Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc có trách nhiệm của các ngành, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp cùng cách làm sáng tạo, linh loạt của nhiều địa phương, nhất là vai trò chủ thể của người dân được phát huy, đến hết năm 2018, tỉnh Hòa Bình đã có 63 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; TP Hòa Bình là đơn vị hành chính cấp huyện đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt tiêu chí hoàn thành XDNTM, về trước 2 năm so với kế hoạch. Dự kiến đến hết năm 2019, toàn tỉnh sẽ có 77 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, bằng 40% tổng số xã trên địa bàn tỉnh; đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra. Bình quân tiêu chí NTM đạt 15 tiêu chí/xã, tăng 10,6 tiêu chí/xã so với năm 2011. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 32 triệu đồng/người/năm, tăng 23,7 triệu đồng/người/năm so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 14,28%, giảm 17,23% so với năm 2011. So với các tỉnh vùng Tây Bắc thì tỉnh Hòa Bình đứng thứ nhất về chỉ tiêu số xã và đơn vị cấp huyện đạt tiêu chí NTM.
Cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh chuyển dịch tích cực. Bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hóa, điển hình như các vùng sản xuất cây ăn quả có múi hiện có 9,8 nghìn ha, trong đó, diện tích kinh doanh 5,7 nghìn ha, sản lượng 12,3 vạn tấn, giá trị thu nhập bình quân đạt trên 450 triệu đồng/ha/năm, tăng 7,5 lần so với năm 2011; diện tích gieo trồng tại các vùng sản xuất rau an toàn trên 11 nghìn ha/năm, giá trị thu nhập đạt 200 - 250 triệu đồng/ha/vụ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng đoàn công tác tìm hiểu mô hình trồng cam mang lại hiệu quả kinh tế cao tại HTX Nông nghiệp và thương mại Mường Động (Kim Bôi). Ảnh: P.V
Bộ mặt nông thôn của tỉnh có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng KT-XH ngày càng đồng bộ, hoàn thiện theo hướng hiện đại. Qua 10 năm, tỉnh đã huy động nguồn lực nâng cấp, sửa chữa, xây mới, cứng hóa được trên 4 nghìn km đường trục xã, liên xã; trục thôn, xóm, đường ngõ xóm, bản và nội đồng, nâng tổng số đường giao thông nông thôn được cứng hóa lên hơn 6.100 km; xây mới và sửa chữa, nâng cấp, kiên cố hóa được gần 800 km kênh mương nội đồng, nâng tổng số km kênh mương nội đồng được kiên cố hóa lên hơn 1.700 km, từng bước đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu và phục vụ sản xuất. Đồng thời, toàn tỉnh cũng nâng cấp, sửa chữa, xây mới trên 500 công trình trường học và trên 700 công trình cơ sở vật chất văn hóa. Bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được giữ gìn, phát huy. Hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố vững chắc. ANCT-TTATXH được giữ vững.
Phát huy kết quả đạt được và để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM đạt kết quả cao, đồng bộ hơn nữa, trong giai đoạn tiếp theo, các cấp, các ngành trong tỉnh cần coi trọng thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH T.Ư khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định số 1600-QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 7/6/2011 của Tỉnh ủy Hòa Bình về XDNTM giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI nhiệm kỳ 2015-2020; Kết luận số 40-KL/TU ngày 29/9/2016 của BCH Đảng bộ tỉnh Khóa XVI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 7/6/2011 của Tỉnh ủy Hoà Bình về XDNTM giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020.
2. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phát huy dân chủ ở cơ sở, tạo sự quan tâm của toàn xã hội và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nông thôn; nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế, chính sách của Nhà nước về XDNTM. Tiếp tục ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu; quan tâm các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội.
3. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng từng bước hiện đại. Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ. Phát triển nhanh việc ứng dụng quy trình sản xuất VietGAP, nông nghiệp hữu cơ; thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Mục đích cao nhất là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.
4. Ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành XDNTM năm 2019 đối với huyện Lương Sơn và hoàn thành XDNTM năm 2020 đối với huyện Lạc Thủy; phấn đấu xây dựng thành công một số xã đạt chuẩn tiêu chí NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu; chú trọng duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã đã đạt chuẩn, nỗ lực hoàn thiện những tiêu chí chưa đạt ở các xã chưa đạt chuẩn. Đặc biệt là phải khơi dậy được tinh thần, nguồn lực, công sức, vai trò chủ thể của Nhân dân.
5. XDNTM luôn phải gắn với phát triển đô thị văn minh cả về không gian kinh tế, sản xuất, thị trường, văn hóa, kết nối du lịch, dịch vụ, thương mại, đảm bảo đồng bộ và kết nối nông thôn - đô thị. Tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị đối với TP Hòa Bình, huyện Lương Sơn, huyện Mai Châu...; nâng cấp, chỉnh trang các thị trấn, thị tứ trên địa bàn toàn tỉnh.
6. Gắn với quá trình XDNTM, đô thị văn minh là tập trung sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo Nghị quyết T.Ư 6 Khóa XII; chủ trương sáp nhập thôn, xóm; sáp nhập xã theo Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị. Đây là mối quan hệ biện chứng giữa phát triển kinh tế gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Phát huy vai trò tự quản của tổ liên gia, thôn, xóm, tổ dân phố; tăng cường các biện pháp đảm bảo ANTT ở nông thôn.
(HBĐT) - Chiều 24/7, Công đoàn ngành NN&PTNT đã tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019) và tuyên dương cán bộ, đoàn viên công đoàn tiêu biểu. Tham dự có đồng chí Nguyễn Mạnh Cương, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, lãnh đạo Sở NN&PTNT.