Chiều 6-5, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ban Chỉ đạo 182 Trung ương (T.Ư), Ban Kinh tế T.Ư, Tỉnh uỷ Thừa Thiên - Huế phối hợp tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 48 của Bộ Chính trị (khóa X) về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế đến năm 2020” (Kết luận 48).


Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư phát biêu chỉ đạo tại hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và các tỉnh, thành phố liên quan, các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập.

Triển khai Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2019, ngày 11-3-2019, Ban Bí thư đã ban hành Quyết định 182-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế đến năm 2020”; trong đó giao Ban Kinh tế T.Ư là cơ quan thường trực giúp Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án này

Để triển khai xây dựng Đề án, Trưởng Ban Chỉ đạo đã thành lập Tổ Biên tập và Tổ đã tiến hành Dự thảo các văn bản có liên quan như Kế hoạch xây dựng Đề án, Đề cương Đề án, Quyết định phân công thành viên Ban chỉ đạo. Ngoài ra, Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế cũng đã xây dựng Dự thảo Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW ngày 25-5-2009 và Thông báo 175-TB/TW ngày 1-8-2014 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế đến năm 2020; xây dựng phương hướng phát triển Thừa Thiên - Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Kết quả sau 10 năm thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị

Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị, trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước nhưng Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường, vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của vùng kinh tế trọng điểm miền trung và cả nước, phát huy được vai trò, vị thế của trung tâm văn hoá, du lịch đặc sắc, trung tâm giáo dục - đào tạo, trung tâm y tế chuyên sâu, trung tâm khoa học - công nghệ của miền trung và cả nước.

Thừa Thiên - Huế đã có nhiều có nỗ lực lớn trong thực hiện công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, ban hành các chương trình, đề án để xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc T.Ư. Đẩy mạnh quy hoạch, định hướng phát triển đô thị Thừa Thiên - Huế theo hướng "di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường” như phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên - Huế. Hiện nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị toàn tỉnh đạt 100%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2009-2018 là 7,16%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng khá từ 17.500 tỷ đồng lên 32.749 tỷ đồng, tăng 1,86 lần (theo giá so sánh 2010). Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 1.794 USD tăng 2,24 lần so với năm 2009, dự kiến năm 2020 là 2000 USD/người. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng từ 45,9% năm 2009 lên 54,6% năm 2018; tương ứng với lĩnh vực công nghiệp giảm từ 37,6% xuống 34,1%; nông nghiệp giảm 16,5% xuống 11,3%.

Thừa Thiên - Huế từng bước khẳng định là trung tâm văn hoá, du lịch, y tế chuyên sâu, khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được đẩy mạnh. Hệ thống di tích lịch sử cách mạng, Quần thể di tích Cố đô Huế và các danh lam thắng cảnh... được giữ gìn, tôn tạo, khẳng định được vị thế của một trung tâm du lịch lớn của quốc gia.

Một loạt các lĩnh vực khác như: chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên; trở thành một trong những trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 37% năm 2009 lên 62% năm 2018; khoa học - công nghệ phát triển theo hướng khai thác các thế mạnh về khoa học xã hội và nhân văn, y dược, nông nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin; Quốc phòng - an ninh được giữ vững; vị thế và quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng lên; công tác xây dựng chính quyền được đẩy mạnh; chất lượng hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội được nâng cao; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách xây dựng, phát triển Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế trong thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế như mục tiêu cơ bản đưa Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc T.Ư chưa thực hiện được. Thu ngân sách nhà nước còn thấp, ngành du lịch - dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của địa phương, của vùng kinh tế trọng điểm miền trung. Thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức bình quân chung của cả nước...

Đưa phát triển về kinh tế - xã hội của Thừa Thiên - Huế lên một tầm cao mới

Thừa Thiên - Huế là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hiến lâu đời, nơi hội tụ tinh hoa văn hoá của dân tộc mang tầm vóc quốc gia và quốc tế; có kho tàng di sản đồ sộ cả về vật thể và phi vật thể. Thành phố Huế - Cố đô cuối cùng của Việt Nam và nay là đô thị loại I, thành phố di sản văn hóa thế giới, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố văn hóa ASEAN. Trong lịch sử phát triển của dân tộc, Huế từng là đô thị cấp quốc gia với hơn ba thế kỷ (1636 - 1945). Trong đó hơn nửa thời gian là Kinh đô của nước Đại Việt anh hùng dưới triều Tây Sơn (1788 - 1801) và Kinh đô thống nhất dưới triều đại nhà Nguyễn (1802 - 1945).

