(HBĐT) -Là địa bàn quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, QP-AN  của tỉnh, huyện Kim Bôi có 1 thị trấn khu vực I, 11 xã khu vực II, 16 xã khu vực III. Trong đó, có 20 xã và 8 xóm thuộc diện đầu tư Chương trình 135. Trên địa bàn huyện, dân tộc Mường chiếm 83%, còn lại là dân tộc Kinh, Dao và một số ít dân tộc khác.


Với đặc thù huyện miền núi, phần lớn là đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) nên cấp ủy, chính quyền huyện luôn xác định công tác dân tộc và đại đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, song cán bộ và nhân dân các dân tộc huyện Kim Bôi luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực KT-XH. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư, nâng cấp, các lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ, QP - AN, TTATXH luôn ổn định và giữ vững. Đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, hộ nghèo được quan tâm. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Các tiềm năng, lợi thế về lao động, đất đai, tài nguyên được khai thác ngày càng hiệu quả. Đặc biệt, bám sát chỉ đạo của T.Ư, của tỉnh, huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án hỗ trợ đồng bào DTTS nâng cao chất lượng cuộc sống.


Công trình ngầm xóm Vọ, xã Cuối Hạ (Kim Bôi) được xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135, đáp ứng nhu cầu giao thương, phát triển KT-XH trên địa bàn. 

Trong giai đoạn 2014 - 2019, nhờ lồng ghép hiệu quả nguồn vốn của các chương trình, dự án, kết cấu hạ tầng trong huyện được đầu tư xây dựng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, từng bước rút ngắn khoảng cách giữa vùng thuận lợi và vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), cải thiện đời sống đồng bào DTTS. Nổi bật là thực hiện Chương trình 135, huyện có 231 công trình, tổng số vốn đầu tư trên 101,3 tỷ đồng. Các công trình đầu tư xây dựng sau khi hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng đều phát huy được hiệu quả như: giao thông phục vụ đi lại và phát triển kinh tế, trường lớp học tập cho con em các dân tộc, điện, nước sinh hoạt phục vụ nhân dân, kênh mương tưới tiêu thủy lợi, trạm y tế chăm sóc sức khỏe..., góp phần nâng cao đời sống KT-XH, giữ vững AN-QP và làm thay đổi bộ mặt nông thôn trên địa bàn. Ngoài ra, Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất với vốn đầu tư trên 26 tỷ đồng đã hỗ trợ mua cây, con giống, vật tư, phân bón, tập huấn chuyển giao KHKT về sản xuất nông nghiệp, mua máy phục vụ sản xuất cho hàng trăm hộ DTTS nghèo vùng ĐBKK. Qua đó, xây dựng 31 lượt mô hình sản xuất cho nhân dân 31 lượt xã như các mô hình: chăn nuôi vịt Bắc Kinh, nuôi bò sinh sản, trồng dưa chuột Nhật, trồng ớt, khoai tây, rau... với tổng số 4.138 lượt hộ tham gia. Thông qua việc thực hiện các mô hình, dự án đã cung cấp cho các hộ nghèo, cận nghèo trên 250 con trâu, bò sinh sản, trên 3.000 con gia cầm, 14.000 giống cây nông - lâm nghiệp các loại. Các hộ và nhóm hộ còn được hỗ trợ máy cày bừa D8, D12 đồng bộ, máy tuốt lúa, máy bơm nước, máy thuỷ luân, máy phun thuốc trừ sâu, máy gặt lúa, máy phát điện, xe rùa... Trong đó, các đối tượng thụ hưởng chủ yếu là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thuộc vùng ĐBKK, vùng DTTS. Do vậy đã tạo sự chuyển biến tích cực về sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng; cải thiện điều kiện sản xuất, tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất, bảo quản chế biến nông, lâm sản, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất cho đồng bào DTTS ở các xã, xóm ĐBKK.


Từ nguồn vốn Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, người dân các xã vùng đặc biệt khó khăn huyện Kim Bôi được tập huấn chuyển giao KH-KT để đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giảm nghèo bền vững. 

Bên cạnh đó, các chương trình, dự án khác đã và đang được lồng ghép đầu tư có hiệu quả, góp phần mang lại lợi ích cho nhân dân, giúp nhân dân nhận thức và dần chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa. Nhiều mô hình hỗ trợ người dân phát triển sản xuất theo hướng bền vững gắn kết với thị trường tiêu thụ, xây dựng các chuỗi sản xuất liên kết với các doanh nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm được triển khai có hiệu quả như: Chuỗi trồng bí đỏ lấy hạt trên 86 ha, dưa chuột lấy hạt 7,3 ha với Công ty Tân Lộc Phát tại 8 xã. Chuỗi mướp đắng lấy hạt 33 ha, bí xanh lấy hạt 3,2 ha với Công ty Nhiệt đới và Công ty Hai mũi tên đỏ tại 5 xã. Chuỗi ngô ngọt 154,5 ha với Công ty Xuất nhập khẩu Đồng Giao - Ninh Bình tại 3 xã. Chuỗi dưa chuột Nhật 15,3 ha với Công ty Pacific tại 2 xã. Chuỗi ớt 8 ha tại 1 xã với Công ty Ớt Việt Nam. Chuỗi sả 23,3 ha của HTX Dịch vụ nông nghiệp Huy Chỉ tại xã Hùng Tiến… Từ các chuỗi liên kết, bước đầu đã mở ra những cơ hội đưa các giống cây trồng phù hợp với thế mạnh, tiềm năng của nhiều xã trên địa bàn, mang lại thu nhập đáng kể cho nông dân; phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng diễn ra mạnh mẽ ở nhiều xã trên địa bàn huyện, nâng cao giá trị trồng trọt và đời sống nhân dân. Ngoài ra, huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, tích cực giải quyết các vấn đề sản xuất, đất ở, nước sạch, nhà ở cho các hộ nghèo, thực hiện chính sách trợ cước, trợ giá, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất; chính sách phát triển giáo dục, y tế, văn hoá - xã hội, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và sử dụng cán bộ là người DTTS, phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào DTTS. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn vùng DTTS trong huyện đã thay đổi rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước nâng lên, hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Trong giai đoạn 2014 - 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt 11,64%/năm. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm còn 20,14%. Kết cấu hạ tầng KT-XH tiếp tục được đầu tư, tổng mức đầu tư toàn xã hội năm 2018 là 2.299.997 tỷ đồng, đạt 101,5% kế hoạch. Văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực. Các vấn đề xã hội bức xúc được lãnh đạo, chỉ đạo triển khai giải quyết kịp thời, dứt điểm. GDP bình quân theo giá hiện hành đạt 21,662 triệu đồng/người/năm. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2019, bình quân tiêu chí của cả huyện ước đạt 14,7 tiêu chí/xã, tăng 4,14 tiêu chí so với năm 2014. Toàn huyện có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Phát huy những thành quả đã đạt được trong những năm qua về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Kim Bôi tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là: Tiếp tục tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, chống mọi biểu hiện cục bộ, tư tưởng gây chia rẽ bè phái, mất đoàn kết giữa các dân tộc trong các thôn, xã. Phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và QP-AN trên địa bàn huyện.

Hai là: Ưu tiên đầu tư phát triển KT-XH các xã khu vực III, xã khu vực II có thôn ĐBKK và thôn, xóm có đông đồng bào dân tộc, trước hết tập trung vào phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng, xoá đói, giảm nghèo.

Ba là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác xoá đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào DTTS, trọng tâm là đồng bào ở các xã khu vực III, có ý nghĩa tổng hợp cả về kinh tế, chính trị, xã hội, AN-QP, thể hiện tính nhân văn, nét đẹp truyền thống văn hoá dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và thực hiện công bằng xã hội.

Bốn là: Tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển KT-XH vùng dân tộc; công tác quy hoạch, sắp xếp phân bổ lại hợp lý khu dân cư, nguồn nhân lực theo hướng CNH - HĐH và phát triển bền vững, gắn với đảm bảo AN-QP.

Phát huy truyền thống huyện Anh hùng, tin tưởng đồng bào các DTTS sẽ nỗ lực vươn lên cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện đoàn kết xây dựng quê hương Kim Bôi ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Bùi Văn Dùm

                               Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi


                                                                             



Các tin khác


Khơi dậy sức mạnh đoàn kết tham gia xoá nhà tạm, nhà dột nát

Lễ phát động phong trào thi đua "Xoá nhà tạm, nhà dột nát” phạm vi toàn quốc tại Hoà Bình diễn ra trong không khí sôi nổi và tạo hiệu ứng lan toả. Được kết nối trực tuyến từ tỉnh Hòa Bình đến cầu 62 tỉnh, thành phố, đông đảo các tầng lớp nhân dân cả nước hướng về sự kiện chính trị, xã hội có ý nghĩa nhân văn sâu sắc này.

Giao ban trực tuyến toàn quốc về công tác phi chính phủ nước ngoài

Chiều 12/4, Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về công tác PCPNN năm 2024. Đồng chí Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN chủ trì hội nghị tại điểm cầu trung tâm. Dự tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình có đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Tỉnh Hòa Bình quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 (*)

Tại Lễ phát động phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi cả nước vào sáng 13/4/2024 tại huyện Đà Bắc, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đại diện cho lãnh đạo địa phương phát biểu hưởng ứng phong trào. Báo Hòa Bình xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Lời kêu gọi hưởng ứng phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Tại Lễ phát động phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi cả nước vào sáng 13/4/2024, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã đọc Lời kêu gọi hưởng ứng phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong cả nước. Báo Hòa Bình xin giới thiệu toàn văn Lời kêu gọi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước trong năm 2025 (*)

Tại Lễ phát động phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi cả nước vào sáng 13/4/2024 tại huyện Đà Bắc, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên phạm vi cả nước từ nay đến năm 2025. Báo Hòa Bình xin trân trọng giới thiệu toàn văn phát động phong trào thi đua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục