Nhân dân các dân tộc trên địa bàn thành phố Hòa Bình cập nhật thông tin qua báo Đảng địa phương. Ảnh: H.T
Hiện nay, phương thức truyền thông nói chung và cho đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng rất đa dạng, nhưng tựu chung lại có 3 phương thức cơ bản: gặp mặt trực tiếp giữa người truyền thông và đối tượng truyền thông; tiếp xúc từ xa có trung gian hỗ trợ (email, điện thoại, diễn đàn trên mạng internet…); tiếp xúc hoàn toàn bằng công cụ báo chí, phát thanh, truyền hình không có sự tham gia trực tiếp của con người. Trong đó, phương thức tiếp xúc qua các công cụ báo chí, phát thanh, truyền hình đang phát huy hiệu quả rõ rệt.
Theo một khảo sát gần đây của Trung tâm Thông tin, Ủy ban Dân tộc thì truyền hình là kênh thông tin được đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng nhiều nhất, với tần suất 85,7%; tiếp đó là internet 54,8%, báo chí 22,2%...
Đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu có nhu cầu được cung cấp thông tin thời sự, kinh tế, xã hội, văn hóa với mong muốn nâng cao nhận thức, học tập và làm theo. Nhu cầu chính đáng này cần được quan tâm đáp ứng, nhất là khi những thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được tới 41,2% đồng bào dân tộc thiểu số đánh giá là hữu ích, xếp thứ nhất trong bảng phân tích chất lượng thông tin (thông tin về văn hóa, bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc được 38,9%, thông tin thời sự, tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương được 33,3%...).
Ủy ban Dân tộc - cơ quan được Chính phủ giao quản lý, theo dõi thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 09/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2019, 19 báo, tạp chí đã xuất bản trên 4,7 triệu tờ/cuốn báo, tạp chí; đăng 1.200 tin, bài tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, 500 tin, bài biểu dương gương người tốt, việc tốt; 800 tin, bài giới thiệu các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp thành công của người dân tộc thiểu số; 2.000 tin, bài phản ánh nỗ lực xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi; 1.800 tin, bài phản ánh nỗ lực giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống…
Nội dung thông tin trên các báo, tạp chí đã tập trung định hướng tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số theo mùa, vụ; cảnh báo hàng giả, hàng nhái, đưa thông tin về các hoạt động xúc tiến thương mại giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, nhất là nông sản thuận lợi hơn.
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, các báo đã đăng tải nhiều bài viết tư vấn, hướng dẫn bà con cách phòng chống dịch hiệu quả, các khử trùng, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, chế độ hỗ trợ của Nhà nước đối với lợn bị tiêu hủy…
Từ nay đến cuối năm, các báo, tạp chí cấp cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền những mô hình phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa để đồng bào học tập, làm theo. Bên cạnh đó, tuyên truyền đậm nét về 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ; những thành tựu qua hơn 30 năm đổi mới của đất nước nói chung, vùng dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng; tích cực tuyên truyền, thông tin có định hướng, đấu tranh chống âm mưu của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở vùng đồng bào DTTS. Qua đó, góp phần đẩy mạnh các phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phong trào "Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới”.
Theo Báo điện tử Đảng cộng sản