(HBĐT) - Ngành Nội vụ là một trong những ngành được thành lập ngay sau khi Nhân dân Việt Nam giành chính quyền cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Trong suốt tiến trình lịch sử cách mạnh Việt Nam, ngành Nội vụ đã có những cống hiến to lớn trong kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những đóng góp nổi bật nhất, tạo nên truyền thống vẻ vang của ngành dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ xây dựng bộ máy Nhà nước, bảo vệ chính quyền cách mạng, đó là sứ mệnh lịch sử vinh quang của ngành Nội vụ.
Những năm qua, ngành Nội vụ tỉnh đã tham mưu tốt việc thực hiện Chương trình tổng thể CCHC trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đi vào hoạt động là bước đột phá trong lộ trình CCHC của tỉnh.
Cách đây 75 năm, ngày 28/8/1945, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Quốc dân Đại hội Tân Trào bầu ra đã được cải tổ thành Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra tuyên cáo thành lập nội các thống nhất gồm 13 bộ và 15 vị Bộ trưởng, do Chủ tịch Hồ Chính Minh đứng đầu, trong cơ cấu Chính phủ có Bộ Nội vụ do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bộ trưởng, ngày 28/8/1945 đã đi vào lịch sử, đánh dấu sự ra đời của ngành Tổ chức Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Thời kỳ Chính phủ lâm thời (28/8/1945 - 2/3/1946): Đây là giai đoạn chính quyền cách mạng còn hết sức non trẻ, Bộ Nội vụ đã tập trung vào nhiệm vụ hàng đầu, cấp bách là nhanh chóng xây dựng bộ máy chính quyền cách mạng trong cả nước, đặc biệt là chuẩn bị các điều kiện cơ sở pháp lý để thành lập Chính phủ chính thức của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Bộ đã tham mưu cho Chủ tịch Chính phủ lâm thời ban hành các Sắc lệnh về Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, quy định về thể lệ cuộc tổng tuyển cử và quyết định ngày tổng tuyển cử, ngày 6/1/1946; ban hành các Sắc lệnh về tổ chức bộ máy ở T.Ư và chính quyền địa phương, các Sắc lệnh về công chức; xây dựng quy chế làm việc của tổ chức bộ máy Nhà nước. Đây là cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, xây dựng hệ thống chính quyền thống nhất từ T.Ư đến địa phương. Đặc biệt, sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên trong cả nước diễn ra ngày 6/1/1946 đã bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa với 333 đại biểu, đại diện cho các tầng lớp xã hội và các đảng phái ở Việt Nam. Quốc hội đã bầu ra Chính phủ liên hiệp kháng chiến và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời cụ Huỳnh Thúc Kháng giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Lãnh đạo Sở Nội vụ trao giấy khen cho các cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác nội vụ năm 2019.
Thời kỳ từ năm 1946 - 1954: Bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp, Bộ Nội vụ tiếp tục vai trò là cơ quan T.Ư của ngành Tổ chức Nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ xây dựng tổ chức bộ máy Nhà nước. Nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian này bao gồm: Xây dựng và quản lý tổ chức các bộ, ngành; quy định các khuôn mẫu chuẩn nhiệm vụ, chức năng của cơ cấu bộ, cơ cấu tổ chức và chức năng nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn của bộ máy Uỷ ban Kháng chiến hành chính địa phương; xây dựng và quản lý chính quyền địa phương các cấp. Đặc biệt, việc ban hành Sắc lệnh số 76/SL, ngày 20/5/1950 quy định chế độ công chức mới, đã đánh dấu một bước phát triển trong việc xây dựng đội ngũ công chức của Nhà nước cách mạng.
Thời kỳ từ năm 1955 - 1970: Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, miền Bắc được giải phóng, bước vào thời kỳ xây dựng CNXH, đấu tranh thống nhất đất nước. Chỉ trong một thời gian ngắn, các vấn đề như ổn định cấp bậc cán bộ, công nhân viên, sắp xếp chế độ tiền lương, điều chỉnh biên chế, kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương, đã được Bộ Nội vụ tham mưu giúp Chính phủ ban hành. Từ năm 1960 -1969, vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nội vụ được quy định lại trong Nghị định số 130/CP, ngày 29/9/1961 của Chính phủ. Trong những năm này, Bộ Nội vụ đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ, trình Hội đồng Chính phủ ban hành các quy định về chính sách, chế độ, thể lệ đối với cán bộ, công chức (CB, CC); phê chuẩn thành lập tổ chức mới; xây dựng, củng cố chính quyền địa phương các cấp, quản lý địa giới các đơn vị hành chính; chỉ đạo tổ chức bầu cử; thành lập và quản lý trường hành chính T.Ư; quản lý biên chế; quản lý các hội; quản lý hộ tịch, hộ khẩu... Đối với công tác tổ chức tại địa phương được đưa về đầu mối thống nhất là Ban Tổ chức dân chính thuộc Ủy ban hành chính tỉnh, có nhiệm vụ xây dựng tổ chức bộ máy địa phương; phân nhiệm và phân cấp quản lý; chế độ công tác; công tác địa giới; tổ chức phục vụ bầu cử; kiện toàn chính quyền xã; quản lý, phân bổ biên chế, quản lý cán bộ, chế độ, chính sách CB, CC, viên chức và thương binh, liệt sỹ, chính sách hộ tịch, hộ khẩu... Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Tổ chức Nhà nước giai đoạn này đã góp phần xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân ngày càng vững mạnh, bảo vệ vững chắc miền Bắc XHCN, làm hậu phương lớn cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam.
Thời kỳ từ năm 1970 - 1975: Theo Quyết định số 40/CP, ngày 26/2/1970 của Hội đồng Chính phủ, các nhiệm vụ, chức năng quản lý công tác tổ chức của Nhà nước đã được chuyển từ Bộ Nội vụ về Phủ Thủ tướng, do đồng chí Phó Thủ tướng thường trực trực tiếp chỉ đạo. Đến ngày 20/2/1973, Hội đồng Chính phủ có Nghị định số 29/CP thành lập Ban Tổ chức của Chính phủ, đảm nhiệm là cơ quan đầu mối của Chính phủ trong lĩnh vực tổ chức Nhà nước; ở địa phương có Ban Tổ chức dân chính, phòng Tổ chức dân chính thuộc Ủy ban Hành chính cấp tỉnh, cấp huyện.
Thời kỳ từ năm 1975 - 1990: Sau chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975 và cuộc tổng tuyển cử tháng 6/1976, nước nhà thống nhất, cả nước đi lên CNXH, Ban Tổ chức của Chính phủ đã tham mưu cho Đảng và Chính phủ xây dựng, hoàn thiện bộ máy Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, xây dựng đội ngũ CB, CC trong thời kỳ mới. Đến năm 1990, theo Nghị định số 135/NĐ-HĐBT, ngày 7/5 của Hội đồng Bộ trưởng, Ban Tổ chức của Chính phủ được đổi tên thành Ban Tổ chức cán bộ của Chính phủ, là cơ quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng, có chức năng giúp Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo, quản lý về tổ chức, cán bộ thuộc các cơ quan hành chính Nhà nước từ T.Ư đến địa phương.
Năm 1994, căn cứ Luật Tổ chức Chính Phủ ban hành ngày 30/9/1992, Chính phủ ban hành Nghị định số 181/CP, ngày 9/11 quy định Ban Tổ chức cán bộ của Chính phủ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực tổ chức bộ máy Nhà nước, công chức và biên chế Nhà nước, lập Hội quần chúng và tổ chức phi Chính phủ, phân vạch địa giới hành chính và công tác lưu trữ tài liệu quốc gia. Từ năm 1995 đến nay, Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ được bổ sung thêm một số nhiệm vụ như: Giúp Chính phủ thống nhất các hoạt động hợp tác nước ngoài trong lĩnh vực cải cách hành chính, làm đầu mối hợp tác với ASEAN trong lĩnh vực công vụ; chủ nhiệm Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ; cho phép thành lập và phê duyệt điều lệ Hội, Hiệp hội, các tổ chức kinh tế... Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, ngành Tổ chức Nhà nước đã phối hợp với các ngành, các cấp triển khai đưa các Nghị quyết của T.Ư Đảng về cải cách hành chính, về xây dựng và hoàn thiện bộ máy Nhà nước vào cuộc sống; xây dựng để trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Chính phủ năm 1992, năm 2001, năm 2015, Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) năm 1994, năm 2003 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; xây dựng để trình Chính phủ ban hành các nghị định về chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và cơ quan thuộc Chính phủ... Trong việc xây dựng đội ngũ CB, CC, viên chức thời kỳ đổi mới, Bộ Nội vụ đã tham mưu cho các cấp có thẩm quyền ban hành Pháp lệnh CB, CC năm 1998, sửa đổi, bổ sung năm 2000 và năm 2003, Luật CB, CC năm 2008, Luật Viên chức năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thực hiện, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, quản lý và sử dụng đội ngũ CB, CC, viên chức Nhà nước đi vào nề nếp; ban hành nhiều chính sách đào tạo, bồi dưỡng CB, CC hành chính và cán bộ chính quyền cơ sở; cải cách tiền lương; Chương trình tổng thể cải cách nền hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010 và giai đoạn 2011-2020.
Năm 2002, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử xây dựng và trưởng thành của ngành Tổ chức Nhà nước. Tại kỳ họp thứ nhất ngày 5/8/2002, Quốc hội khoá XI đã ban hành Nghị quyết số 02/2002/QH11 quy định và đổi tên Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ thành Bộ Nội vụ. Ở địa phương được đổi tên thành Sở Nội vụ tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và Phòng Nội vụ huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố. Thực hiện chủ trương của Đảng và Quốc hội, ngày 8/8/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/NĐ-CP về việc chuyển Ban Thi đua khen thưởng T.Ư, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ vào Bộ Nội vụ. Ngày 13/8/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc thành lập Vụ Công tác thanh niên trực thuộc Bộ Nội vụ. Từ đây, Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ trở thành Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.
Cùng với quá trình hình thành và phát triển của ngành Nội vụ cả nước, tháng 4/1946, ngành Nội vụ tỉnh Hoà Bình ra đời từ bộ phận tổ chức, đến tên gọi là Phòng Tổ chức thuộc Văn phòng Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh. Đến năm 1964, thực hiện Thông tư số 15/NV, ngày 13/6/1963 của Bộ Nội vụ về chấn chỉnh tổ chức bộ máy ở địa phương, ngày 2/11/1964, Ủy ban Hành chính tỉnh Hoà Bình đã ban hành Quyết định số 662-TCCB thành lập Ban Tổ chức dân chính tỉnh, là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban hành chính tỉnh. Đến năm 1969, Ban Tổ chức dân chính được tách thành 3 ngành: Ban Tổ chức chính quyền tiếp tục thực hiện công tác tổ chức Nhà nước ở địa phương; Ban Dân chính thương binh xã hội (nay là Sở LĐ-TB&XH) và Trường Nghiệp vụ hành chính. Từ tháng 4/1976 - 9/1991 hợp nhất 2 tỉnh Hoà Bình và Hà Tây thành tỉnh Hà Sơn Bình, thành Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Hà Sơn Bình. Đến tháng 9/1991 tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 8 đã ban hành nghị quyết chia tách tỉnh Hà Sơn Bình thành tỉnh Hoà Bình và tỉnh Hà Tây. Cùng với việc tái lập tỉnh Hòa Bình ngày 1/10/1991, Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Hòa Bình được tái lập.
Ngày 20/11/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 248/2003/QĐ-TTg về việc đổi tên Ban Tổ chức chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thành Sở Nội vụ. Thực hiện chủ trương quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo Nghị định số 08/NĐ-CP, ngày 8/8/2007 của Chính phủ, từ năm 2008 đến nay, Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh, lĩnh vực quản lý Nhà nước về tôn giáo, văn thư lưu trữ, thanh niên được chuyển về Sở Nội vụ quản lý. Như vậy, Sở Nội vụ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về các lĩnh vực: Tổ chức hành chính, sự nghiệp Nhà nước; cải cách hành chính; chính quyền địa phương, địa giới hành chính, cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, Hội, tổ chức phi Chính phủ; thi đua khen thưởng; tôn giáo; văn thư, lưu trữ và công tác thanh niên.
Trải qua 75 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, ngành Nội vụ tỉnh Hòa Bình đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh những chủ trương, giải pháp xây dựng bộ máy Nhà nước đáp ứng yêu cầu của cách mạng qua mỗi thời kỳ, đồng thời, trực tiếp tham gia giải quyết nhiều công việc cụ thể được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ Nội vụ giao, đặc biệt trong 5 năm (2015 - 2020), nhiệm vụ của ngành Nội vụ hết sức nặng nề với yêu cầu đặt ra ở tầm cao mới cả về số lượng, chất lượng và thời gian. Trong đó, tập trung tham mưu đẩy mạnh cải cách hành chính; sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính, sự nghiệp, xây dựng vị trí việc làm; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ CB, CC, viên chức, nâng cao chất lượng công vụ trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo, thi đua - khen thưởng, công tác thanh niên và công tác văn thư, lưu trữ trên địa bàn tỉnh, đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn như: sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong tỉnh giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm 59 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 576 thôn, xóm, tổ dân phố; giảm 248 đơn vị sự nghiệp công lập; tinh giản 2.156 biên chế. Chỉ số cải cách hành chính của Sở Nội vụ 3 năm liên tục (2017 - 2019) xếp thứ 1/20 sở, ban, ngành của tỉnh; 5 năm liên tục (2015 - 2019) được Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ghi nhận, biểu dương những thành tích xuất sắc của ngành Nội vụ tỉnh trong suốt 75 năm qua, Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND tỉnh và bộ, ngành T.Ư trao tặng nhiều phần thưởng cao quý cho ngành, Sở như: Huân chương Lao động hạng ba năm 2005, năm 2015; Huân chương Lao động hạng nhì năm 2020; bằng khen Thủ tướng Chính phủ các năm 1998, 2009, 2014, 2016; Cờ thi đua của Chính phủ năm 2009, 2015, 2016, 2019; Cờ thi đua của Bộ Công an năm 2012; Cờ thi đua của UBND tỉnh Hòa Bình các năm 2009, 2013, 2014, 2015, 2016; năm 2019 được Bộ Nội vụ tặng Cờ thi đua đơn vị xuất sắc dẫn đầu Cụm thi đua ngành Nội vụ các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc; 1 cán bộ được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì; 9 CB, CC của Sở được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba; 11 CB, CC được tặng bằng khen Thủ tướng Chính phủ và nhiều bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh và Bộ trưởng các Bộ, ngành, đoàn thể T.Ư... Đây là sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, là sự tận tụy, ý chí quyết tâm không chịu lùi bước trước những khó khăn, thử thách và đây cũng là nguồn cổ vũ, động viên to lớn, là niềm tự hào sâu sắc của các thế hệ CB, CC, viên chức, nhân viên ngành Nội vụ tỉnh trong 75 năm qua.
Tự hào về truyền thống vẻ vang của ngành Nội vụ trong 75 năm qua, ngành Nội vụ tỉnh càng ý thức sâu sắc vinh dự và trách nhiệm to lớn trước Đảng, Nhà nước, Nhân dân; mỗi CB, CC, viên chức tiếp tục đoàn kết một lòng, quyết tâm thi đua, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.