(HBĐT) - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, BCH Đảng bộ huyện Lạc Thuỷ đã tập trung lãnh đạo, tranh thủ sự chỉ đạo của cấp trên cùng với nỗ lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, đến hết năm 2020, huyện thực hiện thành công Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM), được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020 tại Quyết định số 1401/QĐ-TTg, ngày 13/8/2021.


Hệ thống đường giao thông nông thôn xã Đồng Tâm (Lạc Thuỷ) được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT-XH.

Đồng Tâm là 1 trong 11 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh. Với sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và người dân, tháng 11/2015, xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Trở lại xã Đồng Tâm những ngày tháng 9 cảm nhận rõ sự đổi thay diện mạo ở từng tuyến đường, ngõ xóm. Những con đường bê tông hóa trải rộng, hai bên đường được trồng hoa, cây xanh, những khu vườn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, cảnh quan môi trường "sáng - xanh - sạch - đẹp” tạo nên ấn tượng về một vùng quê trù phú, giàu đẹp.

Đồng chí Trịnh Xuân Nghị, Chủ tịch UBND xã cho biết: Sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, cán bộ, Nhân dân xã Đồng Tâm tiếp tục bắt tay nâng cấp các tiêu chí, hướng đến mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 51 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,64%. Năm 2020, xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân xã đang cùng hiện thực hóa quyết tâm đến năm 2025 đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu.

Trong những năm qua, phong trào xây dựng NTM được các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân trong huyện tích cực triển khai thực hiện. Huyện ủy ban hành các nghị quyết, quyết định, đề án gắn với nội dung xây dựng NTM. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ nội dung, ý nghĩa của việc xây dựng NTM, thấy được vai trò, nhiệm vụ trong thực hiện các tiêu chí... Qua tuyên truyền, vận động đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Giai đoạn 2011 - 2020, huyện huy động tổng nguồn vốn thực hiện xây dựng NTM đạt trên 7.765 tỷ đồng, trong đó, ngân sách T.Ư 175,712 tỷ đồng; ngân sách địa phương 678,235 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án trên 1.776 tỷ đồng; vốn tín dụng 3.965,501 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp 355,078 tỷ đồng; Nhân dân đóng góp 814,514 tỷ đồng. Huyện không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.

Sau 10 năm thực hiện chương trình, kinh tế của huyện có bước phát triển khá, chuyển dịch đúng hướng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp được chú trọng, với nhiều mô hình liên kết sản xuất hiệu quả. Hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư khá đồng bộ, từng bước hiện đại, đảm bảo phục vụ tốt hoạt động phát triển KT-XH và đời sống dân sinh. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt 50,5 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,66%. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được giữ gìn, phát triển; chất lượng giáo dục, y tế đảm bảo; cảnh quan, môi trường nông thôn được cải thiện; ANTT giữ vững. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, ngày càng vững mạnh. Huyện có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 7 khu dân cư NTM kiểu mẫu và 27 vườn mẫu được công nhận đạt chuẩn theo quy định.

Đồng chí Bùi Trung Kiên, Bí thư Huyện uỷ cho biết: Với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, Đảng bộ huyện đã phát huy được vai trò của các cấp ủy Đảng, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên và nỗ lực của Nhân dân để đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong xây dựng NTM. Trong thời gian tới, Đảng bộ huyện lãnh đạo các xã tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xã đạt chuẩn NTM, huyện NTM theo hướng phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng khung, xây dựng NTM gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, AN-QP. Tiếp tục xây dựng xã NTM đạt chuẩn nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu phù hợp điều kiện thực tiễn và phát huy tối đa lợi thế của từng xã. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp - dịch vụ - thương mại; mở rộng vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh, vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh và phát triển liên kết chuỗi sản phẩm nông nghiệp.


Đinh Thắng


Các tin khác


Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi” tại Hòa Bình

Sáng 24/4, tại Tượng đài Bác Hồ trên công trình Thủy điện Hòa Bình, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp cùng Hội LHTN tỉnh Hòa Bình tổ chức Hành trình "Tôi yêu Tổ quốc tôi” nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Tường Lâm, Bí thư Ban chấp hành T.Ư Đoàn, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam; Nguyễn Kim Quy, Ủy viên Ban Thường vụ T.Ư Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam; lãnh đạo các ban, văn phòng, đơn vị trực thuộc T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN Việt Nam và lãnh đạo Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các tỉnh: Hòa Bình, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam...

Báo Lạng Sơn kỷ niệm 60 năm ngày xuất bản số đầu tiên

Ngày 24/4, Báo Lạng Sơn tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày xuất bản số đầu tiên (1/5/1964 - 1/5/2024). Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh; các cơ quan thông tấn, báo chí T.Ư và 17 Báo Đảng địa phương...

Sẵn sàng tổ chức đại hội Mặt trận Tổ quốc cấp huyện

Đến thời điểm này, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh cơ bản hoàn thành tổ chức Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cấp xã, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Công tác tổ chức đại hội tại các xã, phường, thị trấn đều trang trọng, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, đạt yêu cầu về nội dung, chương trình, kế hoạch, đúng điều lệ, quy định, hướng dẫn. Sau thành công của Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam cấp cơ sở, các địa phương quyết tâm tổ chức thành công Đại hội MTTQ Việt Nam cấp huyện theo đúng kế hoạch đề ra.

Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội trong cộng đồng.

Tỉnh Hòa Bình dẫn đầu cả nước 2/8 chỉ số thành phần cải cách hành chính

Theo báo cáo kết quả Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2023) của Bộ Nội vụ công bố mới đây, tỉnh Hòa Bình dẫn đầu cả nước 2/8 chỉ số thành phần xếp hạng Chỉ số CCHC các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành, hướng tới mục tiêu xây dựng bộ máy phục vụ tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp và người dân. Theo đó, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các nội dung CCHC gắn với công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục