Theo phóng viên thường trú Báo Nhân Dân tại Lào, ngày 20-2, tại Viêng Chăn, Lào đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mê Công - Lan Thương (MLC) lần thứ năm, với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái-lan, Trung Quốc và Việt Nam.


Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mê Công - Lan Thương .

Ðoàn Việt Nam do đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao làm Trưởng đoàn.

Về hợp tác thời gian tới, các Bộ trưởng thống nhất đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai Kế hoạch hành động MLC giai đoạn 2018 - 2022. Theo đó, các nước thành viên: Ðẩy nhanh xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động về kết nối khu vực, năng lực sản xuất, nguồn nước, thương mại, nông nghiệp; tăng cường hợp tác ứng phó thiên tai, dịch bệnh, tội phạm xuyên biên giới; Thúc đẩy giao lưu, đối thoại giữa các chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý cửa khẩu biên giới; Nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ đặc biệt MLC. Các Bộ trưởng thông qua Thông cáo báo chí chung của Hội nghị và nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tổ chức thành công Hội nghị cấp cao MLC lần thứ ba tại Lào trong năm 2020.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định sự đóng góp hiệu quả của Việt Nam trong hợp tác MLC, đồng thời nhấn mạnh cơ chế này cần góp phần củng cố sự phối hợp giữa các quốc gia trong giải quyết các thách thức chung của khu vực và đem lại lợi ích dài lâu cho người dân.

Về định hướng hoạt động, Phó Thủ tướng cho rằng, hợp tác MLC cần hướng đến việc nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế trước những biến động và bất ổn khó lường, tập trung nguồn lực cho các lĩnh vực dễ bị tổn thương và có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế các nước thành viên. Cụ thể: Hợp tác nông nghiệp tập trung nâng cao năng lực công nghệ cho các doanh nghiệp và cải thiện tính ổn định và độ tin cậy của thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; Tình hình hạn hán ngày càng nghiêm trọng tại lưu vực sông Mê Công đòi hỏi các nước ven sông phải có hành động quyết liệt để bảo đảm sự phát triển bền vững của dòng sông. Trước mắt, cần tăng cường chia sẻ thông tin, số liệu thủy văn trong cả mùa mưa và mùa khô, thiết lập hệ thống cảnh báo sớm và cơ chế phối hợp trong quản lý khẩn cấp lũ lụt, hạn hán và các thảm họa khác, thực hiện các dự án chung để hỗ trợ người dân bảo đảm sinh kế trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và các hoạt động kinh tế trên sông; và Tăng cường hợp tác phòng, chống dịch bệnh, đồng thời phối hợp giảm thiểu gián đoạn các chuỗi cung ứng khu vực.

* Ngày 20-2, tại Viêng Chăn, Lào, đã diễn ra các hội nghị đặc biệt Hội đồng Ðiều phối ASEAN (ACC) và Hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc về hợp tác ứng phó dịch Covid-19.

Hội nghị đặc biệt Hội đồng Ðiều phối ASEAN được tổ chức theo đề xuất của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì hội nghị, với sự tham dự của các Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, mục đích của Hội nghị nhằm kịp thời triển khai Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN được thông qua ngày 14-2-2020 về Ứng phó chung ASEAN trước sự bùng phát dịch Covid-19. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam đã phản ứng nhanh chóng, đề ra các biện pháp ứng phó hiệu quả dịch bệnh này, bao gồm cả trong phòng, chống bùng phát dịch bệnh lẫn chữa trị cho người nhiễm bệnh và cố gắng duy trì ổn định kinh tế, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận và đánh giá cao.

Phó Thủ tướng đề xuất các bước triển khai tiếp theo của ASEAN trên tinh thần Tuyên bố Chủ tịch ASEAN được thông qua ngày 14-2-2020 gồm: Tăng cường nỗ lực và hành động chung, tổng thể của cả Cộng đồng ASEAN thông qua chia sẻ thông tin một cách minh bạch, phối hợp hiệu quả, nhịp nhàng giữa các cơ quan liên quan trong cả hệ thống ASEAN, ở cấp độ quốc gia và khu vực cũng như đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm ứng phó và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tăng cường hỗ trợ công dân của các nước thành viên trong trường hợp cần thiết, tin cậy và ủng hộ lẫn nhau trong nỗ lực xử lý tình hình; cân bằng giữa phòng, chống dịch bệnh với việc duy trì các chính sách liên kết và kinh tế mở; đề cao trách nhiệm của các Chính phủ trong việc cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho người dân và cho các quốc gia thành viên trong Cộng đồng ASEAN về tình hình diễn biến dịch bệnh cũng như biện pháp ứng phó của mỗi nước; đẩy mạnh hợp tác xử lý các thông tin sai lệch gây hoang mang trong cộng đồng.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định, các hoạt động của ASEAN được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2020 vẫn được giữ nguyên theo kế hoạch và Việt Nam sẽ thực hiện các biện pháp bảo đảm y tế ở mức cao nhất theo quy định quốc tế cho các đại biểu tham dự các hoạt động ở Việt Nam.

Kết thúc Hội nghị, Việt Nam đã ra Tuyên bố báo chí của Chủ tịch Hội đồng Ðiều phối ASEAN về kết quả Hội nghị.

* Cùng ngày Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cùng các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tham dự Hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc về hợp tác ứng phó dịch Covid-19.

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc nhất trí đẩy mạnh phối hợp chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ nâng cao năng lực trong chẩn đoán, nghiên cứu phát triển thuốc điều trị và vắc-xin ngăn ngừa dịch bệnh, thống nhất sẽ tận dụng các cơ chế hợp tác hiện có giữa ASEAN và Trung Quốc. Các Bộ trưởng cũng nhất trí sẽ báo cáo lên lãnh đạo cấp cao để có chỉ đạo tiếp theo và phối hợp ở cấp cao nhất trong hợp tác ứng phó dịch bệnh.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thông báo về kết quả kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam và các hoạt động hợp tác tích cực của Việt Nam với Trung Quốc thời gian qua. Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh nỗ lực thúc đẩy hợp tác hiệu quả trong ASEAN, giữa ASEAN với các đối tác, nhất là Trung Quốc. Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, với quyết tâm và cam kết mạnh mẽ, hành động kịp thời của Chính phủ và người dân, dịch Covid-19 sẽ được đẩy lùi và các hoạt động hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại - đầu tư, giao lưu nhân dân sẽ sớm trở lại bình thường.

Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc đã thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc về hợp tác ứng phó với dịch Covid-19.

* Bên lề Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc, cùng ngày Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Ma-lai-xi-a X.Áp-đu-la.

Hai bên đánh giá quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ma-lai-xi-a đang phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực; nhất trí tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao, phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, nhất là Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật; sớm hoàn tất, ký kết Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược giai đoạn 2020 - 2025; tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong bối cảnh Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và Ma-lai-xi-a là nước chủ nhà APEC 2020. Hai bên nhất trí tiếp tục hợp tác trong các vấn đề trên biển, thống nhất cùng nỗ lực góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và thượng tôn luật pháp quốc tế tại Biển Ðông.

* Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Xin-ga-po V.Ba-la-cri-xnan, từ ngày 17 đến 22-2, Ðoàn đại biểu Ðảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí PHAN ÐÌNH TRẠC, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Nội chính T.Ư, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về cải cách tư pháp, làm Trưởng đoàn đã thăm Xin-ga-po theo chương trình "Những người bạn của S.R. Nathan". Trong chuyến thăm, Ðoàn đã đến chào xã giao Thủ tướng Lý Hiển Long, gặp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Vương Thụy Kiệt, đồng thời là lãnh đạo của Ðảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền... Ðoàn cũng đã đến đặt vòng hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm và nói chuyện với các cán bộ Ðại sứ quán Việt Nam và làm việc với Tập đoàn Sembcorp, một trong những tập đoàn lớn của Xin-ga-po đang đầu tư tại Việt Nam.

Các nhà lãnh đạo Xin-ga-po cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản, Việt Nam đã duy trì đà tăng trưởng kinh tế cao, cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển và nguồn nhân lực có trình độ, không ngừng nâng cao vị thế và vai trò tại khu vực và trên trường quốc tế; khẳng định Xin-ga-po sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong những lĩnh vực mà Ðoàn quan tâm; nhấn mạnh mong muốn đẩy mạnh quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, tăng cường hợp tác trong ASEAN và chung tay giải quyết những vấn đề khu vực hiện nay như dịch bệnh và biến đổi khí hậu.

Ðồng chí Phan Ðình Trạc khẳng định Ðảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam luôn coi Xin-ga-po là đối tác kinh tế lớn, quan trọng, mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Xin-ga-po ngày càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện và hiệu quả trên các lĩnh vực chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hoá, giáo dục, xây dựng luật pháp, phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tội phạm…; đề nghị hai bên triển khai tốt các thỏa thuận và cơ chế hợp tác hiện có, thúc đẩy quan hệ hợp tác trên cả kênh Nhà nước, Ðảng và nhân dân.

Hai bên cũng chia sẻ về tầm quan trọng của việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và an ninh trên Biển Ðông, về việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, bảo đảm an ninh và an toàn hàng không và tự do hàng hải. Cảm ơn Chính phủ Xin-ga-po đã hợp tác đào tạo cán bộ trung và cao cấp cho Ðảng Cộng sản Việt Nam, đánh giá cao những bước tiến trong quan hệ giữa hai nước gần đây, đồng chí Phan Ðình Trạc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chia sẻ kinh nghiệm giữa Ðảng Cộng sản Việt Nam và Ðảng PAP trong công tác xây dựng đảng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của đảng viên, nhất trí cho rằng quan hệ kênh đảng sẽ tiếp tục là cơ sở chính trị vững chắc để phát triển quan hệ nhiều mặt Việt Nam - Xin-ga-po thời gian tới.

Tại các cuộc gặp và làm việc với Bộ trưởng Nội vụ kiêm Bộ trưởng Luật pháp, Chánh án Tòa án tối cao, Tổng Chưởng lý, Giám đốc Cục điều tra chống tham nhũng, hai bên đã trao đổi về phương hướng và biện pháp hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực cải cách tư pháp và hoàn thiện hệ thống luật pháp, tương trợ tư pháp, về phòng, chống tham nhũng, tội phạm và duy trì an ninh trật tự xã hội; nhất trí tăng cường trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, đào tạo cán bộ.

TheoNhanDan

 

Các tin khác


Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” tại Hòa Bình

Sáng 24/4, tại Tượng đài Bác Hồ trên công trình Thủy điện Hòa Bình, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp cùng Hội LHTN tỉnh Hòa Bình tổ chức Hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi” nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Ban chấp hành T.Ư Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam; Nguyễn Kim Quy, Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam; lãnh đạo các ban, văn phòng, đơn vị trực thuộc T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN Việt Nam và lãnh đạo Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các tỉnh: Hòa Bình, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam...

Báo Lạng Sơn kỷ niệm 60 năm ngày xuất bản số đầu tiên

Ngày 24/4, Báo Lạng Sơn tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày xuất bản số đầu tiên (1/5/1964 - 1/5/2024). Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh; các cơ quan thông tấn, báo chí T.Ư và 17 Báo Đảng địa phương...

Sẵn sàng tổ chức đại hội Mặt trận Tổ quốc cấp huyện

Đến thời điểm này, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh cơ bản hoàn thành tổ chức Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cấp xã, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Công tác tổ chức đại hội tại các xã, phường, thị trấn đều trang trọng, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, đạt yêu cầu về nội dung, chương trình, kế hoạch, đúng điều lệ, quy định, hướng dẫn. Sau thành công của Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam cấp cơ sở, các địa phương quyết tâm tổ chức thành công Đại hội MTTQ Việt Nam cấp huyện theo đúng kế hoạch đề ra.

Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng.

Tỉnh Hòa Bình dẫn đầu cả nước 2/8 chỉ số thành phần cải cách hành chính

Theo báo cáo kết quả Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2023) của Bộ Nội vụ công bố mới đây, tỉnh Hòa Bình dẫn đầu cả nước 2/8 chỉ số thành phần xếp hạng Chỉ số CCHC các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành, hướng tới mục tiêu xây dựng bộ máy phục vụ tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Theo đó, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các nội dung CCHC gắn với công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục