Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Thái-lan ôn lại lịch sử hình thành và phát triển của ASEAN và nhấn mạnh, trong suốt quá trình phát triển, ASEAN đã chứng tỏ là một nhân tố quan trọng chủ yếu giúp các nước thành viên phục hồi nhanh chóng, vượt qua nhiều thách thức như khủng hoảng tài chính, thiên tai, bão lũ... để đến hôm nay, ASEAN là khu vực hòa bình, không có xung đột, tôn trọng lẫn nhau, đồng thời một ASEAN vững mạnh và đoàn kết là nhân tố chủ đạo trong ổn định và phát triển ở khu vực. Với chủ đề "Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì sự bền vững”, ASEAN thể hiện ước mơ tiến tới một Cộng đồng bền vững trên cả ba trụ cột, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm và không để ai bị bỏ lại phía sau; duy trì hòa bình, ổn định và hướng tới tương lai; tranh thủ các cơ hội do cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại đã thúc đẩy kinh tế số, tăng trưởng xanh; tăng cường quan hệ với các đối tác nhằm phát triển bền vững và giành vị thế toàn cầu cao hơn cho ASEAN; thúc đẩy kết nối trong mọi lĩnh vực, tiến tới một ASEAN không rào cản. Thông điệp chính gửi đi là mong ước xây dựng một ASEAN bền vững mọi mặt từ an ninh, kinh tế, an ninh con người... với khái niệm "vạn vật bền vững”, coi đây như một ADN (gien) của ASEAN để tiếp tục truyền lại cho các thế hệ sau.
Trên cơ sở đó, Thái-lan bày tỏ sẽ tiếp tục kế thừa công việc của các nhiệm kỳ chủ tịch trước, đồng thời thúc đẩy các sáng kiến cụ thể: Một là, an ninh hơn: Ứng phó tốt hơn các thách thức về an ninh mạng với việc thành lập Trung tâm an ninh mạng ASEAN - Nhật Bản; đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia, tăng cường quản lý biên giới, bảo đảm an ninh trật tự, tạo điều kiện cho người dân đi lại; tăng cường quản lý và cứu trợ thiên tai với việc thành lập Kho vệ tinh tại Chai-nát giúp triển khai nhanh các cứu trợ thiên tai. Hai là, thịnh vượng hơn: Chủ nghĩa bảo hộ đang tăng lên đòi hỏi ASEAN phải tăng cường hơn nữa sức mạnh nội khối. Việc phấn đấu kết thúc đàm phán RCEP trong năm nay sẽ tạo ra một khối thương mại tự do lớn nhất thế giới, đây sẽ là vùng đệm giảm thiểu tác động tiêu cực cho ASEAN trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng giữa các đối tác thương mại chủ chốt; thúc đẩy kinh tế số, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 hỗ trợ các doanh nghiệp vừa nhỏ và siêu nhỏ, nông nghiệp thông minh, chuỗi cung ứng, thu hẹp khoảng cách phát triển; kết nối tiểu vùng, kết nối các kết nối; ứng phó cơ cấu dân số già hóa với việc thành lập Trung tâm tuổi già năng động ASEAN (ACAI). Ba là, thúc đẩy giao lưu nhân dân, chọn năm 2019 là Năm Văn hóa ASEAN, hợp tác chống rác thải biển, xây dựng các thành phố hiện đại ASEAN thông qua Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN (ASCN)...
* Tại lễ khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng các nhà lãnh đạo ASEAN bấm nút khai trương Kho vệ tinh ASEAN đặt tại tỉnh Chai-nát, Thái-lan trong khuôn khổ hệ thống hậu cần ASEAN ứng phó thảm họa thiên tai nhằm triển khai nhanh chóng các nhu yếu phẩm cứu trợ đến các vùng chịu thảm họa.
* Sáng 23-6, lãnh đạo các nước đã có phiên họp hẹp Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34. Lãnh đạo các nước đã trao đổi sâu nhiều vấn đề quốc tế và khu vực. Các nước bày tỏ lo ngại trước những hệ lụy có thể có do cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, đồng thời khẳng định ASEAN cần tăng cường đoàn kết, nhất trí cùng nhau hoạch định những biện pháp phù hợp vừa giảm thiểu tác động tiêu cực, vừa thích ứng hiệu quả với hoàn cảnh mới. Trong bối cảnh đó, các nước đánh giá cao việc ASEAN thông qua văn kiện về Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trao đổi về tình hình Bang Ra-khin, Mi-an-ma, các nước thống nhất sẽ hỗ trợ Mi-an-ma và nhất là người Rô-hin-gia hồi hương tự nguyện, an toàn, được bảo đảm về an ninh, phẩm giá và tiếp tục thực hiện các khuyến nghị khác một cách phù hợp. Các nước ghi nhận những tiến triển trong đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, khẳng định cần xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, được quốc tế công nhận.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu về tầm quan trọng của đoàn kết, nhất trí của ASEAN trong xây dựng Cộng đồng. Thủ tướng nhấn mạnh tính cấp thiết của sự chân thành, thẳng thắn trong quan hệ giữa các nước thành viên, tôn trọng sự đa dạng và khác biệt, giữ gìn đoàn kết và không làm phương hại đến tình cảm, lợi ích của nhau; đồng thời cũng cần có bản lĩnh vững vàng trong ứng xử với các đối tác. Thủ tướng khẳng định, trong năm 2020, với tư cách Chủ tịch ASEAN và trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam sẽ tích cực phối hợp với In-đô-nê-xi-a đẩy mạnh vị thế ASEAN thông qua tăng cường kết nối ASEAN - Liên hợp quốc và mong các nước phối hợp, hỗ trợ để đảm nhiệm tốt vai trò này.
Về Biển Đông, Thủ tướng cho rằng, ASEAN cần nhìn nhận thẳng thắn, một mặt ghi nhận những tích cực bước đầu trong đàm phán COC, song cũng không bỏ qua những diễn biến trên thực địa như cải tạo đất trái phép, quân sự hóa, cản trở khai thác hợp pháp tài nguyên biển, thậm chí đe dọa đến an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân... Do đó, ASEAN cần vừa khuyến khích đối thoại và hợp tác, vừa thẳng thắn, có trách nhiệm với những diễn biến có thể tác động tiêu cực đến môi trường hòa bình, an ninh và ổn định.
* Ngày 23-6, tại thủ đô Băng-cốc, Thái-lan, trong khuôn khổ chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với Thủ tướng Lào Thoong-lun Xi-xu-lít và Thủ tướng Cam-pu-chia Xăm-đéc Tê-chô Hun Xen. Ba Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước việc Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia đang đạt được những thành tựu vững chắc trong phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân ba nước không ngừng được cải thiện tốt đẹp hơn, ba nước cùng đang nỗ lực cải cách, mở cửa và hội nhập quốc tế. Ba nhà lãnh đạo hài lòng nhận thấy, quan hệ hữu nghị, đoàn kết keo sơn giữa Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia ngày càng phát triển mạnh mẽ, tin cậy, đóng góp vào giữ gìn môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Ba Thủ tướng nhất trí tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Tam giác phát triển Cam-pu-chia - Lào - Việt Nam (CLV), Tiểu vùng Mê Công, sớm xây dựng Kế hoạch tổng thể kết nối ba nền kinh tế; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng thu hút các nguồn lực tài chính, kỹ thuật cho các dự án Tiểu vùng. Ba Thủ tướng cũng nhất trí tăng cường hợp tác gìn giữ an ninh khu vực biên giới, thúc đẩy thương mại, đầu tư, kết nối vùng biên, khẳng định quyết tâm xây dựng khu vực biên giới ba nước hòa bình, hữu nghị và phát triển. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ Lào và Cam-pu-chia đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm quản lý và phát triển kinh tế - xã hội. Ba nhà lãnh đạo cũng nhất trí phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, thống nhất, tự cường và có vai trò trung tâm. Thủ tướng Lào và Thủ tướng Cam-pu-chia chúc mừng Việt Nam đã trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu rất cao và khẳng định sẽ ủng hộ Việt Nam trong năm làm Chủ tịch ASEAN 2020.
* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp ngắn với Tổng thống Phi-li-pin R.Đu-téc-tê. Hai bên trao đổi các biện pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương và hợp tác trên các diễn đàn đa phương. Nhân dịp này, Tổng thống Đu-téc-tê cảm ơn về việc tàu cá Việt Nam cứu giúp 22 ngư dân của Phi-li-pin gặp nạn trên biển ngày 9-6 vừa qua; khẳng định sẽ tiếp tục dành cho ngư dân Việt Nam sự đối xử nhân đạo theo tinh thần hữu nghị truyền thống và quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
* Chiều 23-6, tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Thái-lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các tập đoàn như ThaiBev, Amata và Tập đoàn Xi-măng Thái-lan đã đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị các tập đoàn này mở rộng đầu tư ở các lĩnh vực công nghệ cao và thân thiện với môi trường. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp này kinh doanh thành công tại Việt Nam, nhất là ở những lĩnh vực mà Chính phủ đang dành ưu tiên cao. Việt Nam sẽ không tiếp nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng mọi giá, mà sẽ chỉ hoan nghênh các dự án có công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Lãnh đạo Tập đoàn ThaiBev đề nghị Chính phủ Việt Nam ủng hộ tập đoàn đầu tư vào các lĩnh vực khác ngoài đồ uống, cũng như nâng tỷ lệ sở hữu vốn ở Sabeco. Tập đoàn này khẳng định cũng sẽ hưởng ứng đề nghị của Chính phủ Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác thải, nhựa và bảo vệ môi trường. Lãnh đạo Tập đoàn Amata khẳng định lại mong muốn đầu tư vào xây dựng các thành phố thông minh. Tập đoàn Xi-măng Thái-lan nhấn mạnh sẽ xem xét để đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.
* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời thủ đô Băng-cốc lên đường về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 tại Thái-lan.
* Theo phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Thái-lan, chiều 23-6, Thủ tướng Thái-lan P.Chan-ô-cha chủ trì họp báo quốc tế thông báo kết quả của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34. Thủ tướng Thái-lan cho biết, các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN đã thông qua một số văn kiện quan trọng nhằm xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định và mang lại lợi ích cho người dân ASEAN; ủng hộ các sáng kiến và công việc của Thái-lan trong năm chủ tịch 2019 nhằm tăng cường ổn định cho ASEAN trên tất cả các lĩnh vực; thông qua "Tuyên bố Băng-cốc về chống rác thải biển ở khu vực ASEAN”.
* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Băng-cốc và nói chuyện với cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện và cộng đồng Việt kiều đang sinh sống, làm việc và học tập tại Thái-lan.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo tới bà con Việt kiều những thành tựu về kinh tế, chính trị nổi bật của đất nước. Thủ tướng biểu dương nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Thái-lan thời gian qua, đề nghị Đại sứ quán chú trọng hơn nữa công tác cộng đồng, lãnh sự để mỗi người Việt Nam ở Thái-lan đều nhận được sự quan tâm, chăm sóc của Đại sứ quán; nhấn mạnh đoàn kết là sức mạnh truyền thống của dân tộc, căn dặn cán bộ Đại sứ quán và bà con Việt kiều thực hiện đoàn kết hơn nữa theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thủ tướng mong muốn bà con Việt kiều tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ nhau để phát triển, giữ gìn truyền thống văn hóa, nhất là tiếng nói và chữ viết của dân tộc; khuyến khích bà con tạo điều kiện cho giới trẻ trong cộng đồng Việt kiều học tập, trở thành các nhà nghiên cứu, nhà khoa học; nhấn mạnh mỗi người Việt tại Thái-lan cần trở thành cầu nối để thu hút người Thái đến Việt Nam du lịch, đầu tư, làm ăn, đồng thời là đầu mối để đưa hàng hóa Việt Nam đến Thái-lan.
Thay mặt cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Thái-lan, Đại sứ Nguyễn Hải Bằng cảm ơn tình cảm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, dù chương trình tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 34 rất bận rộn vẫn dành thời gian thăm Đại sứ quán và gặp cộng đồng người Việt Nam tại Thái-lan; báo cáo với Thủ tướng tình hình đời sống cũng như tâm tư, nguyện vọng của bà con người Việt tại Thái-lan, một cộng đồng có bề dày truyền thống cách mạng, luôn tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động hướng về quê hương. Thay mặt bà con kiều bào, Chủ tịch Hội người Thái gốc Việt toàn Thái-lan Trịnh Cao Sơn bày tỏ vinh dự được Thủ tướng dành thời gian lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con, thể hiện tình cảm, sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với bà con Việt kiều ở Thái-lan; hứa với Thủ tướng rằng Ban Chấp hành Hội người Thái gốc Việt toàn Thái-lan sẽ cố gắng xây dựng cộng đồng đoàn kết vững mạnh, gìn giữ bản sắc dân tộc và tăng cường sự hiểu biết cũng như quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Theo Báo Nhân Dân