(HBĐT) - 2.092 và 224 là con số các dự án được HĐND tỉnh quyết định chủ trương thu hồi đất (đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) từ năm 2014 và số thực hiện cho đến tháng 12/2021 được ghi nhận trong báo cáo của UBND tỉnh về kết quả thực hiện trình tự, thủ tục đối với các dự án trình HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương thu hồi đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sang mục đích khác.


Theo báo cáo, tổng số dự án thu hồi đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tại các nghị quyết từ năm 2014 (của HĐND tỉnh) là 2.092 dự án, tổng diện tích thu hồi 4.300,23 ha, trong đó, đất trồng lúa 2.879 ha, đất rừng phòng hộ 1.406,8 ha, đất rừng đặc dụng 14,1 ha. Kết quả thực hiện đến tháng 12/2021 là 211 dự án, tổng diện tích thu hồi 476,81 ha, trong đó, đất trồng lúa 320 ha, đất rừng phòng hộ 155,95 ha. Phân tích số liệu sâu hơn cho thấy, số thực hiện trên tổng số đã có chủ trương của HĐND tỉnh chỉ chiếm 10,08% về số dự án và 11,08% về diện tích. Đặc biệt, đáng lưu ý, số lượng dự án quá hạn từ 3 - 7 năm không triển khai là 1.022 dự án; trên 2 năm và dưới 3 năm 175 dự án; dưới 2 năm 684 dự án.

Có thể có nhiều cách tiếp cận, thống kê khác nhau, nhưng từ phân tích những con số trên có thể thấy ngay quy trình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất, sử dụng rừng của tỉnh đang thực sự có vấn đề. Trước hết, nói về phương pháp tiếp cận các quy định của pháp luật, nhất là pháp luật về đất đai, việc hiểu và thực hiện quy định chỉ trình HĐND thông qua danh mục các dự án, chứ không phải trình dự án vô hình chung đã làm cho các nghị quyết của HĐND tỉnh trở nên hình thức, mặc dù trải qua quy trình thẩm tra và thảo luận, nhưng do không có thông tin, tài liệu liên quan đến dự án nên HĐND cũng không có gì nhiều để thẩm - thảo - quyết, vì vậy, việc cho ra lò danh mục các dự án thiếu tính khả thi trên thực tế là điều khó tránh khỏi.

 Thứ nữa đó là công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết thiếu tính kịp thời, vì thế có nhiều dự án đã quá 36 tháng (trên 3 năm) không thực hiện bất cứ một thủ tục đầu tư nào, mà cũng không chịu bất kỳ một hình thức xử lý nào về quản lý đầu tư, đất đai... vì vậy, danh mục các dự án này có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây.

 Bên cạnh đó, công tác thẩm định, đánh giá dự án của các cơ quan có thẩm quyền chưa đáp ứng yêu cầu, quá trình thẩm định không phát hiện và loại bỏ kịp thời những dự án thiếu tính khả thi, những nhà đầu tư không có năng lực tài chính và khả năng triển khai dự án...

Biện giải nguyên nhân của thực trạng này nhiều người nói là do cơ chế, chính sách hoặc các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo Sổ tay người giám sát, ý kiến này đúng nhưng chưa đầy đủ, vì hệ thống pháp luật hiện nay mặc dù chưa hoàn toàn chuẩn chỉnh, song cũng đã có dự liệu để xử lý vấn đề dự án treo, dự án chậm tiến độ, xử lý các nhà đầu tư chây ì ôm đất trục lợi chính sách. Vấn đề ở đây còn là cách hiểu và thực thi chính sách, pháp luật của không ít cá nhân có trách nhiệm và cơ quan quản lý Nhà nước đã không thực hiện đầy đủ, thấu đáo các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, còn là sự thiếu vắng bộ quy chuẩn đánh giá năng lực nhà đầu tư và cơ chế sàng lọc dự án; đội ngũ cán bộ thiếu kinh nghiệm, năng lực đánh giá, thẩm định các đề xuất dự án của các nhà đầu tư... Những nguyên nhân được coi là chủ quan này hoàn toàn có thể khắc phục được nếu có một cơ chế ràng buộc trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Quán triệt chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng hoạt động và tổ chức các kỳ họp của HĐND tỉnh, Sổ tay người giám sát cho rằng, đổi mới, nâng cao chất lượng và tính khả thi các nghị quyết là đòi hỏi bức thiết hiện nay để HĐND tỉnh thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước, cơ quan đại diện cho cử tri và Nhân dân. Trước hết, đối với cơ quan trình cần nâng cao chất lượng công tác thẩm định, đánh giá các dự án, tờ trình gắn với trách nhiệm của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu. Các dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng cần thực hiện công khai, minh bạch, lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động theo các quy định của pháp luật. Với HĐND tỉnh cần chủ động tham gia, phối hợp xây dựng dự thảo nghị quyết từ giai đoạn đề xuất chính sách; thay vì thông qua danh mục cần xem xét thông qua dự án với mục tiêu cụ thể, rõ ràng và chịu trách nhiệm giải trình với cử tri về những quyết định của mình. Hàng năm, thường trực HĐND, các ban của HĐND phải giám sát việc thực hiện nghị quyết, trên cơ sở đó phát hiện, xử lý kịp thời vấn đề phát sinh trên thực tế. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, tiếp tay, bao che cho doanh nghiệp thâu tóm đất đai, trục lợi chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư của địa phương; kiên quyết xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ. Đồng thời, cần có thái độ nghiêm khắc với tờ trình, báo cáo thẩm định, thẩm tra kém chất lượng, có như vậy sẽ khắc phục được tình trạng nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành nhưng không được thi hành mà cử tri và Nhân dân gọi vui là nghị quyết… treo!


N.T.S

Các tin khác


Hà Tĩnh tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh nguyện chung sức, đồng lòng, quyết tâm xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững theo hướng công nghiệp hiện đại, xứng đáng là quê hương của các đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú, Tổng Bí thư Hà Huy Tập, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Hội Cựu chiến binh huyện Kim Bôi chăm lo đời sống hội viên

Phát huy vai trò của tổ chức Hội, bằng các hoạt động thiết thực, ý nghĩa, thời gian qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Kim Bôi luôn đồng hành, chăm lo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống hội viên, nhất là hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Xây dựng văn hóa an toàn giao thông từ mỗi cán bộ, chiến sỹ

Thời gian qua, thực hiện tốt phương châm "xây dựng văn hóa an toàn giao thông (ATGT) là nâng cao ý thức chấp hành ATGT từ mỗi quân nhân”, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang (LLVT) trên địa bàn tỉnh thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ (CBCS) về nâng cao ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông. Nhờ vậy từng bước hình thành và xây dựng văn hóa ATGT trong mỗi cơ quan, đơn vị và CBCS.

Giữ vững trận địa tư tưởng

Đó là tinh thần, quan điểm xuyên suốt của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh trên mặt trận đấu tranh, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng trong thời gian qua.

Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024

Sáng 16/4, Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá kết quả công tác quý I; kết quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng của cấp uỷ và UBKT các cấp trong Đảng bộ; triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác quý II/2024.

Huyện Tân Lạc: Đồng bộ các giải pháp cải thiện chỉ số cải cách hành chính

Nếu năm 2022, huyện Tân Lạc xếp thứ 2 về chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh thì năm 2023, căn cứ kết quả công bố tại Quyết định số 3016/QĐ-UBND, ngày 26/12/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá kết quả chỉ số CCHC (PAR INDEX) và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của UBND huyện, huyện Tân Lạc đạt 86,26 điểm chỉ số CCHC, xếp thứ 9/10 huyện, thành phố. Hiện nay, huyện đang tập trung các giải pháp để cải thiện, nâng cao chỉ số CCHC.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục