Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì Hội nghị. Đồng chủ trì có Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, Phó Trưởng ban Chỉ đạo.
Đại diện lãnh đạo các ban của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ dự Hội nghị tại đầu cầu Trung ương và lãnh đạo các địa phương tham dự tại 63 điểm cầu.
Triển khai đồng bộ 6 nội dung cải cách hành chính
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ nhấn mạnh, kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, cải cách hành chính luôn là một nội dung quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng ta, trong chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Cải cách hành chính xuất phát từ đòi hỏi bức bách khi đất nước chuyển mạnh sang thời kỳ phát triển mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với những cơ hội và thách thức mới, trong bối cảnh hội nhập và hợp tác quốc tế ngày càng sâu rộng.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 kèm theo Nghị quyết 30c/NQ-CP với hệ thống các giải pháp và bước đi phù hợp, nhằm xây dựng nền hành chính nhà nước Việt Nam dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cải cách hành chính được xác định là một trong ba giải pháp quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, với mục tiêu và giải pháp đúng đắn, có cơ sở, phù hợp với thực tế, đã tạo ra sự thay đổi căn bản nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn bộ hệ thống cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương.
Mười năm qua, cải cách hành chính đã được triển khai đồng bộ trên tất cả 6 nội dung: cải cách thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính. Qua đó, thúc đẩy quá trình đổi mới kinh tế; dân chủ hóa đời sống xã hội; hội nhập kinh tế quốc tế; củng cố và duy trì ổn định chính trị; phòng chống tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, công tác cải cách thể chế được các cơ quan nhà nước trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương quan tâm, chỉ đạo sát sao. Thể chế về tổ chức bộ máy của hệ thống hành chính, mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử tiếp tục được hoàn thiện, đổi mới, đã đề cao các quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân tại các đạo luật trên các lĩnh vực từ dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Tổng số văn bản quy phạm pháp luật mà các bộ đã ban hành từ năm 2012 đến nay là hơn 8.600 văn bản.
Cải cách thủ tục hành chính được xác định là một khâu đột phá và đã được triển khai mạnh mẽ ở tất cả các cấp hành chính theo hướng đơn giản hóa, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích chính đáng và quyền làm chủ của nhân dân. Từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến tháng 11/2020, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 thủ tục hành chính, 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Các bộ, ngành đã có phương án xử lý 1.501 mặt hàng có chồng chéo về thẩm quyền. Việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông đạt được kết quả tích cực, việc giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện, giảm thiểu tình trạng chậm muộn, nhũng nhiễu, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 97,37%.
Trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, việc xây dựng và ban hành các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức các bộ, ngành Trung ương về cơ bản khắc phục được những tồn tại, hạn chế của các giai đoạn trước, bổ khuyết những thiếu sót thể chế về tổ chức và bộ máy, bảo đảm bao quát đầy đủ chức năng quản lý nhà nước của Chính phủ. Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy đơn vị sự nghiệp công lập ở các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương các cấp đã được thực hiện có kết quả. Ở Trung ương đã giảm 12 tổ chức cấp vụ và tương đương, giảm 4 tổng cục; 10 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ. Ở địa phương, tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Đà Nẵng; tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh; đã giảm 5 cơ quan chuyên môn, gần 1.000 tổ chức cấp phòng, gần 130 tổ chức cấp chi cục, gần 1.200 tổ chức cấp phòng thuộc chi cục; cấp huyện giảm gần 300 tổ chức; giảm biên chế 8,7% so với năm 2015.
Công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cải cách tài chính công cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đặc biệt, công tác hiện đại hóa nền hành chính, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số là điểm sáng thúc đẩy thay đổi lề lối, phương thức làm việc của các cơ quan nhà nước. Cơ chế, thể chế, chính sách về khung pháp lý về xây dựng Chính phủ điện tử dần được hoàn thiện. Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia tạo lập nền tảng Chính phủ điện tử được xây dựng, vận hành, tạo sự thay đổi rõ rệt về phương thức làm việc trong các cơ quan nhà nước cũng như giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, giúp tiết kiệm hàng chục ngàn tỷ đồng.
Quyết liệt, linh hoạt và sáng tạo
Những kết quả đạt được cho thấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, linh hoạt và sáng tạo để nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính.
"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung đẩy mạnh cải cách nền hành chính, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần các nghị quyết của Đảng; Quốc hội, đặc biệt là đã kiên quyết đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi bằng được tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; tập trung chỉ đạo cải cách tốt thủ tục hành chính, phân cấp mạnh và làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, khắc phục tình trạng chậm trễ, phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp; đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương công vụ, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để huy động mọi nguồn lực bảo đảm cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và thực hiện tốt tiến bộ công bằng xã hội”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, mặc dù đạt được những kết quả tích cực trong cải cách hành chính giai đoạn vừa qua, song, một số mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính còn chưa đạt so với mong muốn, kết quả đạt được trên một số lĩnh vực còn chưa đồng bộ.
Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận, phân tích những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại trong thực hiện Chương trình tổng thể giai đoạn 2011 - 2020, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém, nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm. Từ đó, đóng góp, đề xuất, xây dựng dự thảo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 với những mục tiêu, nội dung mang tính cải cách nổi bật, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với khát vọng mãnh liệt về một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.