Đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh
kết luận hội nghị đối thoại doanh nghiệp.
Những năm gần đây, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác thu hút đầu tư được các cấp,ngành quan tâm phối hợp thực hiện tốt. DN, nhà đầu tư khi đến tìm hiểu đều được các cơ quan cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, làm cơ sở xem xét quyết định đầu tư.
Lũy kế đến ngày 15/5/2019, trên địa bàn tỉnh có 540 dự án, trong đó có 38 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 625 triệu USD và 502 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 67.950 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2016 -2018, trong tỉnh có 181 dự án đầu tư đã được phê duyệt, trong đó UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư 151 dự án; Sở KH&ĐT cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 4 dự án; BQL các Khu công nghiệp tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 26 dự án. Tính đến nay, có 65/181 dự án đã đưa vào SX-KD; 116 dự án chưa hoạt động SX-KD, trong số này có 80/116 dự án chưa hoàn thành GPMB, 99 dự án chưa hoàn thành thủ tục đất đai, 109 dự án chưa hoàn thành thủ tục xây dựng, 101 dự án chưa hoàn thành thủ tục về môi trường.
Thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch UBND tỉnh giao, trong tháng 3/2019, Sở KH&ĐT đã phát 394 phiếu khảo sát thu thập thông tin về vướng mắc, khó khăn của DN, nhà đầu tư. Đến ngày 10/5, Sở KH&ĐT nhận được phiếu phản hồi của 15 DN, nhà đầu tư, trong đó có 26 ý kiến vướng mắc, khó khăn. Sở KH&ĐT đã chuyển tới các cơ quan, đến nay có 23 ý kiến trả lời.
Tại buổi đối thoại, đã có 22 ý kiến chính thức trả lời của các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố; 11 ý kiến trao đổi trực tiếp giữa các DN với chính quyền về thắc mắc, kiến nghị của các DN liên quan đến GPMB, cung cấp điện cho sản xuất, nhà ở cho công nhân, vấn đề đền bù, quy hoạch khi di dời bãi tập kết cát, sỏi khu vực hạ lưu sông Đà; tiền thuê đất, giảm trừ tiền thuê đất cho nhà đầu tư; tiến độ giao đất ở một số dự án còn chậm, ảnh hưởng tới chủ trương đầu tư của DN; vấn đề quan trắc môi trường trong triển khai dự án chăn nuôi...
Kết luận các vấn đề mà DN, nhà đầu tư đề cập, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Quang giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, UBND TP Hòa Bình và các huyện có trách nhiệm vào cuộc và phối hợp chặt chẽ giải quyết khó khăn, bất cập của nhà đầu tư, nhưng phải theo đúng yêu cầu của pháp luật.
Đồng chí giao thời gian cụ thể cho các địa phương, đơn vị giải quyết hoặc phải có phương án giải quyết theo kiến nghị của DN. Phải có sự thống nhất giải quyết khó khăn trong đền bù GPMB, môi trường; những vấn đề liên quan đến người dân thì trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận chung.
Chủ tịch UBND tỉnh nghiêm túc đánh giá, mặc dù chính quyền từ tỉnh đến huyện đã sự cố gắng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn. Hiện, số dự án đã hoàn thành vẫn còn rất thấp. Sự phối hợp của một số DN, nhà đầu tư với các sở, ngành chức năng có những chỗ chưa chặt chẽ, thiếu kịp thời, còn nặng về hành chính. Ngoài ra, sự nhận thức của một số DN, nhà đầu tư chưa đầy đủ, dẫn đến chưa có tiếng nói chung. Theo đó, mong muốn DN để ý nhiều hơn những vấn đề liên quan đến hoạt động đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, nhất là Sở KH&ĐT là cơ quan chủ trì, tham mưu sẽ ra thông báo buổi làm việc cũng như các nội dung đã giao cho các sở, ngành cùng với thời gian cụ thể. Căn cứ vào thông báo, định kỳ báo cáo với UBND tỉnh về trả lời, tháo gỡ khó khăn cho DN. Đề nghị trong thời gian tới, các DN theo dõi kết quả giải quyết của các ngành để phản hồi về UBND tỉnh. Đồng thời, tiếp tục có nhiều ý kiến hơn nữa đóng góp cho chính quyền tỉnh để đồng hành cùng DN giải quyết khó khăn, vướng mắc, vì sự phát triển của tỉnh Hòa Bình.