Các đại biểu dự hội nghị trực tuyến toàn quốc công tác tư pháp tại điểm cầu tỉnh ta.
6 tháng đầu năm 2020, toàn ngành Tư pháp đã thẩm định 2.813 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL); kiểm tra theo thẩm quyền 4.534 văn bản QPPL; tổ chức trên 360.000 cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp cho gần 18 triệu lượt người, phát miễn phí 34,6 triệu tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tiếp nhận trên 61.000 vụ việc hòa giải, trung bình tỷ lệ hòa giải thành công đạt 79,36%. Các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 410 văn bản QPPL. Ngành Tư pháp cũng đã giải quyết số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch, công chứng, chứng thực, trợ giúp pháp lý, đăng ký giao dịch bảo đảm gắn với hiện đại hóa, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Đến nay, đã có 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chính thức áp dụng phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch; tổng số thông tin công dân được thu thập trên hệ thống gần 35 triệu thông tin. Công tác bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật, hợp tác quốc tế về pháp luật... đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh: 6 tháng cuối năm, ngành Tư pháp tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả, chất lượng 9 nhóm nhiệm vụ công tác trọng tâm đã được xác định tại Báo cáo số 01, ngày 1/1/2020 của Bộ Tư pháp, nhất là đối với các nhiệm vụ chưa hoàn thành. Theo đó, nâng cao chất lượng thẩm định, góp ý các dự thảo văn bản QPPL; đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm với luật; tăng cường quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp... Tiếp tục thực hiện dịch vụ công mức độ 4 trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, lý lịch tư pháp và nghiên cứu mở rộng ra các lĩnh vực khác có nhu cầu cao của người dân, doanh nghiệp...
Đinh Thắng