Sáng 5/5, Chính phủ họp Phiên thường kỳ tháng 4 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc phát biểu tại phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 4.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
đánh giá, tháng 4 và 4 tháng qua, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng
cơ bản là âm, các cấp, các ngành thực hiện mục tiêu kép, đó là trong ngắn hạn
bảo vệ sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu và đồng thời tiếp tục phải thúc
đẩy phát triển kinh tế. Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết kịp
thời về tháo gỡ sản xuất kinh doanh, hoãn giãn nộp thuế, về an sinh xã hội và
những chỉ đạo khác về đảm bảo an ninh trật tự. Chính vì thế mà nền kinh tế
không bị đứt gãy và vẫn tăng trưởng 3,82% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là phải sớm phục hồi, phát triển các hoạt động
kinh tế xã hội là yêu cầu cấp thiết của nền kinh tế, của cộng đồng và của nhân
dân cả nước.
Cho biết, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định Việt Nam sẽ tăng trưởng cao
nhất Đông Nam Á trong năm nay và đạt khoảng 2,7%, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu
"phải đạt cao hơn mức này" vì các cấp, ngành, doanh nghiệp đã khởi
động với nhiều biện pháp quyết liệt. Đó là nền tảng quan trọng để tăng trưởng
và chúng ta không thể và không được để tăng trưởng thấp.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, cùng với tăng trưởng cao
nhất có thể thì phải đảm bảo kiểm soát lạm phát dưới 4%; thúc đẩy phát triển
doanh nghiệp; thúc đẩy các công trình xây dựng cơ bản, nhất là các dự án giao
thông vận phải được khởi động và chuyển từ đầu tư công-tư sang hình thức đầu tư
công. Bên cạnh đó cần quan tâm vấn đề xã hội, trong đó có kỳ thi Phổ thông
trung học sắp tới; việc đề triển khai gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng; đề án phát
triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Thủ tướng phân tích, tình hình thay đổi quá nhanh của nền kinh tế toàn cầu,
trong khi độ mở của nền kinh tế Việt Nam là rất lớn sẽ không thể đạt được các
mục tiêu như đầu năm đề ra. Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần quyết
liệt, tháo gỡ, chịu trách nhiệm, không để tình trạng trì trệ, chậm trễ như một
số cơ quan, bộ, ngành, công trình, dự án vừa qua.
Thủ tướng nhấn mạnh đến yêu cầu giải ngân 700 nghìn tỷ đầu tư công trong năm
2020 và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải "bám ngày bám đêm để triển
khai cho được".
Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng cho biết, nhờ sự chỉ đạo
quyết liệt, đồng bộ, kịp thời các giải pháp của Đảng, Nhà nước, sự đồng tâm
hiệp lực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cả hệ thống chính trị và toàn dân nên
đại dịch cơ bản được đẩy lùi và kiểm soát, chi phí thấp nhưng hiệu quả trong
bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Đến nay cả nước chưa có người tử vong. Tỷ lệ số
ca mắc COVID-19 so với số dân của nước ta thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới.
Thủ tướng cho biết, trong các cuộc tiếp xúc trực tuyến tại
các hội nghị quốc tế, các cuộc điện đàm gần đây, lãnh đạo các quốc gia, các tổ
chức quốc tế đều đánh giá rất cao công tác phòng, chống dịch hiệu quả của Việt
Nam. Điều này rất có giá trị trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới dịch còn
phức tạp và tiếp tục kéo dài tình trạng khẩn cấp.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, một lần nữa Thủ tướng cảm ơn những tấm lòng
nhân ái; sự nhiệt tình, trách nhiệm của các cấp, các ngành; sự ủng hộ của toàn
dân trong phòng, chống dịch. Sau khi Thủ tướng và Chủ tịch Ủy ban Trung ương
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động phong trào ủng hộ chống dịch, đến nay đã
quyên góp được khoảng 2.000 tỷ đồng. Tuy vậy, Thủ tướng cũng một lần nữa nhấn
mạnh không được chủ quan với dịch. Thường trực Chính phủ sẽ có cuộc họp trong
tuần này để đưa ra các giải pháp tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, đồng thời tạo
thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tại Phiên họp này, Chính phủ sẽ thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 4
và 4 tháng đầu năm 2020; Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban
hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn
ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 theo trình tự thủ tục rút gọn; tình hình
phòng chống dịch COVID-19; định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách
nhà nước năm 2021; báo cáo tình hình triển khai Nghị quyết số 17/NQ-CP và một
số vấn đề khác…