Huyện Cao Phong quan tâm triển khai thực hiện sắp xếp cán bộ dôi dư sau sáp nhập. Ảnh chụp tại xã Thạch Yên (Cao Phong).
Theo quy định, xã Hợp Phong là ĐVHC loại 1, được bố trí tối đa 23 cán bộ, công chức (CB, CC), trong đó có 11 cán bộ (chủ chốt 6 đồng chí), còn lại là trưởng các đoàn thể, tổ chức CT-XH, công chức 12 đồng chí. Xã Thạch Yên là ĐVHC loại 2, bố trí tối đa 21 CB, CC, trong đó có 10 cán bộ, 11 công chức.
Huyện đã xây dựng phương án, lộ trình cụ thể (thực hiện trong vòng 5 năm 2020 - 2025) để giải quyết chế độ, chính sách đối với những trường hợp CB, CC dôi dư khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã. Theo đó, số CB, CC dôi dư sẽ tiến hành sắp xếp, điều động lên huyện hoặc điều động từ đơn vị này sang đơn vị khác để bảo đảm đến năm 2025, tổng biên chế công chức cấp xã toàn huyện theo quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, ngày 24/4/2019 của Chính phủ. Việc bố trí nhân sự vào các chức danh bầu cử phải là cán bộ chuyên trách, công chức (trừ những trường hợp đặc biệt).
Tính đến tháng 8/2021, xã Thạch Yên có 32 CB, CC; thừa 1 cán bộ và 11 công chức. Xã Hợp Phong có 40 CB, CC; thừa 18 công chức. Như vậy, sau khi sắp xếp ĐVHC cấp xã, huyện Cao Phong dư thừa 30 CB, CC tại 2 ĐVHC sau sắp xếp là Thạch Yên và Hợp Phong.
Đồng chí Bùi Đăng Khoa, Trưởng Phòng Nội vụ huyện cho biết: Việc sắp xếp cán bộ dôi dư sau sáp nhập gặp phải khó khăn là việc sắp xếp phải đảm bảo phù hợp với trình độ chuyên môn, năng lực, sở trường. Hiện nay, đối với các xã không sắp xếp thiếu 8 cán bộ, trong đó có tới 4 vị trí là bí thư đoàn thanh niên. Nhưng số cán bộ dôi dư sau sáp nhập thì không phù hợp về độ tuổi cũng như chuyên môn, năng lực, sở trường nên thiếu vẫn thiếu và thừa vẫn thừa. Ngoài ra, trong 30 CB, CC đang dôi dư có nhiều CB, CC tuổi còn trẻ, chưa thể giải quyết chế độ theo Nghị định số 108.
Ngoài ra, thực tế việc bố trí, sắp xếp nhân sự cấp trưởng các tổ chức CT-XH đối với đơn vị thực hiện sáp nhập phát sinh vấn đề số lượng cấp trưởng sẽ giảm. Nhiều đồng chí là viên chức, chưa đủ 5 năm để chuyển sang công chức theo quy định nên cũng gặp không ít khó khăn trong việc sắp xếp, luân chuyển.
Số lượng CB, CC dôi dư sau sắp xếp còn khá lớn, công tác bố trí phải theo quy định, việc xử lý, giải quyết chế độ, chính sách liên quan đến số cán bộ dôi dư phải hợp tình, hợp lý. Do vậy, huyện đang triển khai phương án một cách thận trọng, khách quan, phù hợp quy định của Nhà nước và quyền lợi của mỗi người.
Đồng chí Trưởng Phòng Nội vụ cho biết thêm: Việc lựa chọn, bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy cũng như đội ngũ dôi dư không chỉ đối với các xã sáp nhập, mà ngay cả các xã khác đều phải trải qua quy trình chặt chẽ, dân chủ, minh bạch. Các địa phương đã đưa ra phương án giải quyết, bố trí, sắp xếp chi tiết đối với từng xã, từng trường hợp như: Cho nghỉ việc theo chế độ, nghỉ theo hình thức tự nguyện; điều chuyển CB, CC nếu đủ điều kiện chuyển thành công chức cấp huyện, cấp xã… Mọi phương án đều đảm bảo tính khách quan, công tâm, đồng thời cũng phản ánh rõ sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu. Việc sắp xếp đã được huyện xây dựng kế hoạch theo từng năm và giai đoạn, đảm bảo sự linh hoạt, khách quan, thận trọng và nhân văn; vừa đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của CB, CC, vừa phù hợp với năng lực, sở trường, vị trí công việc.
Dương Liễu