Đảng ta, khi tuổi mới 15 đã lãnh đạo toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, chấm dứt chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ và thoát ách nô lệ của thực dân Pháp hơn 80 năm. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á, là trang sử vẻ vang nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Từ đó Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời. Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước ta, dân tộc ta vững bước tiến lên trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập thể hiện những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Ảnh tư liệu

Trước hết, Tuyên ngôn Độc lập khẳng định: Dân tộc Việt Nam cũng như bất cứ dân tộc nào trên thế giới đều có quyền được sống, quyền độc lập, tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Bác Hồ trích dẫn một đoạn nổi tiếng trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ sau khi các dân tộc Bắc Mỹ giành được độc lập, tự do, thoát khỏi ách thống trị của thực dân Anh: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Tiếp đó, Bác đã nêu một câu bất hủ trong bản "Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” của cách mạng Pháp sau khi nhân dân Pháp giành thắng lợi trong cuộc cách mạng năm 1789 xóa bỏ chế độ phong kiến Pháp, thực hiện nền dân chủ tư sản: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao ý nghĩa nhân văn to lớn trong hai bản Tuyên ngôn của Mỹ và Pháp chính là nêu lên một nguyên lý cơ bản, khẳng định nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam là một lẽ đương nhiên, một điều tất yếu, không ai chối cãi được. Đồng thời, Bác cũng đặt cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam sánh ngang với hai cuộc cách mạng tiến bộ điển hình của thế giới, là cách mạng giải phóng dân tộc của Mỹ (1776) và cách mạng dân chủ tư sản của Pháp (1789). Đây cũng là điều thể hiện niềm tự hào và tự tôn dân tộc có cơ sở lịch sử và rất chính đáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiếp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đanh thép lên án tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân ta, đồng thời thể hiện lòng yêu nước, thương dân vô hạn của Người. Bọn thực dân đã "lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. Hàng loạt tội ác nham hiểm của bọn xâm lược đối với nhân dân ta cứ tầng tầng lớp lớp bị phơi bày và lên án, khiến bọn thực dân không thể chối cãi và người người đều căm giận: "Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do, dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man… Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu… Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều…”.

Một tư tưởng nổi bật trong Tuyên ngôn Độc lập là Bác Hồ khẳng định và đề cao nhân nghĩa, chính nghĩa và văn hóa Việt Nam. Dù bọn thực dân vô cùng tàn ác đối với nhân dân ta, nhưng "đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thuỳ, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ”. Tội ác của kẻ thù càng chồng chất thì mầm cách mạng của nhân dân ta càng trỗi dậy. Vì thế, cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 là một hành động lịch sử tất yếu của nhân dân ta để giành lấy các quyền lợi chính đáng của mình: "Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần một trăm năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”.

Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước thế giới về quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Đấy cũng chính là tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập, tự do” mà Bác Hồ đã kêu gọi nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược.

Tuyên ngôn Độc lập khích lệ nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới anh dũng đứng lên chống chủ nghĩa thực dân, "đem sức ta mà giải phóng cho ta”! Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc điển hình và triệt để đầu tiên ở Đông Nam Á. Từ đây, nhân dân nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, châu Phi và Mỹ La-tinh noi gương Việt Nam, đã nổi dậy tiến hành cuộc cách mang dân tộc và dân chủ của nước mình, làm suy yếu chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.

Tuyên ngôn Độc lập của Bác Hồ nhắc nhở chúng ta: Giành được độc lập đã khó, nhưng giữ vững được độc lập, để đất nước phát triển bền vững, nhân dân được hạnh phúc và tự do còn khó khăn gấp bội phần. Muốn thực hiện được điều lớn lao đó, phải tiến hành cuộc cách mạng triệt để, dựa vào sức mạnh đoàn kết của toàn dân và phải luôn luôn vì quyền lợi của nhân dân. Đấy cũng là ý nghĩa sâu xa của Tuyên ngôn Độc lập.

Tuyên ngôn Độc lập thể hiện sáng ngời tư tưởng của Hồ Chí Minh về quốc quyền, nhân quyền, tinh thần nhân văn và chính nghĩa Việt Nam, tỏ rõ ý chí của dân tộc ta quyết tâm bảo vệ nền Độc lập, quyền tự do.

Tuyên ngôn Độc lập nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, gắn liền đất nước Việt Nam với tên tuổi Hồ Chí Minh, khích lệ chúng ta vững bước đi tới tương lai tươi sáng.

Theo Tạp chí Xây dựng Đảng điện tử


Các tin khác


Đại hội thi đua yêu nước "Cựu chiến binh gương mẫu" huyện Kim Bôi lần thứ VII

Ngày 26/4, Hội Cựu chiến binh huyện Kim Bôi tổ chức Đại hội thi đua yêu nước "Cựu chiến binh gương mẫu" lần thứ VII, giai đoạn 2019 - 2024.

Phát huy mạnh mẽ vai trò của các tầng lớp nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Sáng 26/4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo khoa học "Phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng (BVNTTT) của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay”.

Thông tin kỳ họp lần thứ 26 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy

Ngày 26/4, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy tiến hành kỳ họp lần thứ 26, khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy chủ trì kỳ họp. Tại kỳ họp, UBKT Tỉnh ủy đã xem xét, kết luận các nội dung:

Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tân Lạc lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Trong 2 ngày 25 - 26/4, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tân Lạc tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2024 – 2029. Đây là đơn vị được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chọn tổ chức Đại hội điểm cấp huyện. Đồng chí Bùi Tiến Lực, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vân Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh dự và chỉ đạo Đại hội.

Trung ương Đoàn triển khai quyết định về công tác cán bộ tại Tỉnh Đoàn Hòa Bình

Sáng 26/4, tại Tỉnh Đoàn Hòa Bình, T.Ư Đoàn tổ chức hội nghị triển khai công tác cán bộ. Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực BCH T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; Bùi Thị Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy…

Huyện Kim Bôi gặp mặt chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, sáng 25/4, huyện Kim Bôi tổ chức gặp mặt, tri ân chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục