đề lớn của đất nước, nhất là những vấn đề phức tạp hoặc còn nhiều ý kiến khác nhau,v.v.
Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cảm ơn các vị đại biểu có nhiều ý kiến tâm huyết, chân thành, thiết thực và trách nhiệm. Đảng, Nhà nước luôn luôn mong muốn lắng nghe ý kiến của các vị đại biểu, các tầng lớp nhân dân qua nhiều kênh thông tin. Nói về những thành tựu trong thời gian qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, chưa bao giờ đất nước ta có cơ đồ như ngày nay và bài học vô cùng quý giá là phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong cả hệ thống chính trị và đoàn kết toàn dân; đoàn kết trong nước và đoàn kết quốc tế. Làm nên những thành tựu đó, có vai trò hết sức to lớn của tổ chức Mặt trận các cấp - nền tảng, cơ sở chính trị của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, đồng chí cũng nêu rõ, trước mắt còn nhiều khó khăn, thách thức, không được chủ quan thỏa mãn.
Trao đổi về những vấn đề các vị đại biểu quan tâm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Đảng ta luôn quan tâm "xây” chứ không phải chỉ có "chống”; "xây” là cơ bản, "chống” là quan trọng. Không ai thích gì việc kỷ luật cán bộ, nhưng phải làm để giữ vững sự nghiêm minh của Đảng, để cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn vi phạm, tiêu cực. Chúng ta đã xây dựng hàng loạt văn bản, như quy định nêu gương, quy định không được chạy chức, chạy quyền, không được sửa tuổi,…
Đối với các vấn đề văn hóa, xã hội, đạo đức, lối sống, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng phát triển đồng bộ các lĩnh vực. Càng đi vào kinh tế thị trường càng phải quan tâm các vấn đề xã hội, nhất là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; không thể để đạo đức xã hội xuống cấp. Đó là bản chất của chế độ ta. Chúng ta xây dựng nền kinh tế thị trường, nhưng định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nền kinh tế nhiều thành phần nhưng phải đi lên chủ nghĩa xã hội; kinh tế nhà nước là chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng, các thành phần kinh tế đều bình đẳng. Đổi mới, nhưng không đổi màu; hòa nhập nhưng không hòa tan, đó là những vấn đề cơ bản.
Về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, đầu tư cho khoa học công nghệ, động viên trí thức, cán bộ lão thành làm tư vấn phản biện, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, lâu nay đã chú trọng và hiện đang làm, như việc lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, nhất là đối với những nhóm vấn đề khó, còn ý kiến khác nhau. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đồng tình với các ý kiến phải có cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước, quyền lực trong Đảng cho tốt, phải "nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, luật pháp”; thực hiện kiểm tra, kiểm tra ngang, kiểm tra dọc, kiểm tra trên xuống, kiểm tra dưới lên; nhân dân giám sát bằng nhiều kênh để chống lạm quyền,…
Đối với đồng bào ta ở nước ngoài, đồng bào theo đạo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho đồng bào xây dựng đất nước, quê hương; bảo đảm mọi điều kiện và thực hiện tốt chính sách tự do tín ngưỡng để các tôn giáo hoạt động đúng pháp luật, nhưng mọi hoạt động tiêu cực, sai trái thì phải xem xét, uốn nắn,…
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nêu rõ quan điểm của Đảng đối với vấn đề Biển Đông, đó là kiên định giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; với những tình huống cụ thể phải có cách giải quyết hiệu quả, giữ vững hòa bình, ổn định, vì lợi ích của quốc gia dân tộc là trên hết…