Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời gian qua, kinh tế-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực: đầu tư xã hội tăng mạnh, là nguồn lực quan trọng, xu hướng tốt cho nền kinh tế; chính sách tài khoá và tiền tệ tiếp tục được điều hành linh hoạt; chỉ số CPI tiếp tục được kiểm soát tốt; thu chi ngân sách nhà nước diễn biến theo chiều hướng tích cực; môi trường kinh doanh và đầu tư tiếp tục được cải thiện; các cân đối lớn và ổn định vĩ mô được bảo đảm trong tình hình thế giới nhiều biến động; đời sống nhân dân được cải thiện tích cực; quốc phòng an ninh được bảo đảm, chúng ta đã kiên trì, kiên quyết bảo đảm giữ vững chủ quyền đất nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, chúng ta cũng cần nhận thức rõ nhiều rủi ro, thách thức: đó là sự sụt giảm và tăng trưởng chậm lại của thế giới, các nước lớn đều suy giảm tăng trưởng, căng thẳng thương mại các cường quốc… ảnh hưởng tiêu cực phát triển của Việt Nam.
Chúng ta thấy rõ áp lực lạm phát vẫn tồn tại năm 2019 nên không thể chủ quan; thời tiết nắng nóng, hạn hán, dịch bệnh lan rộng... Do đó nếu chúng ta xử lý không tốt, khả năng CPI vượt mức 4% hoàn toàn có thể xảy ra do vấn đề tâm lý.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng song chưa tích cực như cùng kỳ năm 2018; sản xuất nông nghiệp rất khó khăn, trong đó dịch tả lợn châu Phi chưa khống chế được hoàn toàn. Do đó chúng ta cần tái cơ cấu lại chăn nuôi, không để cuối năm thiếu nguồn cung thịt.
Xuất khẩu tăng nhưng vẫn gặp khó khăn, nhất là thị trường lớn; một số mặt hàng lớn tăng trưởng khiêm tốn, một số nông sản chủ lực giảm kim ngạch xuất khẩu. Dịch vụ du lịch cũng đạt mức tăng trưởng nhưng kém năm ngoái; giải ngân vốn đầu tư công vẫn là điểm yếu hiện nay, cao hơn cùng kỳ nhưng vẫn thấp; sự sẵn sàng đón dòng đầu tư công nghệ cao còn chậm chễ.
Các bộ, ngành phải bám vào các chỉ đạo của Chính phủ; vấn đề buôn lậu, gian lận thương mại phải được xử lý nghiêm, nhất là còn tình trạng lợi dụng xuất xứ hàng hoá…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp.
Đề cập nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần quyết tâm hoàn thành toàn diện tất cả các chỉ tiêu năm 2019 đã đề ra. Các thành viên Chính phủ, địa phương bám sát nhiệm vụ được giao với tinh thần càng khó khăn, chúng ta càng quyết tâm cao, nỗ lực phấn đấu tạo tiền đề, làm dư địa cho năm 2020.
Khẩn trương thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về điều hành kinh tế-xã hội. Tiếp tục tháo gỡ thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách về đầu tư, trong đó, về môi trường đầu tư, cần hỗ trợ quyết liệt của lãnh đạo địa phương về các dự án đang vướng mắc, nhất là tại các thành phố lớn; trong đó cần tránh tâm lý sợ rủi ro ngại phê duyệt.
Các bộ, ngành cần đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các phương án khắc phục chồng chéo của các văn bản pháp luật, cần rà soát lại, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, "giấy phép con”, đơn giản hoá các thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Các Bộ trưởng phải chủ động, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; không hình sự hoá các quan hệ kinh tế. Xây dựng hành lang pháp lý, định hướng hỗ trợ doanh nghiệp (DN); tăng năng lực và tận dụng tối đa cơ hội trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tiếp tục đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến tình hình thế giới, có phương án kịp thời về tranh chấp thương mại Mỹ - Trung để kịp thời ứng phó. Thúc đẩy thương mại biên giới Việt - Trung theo hướng chính ngạch. Về thị trường, cần bám sát diễn biến tranh chấp thương mại; tăng cường chỉ đạo để các ngành, địa phương, DN tận dụng lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Khuyến khích thị tường trái phiếu DN để bổ sung vốn, có ưu tiên một số lĩnh vực; kiểm soát tốt tín dụng bất động sản. Bảo đảm ổn định lãi suất và tỷ giá, tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, tạo bước đệm chống chọi các cú sốc bên ngoài; theo dõi đánh giá thị trường chứng khoán, kiểm soát rủi ro.
Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm về gian lận thương mại, nhất là xuất xứ hàng hoá, lợi dụng xuất xứ Việt Nam; không để Việt Nam trở thành địa điểm trung chuyển ma tuý, gian lận xuất xứ. Các cơ quan chức năng xử lý nghiêm một số vụ về gian lận xuất xứ.
Về tái cơ cấu kinh tế, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương phải tăng tốc xử lý những bất cập của nền kinh tế. Các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng tập trung thời gian xử lý các dự án yếu kém, đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng thương mại, kiểm soát chặt các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, kiểm soát chặt tín dụng bất động sản; đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cơ cấu DNNN; đẩy mạnh xắp sếp các đơn vị sự nghiệp công lập.
Cần chỉ đạo quyết liệt để gỡ bỏ rào cản trong giải ngân vốn đầu tư công, giải phóng nguồn vốn đang ách tắc, đẩy mạnh phân cấp bởi đây là một kênh tăng trưởng cho nền kinh tế.
Về Chính phủ điện tử và Thành phố thông minh, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông tích cực triển khai, thực hiện bài bản, bảo đảm an ninh, an toàn, tránh lộ, lọt thông tin.
Các cấp, các ngành, địa phương làm tốt công tác phòng, chống thiên tai; phòng, chống cháy rừng; đẩy mạnh thu hút tối đa mọi nguồn lực đầu tư. Chúng ta phải tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, nhũng nhiễu; giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo.
Thủ tướng nhấn mạnh việc giữ vững ổn định xã hội là hết sức quan trọng, không để các thế lực thù địch, đối tượng xấu kích động biểu tình, bạo loạn, gây bất ổn xã hội; không để bị động, bất ngờ xảy ra. Thúc đẩy giải quyết các vụ việc mà Thanh tra Chính phủ đã kết luận.
Thủ tướng yêu cầu cần kiên quyết bảo vệ môi trường, hạn chế chôn lấp rác thải, tăng cường xử lý rác; rác ô nhiễm phải trả lại nơi xuất xứ. Bộ Tài nguyên và Môi trường phải chịu trách nhiệm giữ gìn môi trường biển, không để Việt Nam xảy ra vấn đề về môi trường…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bảy tháng qua, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,4%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.804,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 145,13 tỷ USD, tăng 7,5%; kim ngạch nhập khẩu ước 143,34 tỷ USD, tăng 8,3%; cả nước có 103.599 DN gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 9,6%, trong đó có 79.310 DN thành lập mới, tăng 4,6% về số DN và tăng 29,6% về vốn đăng ký so cùng kỳ năm 2018.
* Chiều cùng ngày, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Pay Asian không được cấp phép hoạt động ví điện tử
Liên quan thông tin chung quanh việc đầu tư tiền điện tử Payer của Công ty Pay Asian thông qua ứng dụng App Pay Asian chưa được cấp phép nhưng đã có giao dịch hàng tỷ đồng, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, về hoạt động của ví điện tử (VĐT), NHNN đã ban hành Thông tư 39 hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán, quy định rõ về nội dung cũng như quy định đối với việc sử dụng VĐT, chỉ được sử dụng vào mục đích thanh toán tiền cho đơn vị chấp nhận thanh toán, hoàn trả tiền cho khách hàng; không được sử dụng VĐT vào mục đích huy động vốn của khách hàng trên tài khoản để đầu tư.
Vừa qua có hoạt động của Pay Asian, theo báo cáo của các đơn vị chức năng của NHNN, đến thời điểm hiện tại, NHNN đã cấp phép dịch vụ trung gian thanh toán cho 30 tổ chức không phải ngân hàng, trong đó 27 tổ chức cung ứng có VĐT. Không có tổ chức nào có dịch vụ VĐT có tên gọi là Pay Asian. Đây là tổ chức không được cấp phép đang hoạt động. Sắp tới NHNN và cơ quan chức năng sẽ có rà soát cụ thể.
Mức huy động lãi suất trái phiếu bất động sản chưa đáng ngại
Về vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính cho biết, tính đến ngày 24-6, dư nợ thị trường trái phiếu DN (TPDN) đạt 10,5% GDP, tăng 19,2% so với cuối 2018. Bảy tháng đầu năm 2019, tổng phát hành TPDN của các công ty đại chúng là 31 nghìn tỷ đồng, tương đương 63,8% tổng giá trị TPDN năm 2018, trong đó DN ngành tài chính - ngân hàng chiếm 42%, DN bất động sản (BĐS) chiếm 22%.
Lãi suất của TPDN bảy tháng qua cao hơn so năm 2018, nguyên nhân do mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng thương mại đều tăng trong năm 2019. Trong đó, lãi suất trái phiếu của DN BĐS trong bảy tháng đầu năm 2019 ở mức trên 10% (phổ biến ở mức 12%). Việc áp dụng chính sách thắt chặt tín dụng với ngành BĐS cũng là nguyên nhân khiến các DN BĐS phải huy động vốn trên thị trường với mức lãi suất cao hơn so cùng kỳ năm ngoái và so với các ngành khác. Lãi suất TPDN của ngành xây dựng cũng phổ biến mức 10%. Đối với mức lãi suất như vậy so lãi suất ngân hàng, thời gian qua, với các ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV dao động trong khoảng từ 6,8-7%. Còn với các ngân hàng nhỏ hơn khoảng 8-8,7%. Như vậy việc phát hành trái phiếu trong bảy tháng qua dao động ở mức 10-12%.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã rà soát đánh giá mức huy động lãi suất như vậy chưa có xu hướng biến động đáng ngại. Bộ vẫn tiếp tục theo dõi, đánh giá phân tích thường xuyên, nếu có bất thường liên quan thị trường tài chính, ảnh hưởng sẽ có giải pháp phù hợp.
Tích cực xác minh thông tin liên quan vụ Asanzo
Liên quan việc kiểm tra vụ Asanzo, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Thủ tướng có chỉ đạo liên quan đến các Bộ: Công an, Công thương, Khoa học và Công nghệ; trong đó liên quan chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài chính - là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Qua quá trình xác minh ban đầu sự việc liên quan đến nhiều DN, cụ thể hiện nay phải kiểm tra, xác minh 28 DN có hoạt động xuất khẩu liên quan Tập đoàn Asanzo; cũng như xác minh các vấn đề liên quan đến Tập đoàn Asanzo, các siêu thị và các nhà bán lẻ, các sản phẩm của Asanzo; kiểm tra thông tin với cơ quan thuế về các giao dịch; xác minh thông tin với Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao về thông tin nhãn hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao. Chính vì thế, Bộ Tài chính đang có những chỉ đạo quyết liệt, khi có thông tin sẽ công bố với các cơ quan thông tin báo chí.
Đề xuất một kịch bản tổng thể cho điện mặt trời
Đại diện Bộ Công thương cho biết, Chính phủ đã đưa ra chính sách đối với phát triển điện mặt trời (ĐMT) với giá từ trước đến nay là 9,35 cent/kW giờ, chỉ có một loại giá cho toàn bộ để phát triển ĐMT. Tuy nhiên đến ngày 30-6 đã hết hạn của giá này. Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các cơ quan thuộc Bộ Công thương phối hợp với các chuyên gia và các nhà khoa học, các địa phương để đề xuất lên một kịch bản tổng thể cho ĐMT trong thời điểm mới sau ngày 30-6.
Ngày 31-7, Bộ đã báo cáo đến Thường trực Chính phủ trên tinh thần hiện nay ĐMT không chỉ có một giá mà chia ra nhiều khu vực, Việt Nam hình chữ S rất dài, nếu có một giá thì chưa phù hợp mà chia theo các khu vực có bức xạ mặt trời khác nhau. Đối với ĐMT, trước nay áp dụng một mức giá cho ĐMT áp mái nhưng ngoài ra hiện nay có ĐMT trên mặt đất, ĐMT trên mặt nước cũng phải có giá khác nhau.
Ngày 31-7, Thường trực Chính phủ cũng đã nghe báo cáo của Bộ Công thương cùng một số bộ ngành có liên quan và cũng đã có chỉ đạo. Bộ Công thương hiện nay đang chỉnh sửa và thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và hạn đến ngày 15-9 sẽ phải trình lại Chính phủ và Thường trực Chính phủ.