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình đánh giá cao tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chủ động và có trách nhiệm trong phối hợp với Ban Kinh tế T.Ư tổ chức hội nghị quan trọng này. Đồng cũng ghi nhận sự nỗ lực thực hiện để đạt được những kết quả quan trọng của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong 10 năm qua, ghi nhận sự chuẩn bị nghiêm túc của Ban Tổ chức cho công tác tổng kết Kết luận 48, đồng thời nhấn mạnh mục đích, ý nghĩa quan trọng của hội nghị này. Để đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng Đề án tổng kết theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị cần bám sát các mục tiêu và giải pháp được đưa ra trong Nghị quyết 48 năm 2009 và Thông báo kết luận của Bộ Chính trị năm 2014 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 48 để đánh giá và tổng kết.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Kết luận 48 của Bộ Chính trị đã xác định "Xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc T.Ư trong vài năm tới, là trung tâm của khu vực miền trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hoá, du lịch; khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao”. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, cho đến nay, nhiều mục tiêu và nhiệm vụ đã nêu trong Kết luận 48 chưa hoàn thành. Vì vậy, trách nhiệm của chúng ta cần phân tích và làm rõ các nguyên nhân, đồng thời đề xuất được định hướng phát triển cho tỉnh Thừa Thiên - Huế và đô thị Huế trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị việc đánh giá và tổng kết cần được đặt trong một tổng thể thống nhất với Kết luận số 25-KL/TW ngày 2-8-2012 về "Phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2020”; Nghị quyết Đại hội Đảng XII; các Nghị quyết chuyên đề khác của T.Ư khóa XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020. Việc tổng kết và đánh giá cần mang tính khách quan, bám sát vào thực tế và trên tinh thần cầu thị, thẳng thắn để có thể xác định được một cách thực chất các kết quả đạt được, chỉ ra được những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân. Đặc biệt, cần rút ra những bài học kinh nghiệm, nhất là những bài học kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình đề cập tới sự cần thiết của một Nghị quyết của Bộ Chính trị về "Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” và đề nghị phân tích những luận điểm, lý giải mang tính thuyết phục về mặt khoa học và thực tiễn để Nghị quyết mới sẽ giúp tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định lại được một cách rõ ràng hơn, sát thực hơn những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của tỉnh trong bối cảnh mới có rất nhiều thay đổi ở cả trong và ngoài nước (với tốc độ nhanh, mạnh và khó lường) cũng như mở đường cho việc đưa ra tầm nhìn, mục tiêu và những giải pháp mang tính khát vọng hơn, đột phá hơn; qua đó giúp thu hút được nhiều nguồn lực hơn để tỉnh có thể phát triển nhanh, bền vững hơn và bao trùm hơn trong thời gian tới.

Đồng chí nêu rõ, nếu được ban hành, Nghị quyết phải có những điểm mới, khác biệt so với các Kết luận đã được ban hành. Các quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn và giải pháp được đưa ra phải đặt trong bối cảnh quốc tế và trong nước, cơ hội và thách thức; phải mang tính khát vọng và đột phá, vừa đảm bảo có tính kế thừa, vừa đảm bảo tính phát triển nhưng khả thi, thiết thực, phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng như xu hướng phát triển chung ở trong nước và quốc tế. Hội nghị đã thống nhất về tư tưởng và hành động nhằm xây dựng thành công Đề án, góp phần đưa sự phát triển về kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế lên một tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và đáp ứng được khát vọng về một thành phố "Di sản, văn hóa, xanh, thông minh và hiện đại”, ngang tầm với các thành phố hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.

TheoNhanDan

Các tin khác


Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Đăng Ninh thị sát các công trình thủy điện tại huyện Lạc Sơn

(HBĐT) - Ngày 4/5, đồng chí Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đoàn công tác đã thị sát tình hình đầu tư, vận hành các công trình thủy điện trên địa bàn huyện Lạc Sơn.

Chiến thắng Điện Biên Phủ - Tầm vóc thời đại!

Bài 1: Mốc son chói lọi của lịch sử 


Vào những ngày cuối tháng 4, nhóm phóng viên Báo SGGP trở lại Điện Biên Phủ khi thành phố này bắt đầu vào cao điểm chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng. Không chỉ những người cựu chiến binh năm xưa, người dân nơi đây, mà cả những du khách, trong đó có chúng tôi, đều đang muốn lắng mình lại trong một cuộc trở về của hồi ức.

Các nước, các tổ chức quốc tế gửi Điện và Thư chia buồn; cử đoàn đến viếng nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh

Chia sẻ niềm đau buồn và tổn thất cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, nhiều đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, Chính phủ các nước anh em, bè bạn; các đại sứ, đại biện các nước, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam đã tới viếng nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh.

Lời điếu do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đọc tại lễ truy điệu đồng chí Lê Đức Anh

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 

Thưa các vị khách quốc tế, 

Thưa gia quyến đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh, 

Thưa đồng bào, đồng chí,

Ban Văn hóa – Xã hội (HĐND tỉnh) giám sát tại Trung tâm y tế huyện Mai Châu

(HBĐT) - Chiều 3/5, đoàn công tác của Ban VH-XH (HĐND tỉnh) do đồng chí Nguyễn Văn Toàn, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban VH-XH làm trưởng đoàn đã giám sát tình hình xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại các trạm y tế thuộc xã đặc biệt khó khăn tại Trung tâm y tế huyện Mai Châu. Cùng tham gia có lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, huyện Mai Châu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục