(HBĐT)-Trong hệ thống phòng thủ bảo vệ Sài Gòn, Xuân Lộc được xem là tuyến phòng thủ số 1, là điểm "trọng yếu”; "cánh cửa thép" phía Đông bảo vệ dinh lũy cuối cùng của chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Nơi đây có địa hình hiểm trở, nhiều núi cao, rừng già che phủ, địa thế rất hiểm yếu cho hoạt động quân sự. Chính vì vậy mà sau khi mất địa bàn chiến lược Tây Nguyên và một loạt các thành phố, thị xã ven biển duyên hải miền Trung, chính quyền Sài Gòn gấp rút tổ chức tuyến phòng thủ mới ở Xuân Lộc nhằm ngăn chặn, làm chậm tốc độ tiến công của quân ta theo quốc lộ 1 và Đường 20 đánh vào Biên Hòa, tiến tới chiếm dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn.



Nhân dân Xuân Lộc đón chào Quân Giải phóng (21/4/1975). Ảnh: Tư liệu

Thị xã Xuân Lộc cách Sài Gòn khoảng 80km về phía Đông Bắc, nằm trên ba trục đường giao thông quan trọng là quốc lộ số 1, Đường 20 và Đường 15 - những tuyến cơ động chủ yếu vào Sài Gòn. Chính diện tuyến phòng thủ Xuân Lộc khoảng 40km, kéo dài từ Túc Trưng qua Dầu Giây, thị xã Long Khánh đến ngã ba Tân Phong.\

Nhận rõ ví trí chiến lược quan trọng của Xuân Lộc trên chiến trường Bà Rịa - Long Khánh. Ngày 28/3/1975, đích thân tướng Mỹ Uy-en, Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ cùng tướng ngụy Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Việt Nam Cộng hòa, sau khi thị sát đã chọn Xuân Lộc làm phòng tuyến cố thủ. Chúng nhất trí nhận định rằng, "Mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”. Chính vì thế, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã tập trung một lượng lớn quân tinh nhuệ cùng nhiều trang thiết bị, vũ khí hiện đại tại tuyến phòng thủ Xuân Lộc.

Trên cơ sở nhận định tình hình chiến trường sau những thắng lợi vang dội trên chiến trường các tỉnh duyên hải miền Trung, ngày 2/4/1975, Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở Chiến dịch tiến công giải phóng thị xã Xuân Lộc. Lực lượng tham gia chiến dịch bao gồm: Quân đoàn 4 (Sư đoàn 7 và Sư đoàn 341); Sư đoàn 6 (Quân khu 7); Lữ đoàn Pháo phòng không 71; hai tiểu đoàn xe tăng; các lữ đoàn: Pháo binh 24, Công binh 25, Thông tin 26, một số tiểu đoàn, đại đội bộ đội địa phương; cuối chiến dịch tăng cường thêm Trung đoàn 95B (Sư đoàn 325) và 1 đại đội xe tăng.

Rạng sáng 9/4/1975, các đơn vị tham gia chiến dịch đồng loạt nổ súng tiến công vào Xuân Lộc và Tiểu khu Long Khánh. Các đơn vị hỏa lực của ta đồng loạt bắn cấp tập vào những mục tiêu trọng yếu trong thị xã. Các trận chiến đấu diễn ra vô cùng quyết liệt, ta và địch giành giật nhau từng ngôi nhà, góc phố, từng đoạn đường. Với quyết tâm "tử thủ” bảo vệ Xuân Lộc, ngày 12/4, Bộ Tổng tham mưu quân ngụy Sài Gòn quyết định tăng cường lực lượng, vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại cho Xuân Lộc.

Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu quyết định đổ Lữ đoàn 1 dù xuống chốt tại ngã ba Tân Phong; đồng thời, nhanh chóng bố trí lại thế trận phòng thủ ở thị xã: Đưa lữ đoàn 3 Thủy quân lục chiến, Chiến đoàn 318 Biệt động quân đến chốt giữ Trảng Bom, Chiến đoàn 322 biệt động quân đến chốt ở Bàu Cá và điểm cao 122; đưa Trung đoàn 8, Sư đoàn 5 từ Lai Khê sang tăng cường cho Bàu Cá; lệnh cho các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất tập trung hơn 80 lần chiếc máy bay chiến đấu mỗi ngày trực tiếp chi viện cho quân ngụy.

Như vậy, chỉ sau thời gian ngắn, lực lượng địch ở Xuân Lộc - Long Khánh đã  tăng đột biến: 50% bộ binh, 60% pháo binh, hầu hết số lượng xe tăng thiết giáp của Quân đoàn 3 - Quân khu 3 và lực lượng tổng dự bị chiến lược của quân ngụy Sài Gòn đã được đưa vào tham chiến ở mặt trận Xuân Lộc.

Trước tình hình đó, sau 4 ngày chiến đấu, ngày 13/4, Bộ chỉ huy chiến dịch buộc phải tạm thời ngừng tiến công, lệnh cho mỗi sư đoàn chỉ để một bộ phận lực lượng ở lại để kiềm chế, nghi binh địch, còn đại bộ phận nhanh chóng rút về tuyến sau để củng cố lực lượng, chuẩn bị thực hiện phương án tác chiến mới.

Đến rạng sáng ngày 15/4, các đơn vị pháo binh của ta đã tiến hành tập kích mãnh liệt vào sân bay Biên Hòa. Sư đoàn bộ binh 6 được tăng cường Trung đoàn 95B đã tiến công tiêu diệt Chiến đoàn 52, 1 Tiểu đoàn pháo, 1 Chi đoàn Thiết giáp địch, chiếm giữ chi khu Gia Kiệm, ngã ba Dầu Giây, cắt đứt Quốc lộ 1 đoạn từ Xuân Lộc đến Bàu Cá và Đường 20 - đoạn Túc Trưng đến ngã ba Dầu Giây.

Cùng thời gian này, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 341, tiếp tục tiến công, đánh bại các Chiến đoàn 43 và 48 ngụy, tiêu hao nặng Lữ đoàn 1 dù của địch; Sư đoàn 6 và Trung đoàn 95B tiến công Hưng Nghĩa và điểm cao 122, đẩy quân địch xuống Bàu Cá. Phối hợp chặt chẽ với quân chủ lực, bộ đội địa phương và du kích nhanh chóng tiêu diệt, bức hàng, bức rút hệ thống đồn bốt của địch ở dọc các trục giao thông bao quanh thị xã. Với diễn biến chiến thắng mới trên chiến trường, ta đã tạo thế bao vây, cô lập hoàn toàn thị xã Long Khánh - khu vực trọng yếu trên tuyến phòng thủ Xuân Lộc của địch.

Trước tình hình "ngàn cân treo sợi tóc", từ ngày 16/4, Bộ Tổng tham mưu quân đội ngụy Sài Gòn khẩn cấp tăng viện. Địch đưa Lữ đoàn 3 thiết giáp, Trung đoàn 8 (Sư đoàn 5); huy động hơn 100 khẩu pháo cỡ lớn ở các căn cứ Nước Trong, Hốc Bà Thức, Long Bình, Đại An và huy động hơn 125 lần chiếc máy bay chiến đấu chi viện mỗi ngày, mở các cuộc phản kích quy mô lớn, quyết chiếm lại khu vực ngã ba Dầu Giây. Và như vậy, Dầu Giây đã trở thành điểm quyết chiến khốc liệt nhất trong cuộc đọ sức giữa ta và địch tại mặt trận Xuân Lộc.

Nhận thấy không thể đủ sức giành lại Dầu Giây, điểm "then chốt" của "cánh cửa thép", Bộ Tổng tham mưu quân đội ngụy Sài Gòn ra lệnh rút chạy khỏi  Xuân Lộc để bảo toàn lực lượng. Vào lúc 22 giờ, ngày 20/4, lợi dụng lúc trời mưa to, toàn bộ quân địch ở Xuân Lộc đã tháo chạy về hướng Bà Rịa - Vũng Tàu theo tỉnh lộ số 2. Ngày 21/4/1975, chiến dịch tiến công Xuân Lộc kết thúc thắng lợi, thị xã Long Khánh được hoàn toàn giải phóng, "cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn - Gia Định đã mở toang. Thừa thắng, quân và dân các địa phương đã tiến công và nổi dậy, giải phóng hoàn toàn tỉnh Long Khánh.

Sau khi "cánh cửa thép” Xuân Lộc bị đập tan, một loạt sự kiện chính trị lớn trên chính trường Sài Gòn đã liên tiếp diễn ra. Ngay tối ngày Xuân Lộc được giải phóng, Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức và trốn chạy khỏi Sài Gòn sau đó hai ngày. Ngày 23/4/1975, Tổng thống Mỹ G.Pho tuyên bố: "Cuộc chiến tại Việt Nam đã chấm dứt đối với người Mỹ”. Sự kiện "cánh cửa thép Xuân Lộc mở toang”, mặt trận hướng Đông được khai thông, các cánh quân của ta rầm rập tiến về Sài Gòn với khí thế không gì lay chuyển nổi. Thời cơ giải phóng Sài Gòn đã điểm.

Sau 21 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, ta đã đập tan "cánh cửa thép” án ngữ cửa ngõ phía Đông, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ bảo vệ Sài Gòn của địch, làm suy sụp nhanh chóng  tinh thần chiến đấu của ngụy quân, ngụy quyền còn lại trên toàn chiến trường miền Nam. Chiến thắng Xuân Lộc mùa Xuân 1975 thực sự là đòn quyết định, tạo thế, đập tan mọi hy vọng duy trì chế độ của chính quyền Sài Gòn.

Thắng lợi của chiến dịch đã tạo ra một địa bàn thuận lợi, làm bàn đạp xuất phát tiến công của cánh quân hướng Đông - một trong 5 mũi chủ lực cơ động tiến công trong đội hình chiến dịch mang tên Hồ Chí Minh, tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Hoàn thành sứ mệnh lịch sử - giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.



P.V (TH)


Các tin khác


Giao lưu - toạ đàm tuyên truyền giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

(HBĐT) - Ngày 18/4, tại Nhà văn hoá TP Hoà Bình, Hội CCB, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Phòng GD & ĐT TP Hoà Bình phối hợp tổ chức giao lưu - toạ đàm tuyên truyền giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, 44 năm giải phóng Miền Nam, 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ giữa lực lượng ĐVTN, học sinh với CCB qua các thời kỳ.

Hiệu quả từ việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng

(HBĐT) - Cuối tháng 12/2018, chúng tôi có mặt tại trường Tiểu học Kim Tiến (Kim Bôi) đúng vào dịp Phòng GD&ĐT huyện Kim Bôi tổ chức Ngày hội Mỹ thuật với chủ đề "Chúng em tiếp bước truyền thống Bộ đội Cụ Hồ” cho học sinh các trường tiểu học trên địa bàn huyện. Đồng chí Nguyễn Thị Bích, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Tiến phấn khởi cho biết: Hoạt động ngoại khóa Ngày hội Mỹ thuật với chủ đề "Chúng em tiếp bước truyền thống Bộ đội Cụ Hồ” là một trong những hoạt động ngoại khóa rất được mong chờ bởi ý nghĩa đáng quý và nội dung phong phú, hấp dẫn.

Tuyên bố chung Việt Nam-Cộng hòa Séc nhân chuyến thăm của Thủ tướng

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis đánh giá cao những nỗ lực của hai bên nhằm sớm khai trương đường bay thẳng như dự kiến.

Huyện Kim Bôi kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng ba

(HBĐT) - Ngày 17/4, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ huyện Kim Bôi tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập huyện (17/4/1959 - 17/4/2019) và đón nhận Huân chương Lao động hạng ba. Tới dự, chia vui có đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, UB MTTQ tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, huyện, thành phố của tỉnh và một số huyện của tỉnh bạn.

Đoàn công tác của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thăm và làm việc tại Australia

(HBĐT) - Từ ngày 13 -17/4, nhận lời mời của Đại sứ Việt Nam tại Australia, Đoàn công tác của đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã sang thăm và làm việc tại Australia. Tham gia đoàn công tác còn có đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo.

Đoàn công tác của tỉnh thăm và chúc Tết cổ truyền Bunpimay tại tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào

(HBĐT) - Từ ngày 9 - 11/4, Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến thăm và chúc Tết cổ truyền Bunpimay tại tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào. Đón tiếp và làm việc với Đoàn công tác của tỉnh có đồng chí Phăn Thong Phết Xay Sôm Văn, Phó Chủ tịch tỉnh Hủa Phăn và các đồng chí lãnh đạo ban, ngành tỉnh Hủa Phăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục