Các đồng chí lãnh đạo huyện Cao Phong rà soát quy hoạch phát triển hạ tầng trên địa bàn xã Tây Phong.
Trong các lĩnh vực xây dựng cơ bản, giao thông là hạ tầng quan trọng hàng đầu được huyện đặc biệt quan tâm với vai trò "đi trước một bước”, thông "huyết mạch” cho cả nền kinh tế. Đến nay, mạng lưới giao thông phát triển rộng khắp trong toàn huyện, các tuyến đường giao thông nội huyện đều đã được cứng hóa. 100% xã có đường nhựa hoặc bê tông đến trung tâm. Hệ thống đường giao thông liên xóm hầu hết được cứng hóa. Hiện nay, huyện ưu tiên nguồn lực để khớp nối các tuyến giao thông nông thôn với quốc lộ 6, đường 12B, đường tỉnh 435; tiếp tục đầu tư các tuyến giao thông trọng điểm như đường tỉnh 435, 444; đường Hợp Phong, đường Bắc Phong - Thung Nai, đường QH 13 từ thị trấn Cao Phong đi xã Bắc Phong... Tổng kinh phí đầu tư trong lĩnh vực giao thông ước gần 200 tỷ đồng.
Cùng với hạ tầng giao thông, những "mắt xích” hạ tầng thiết yếu khác cũng được huyện đầu tư đồng bộ nhằm tạo đột phá thúc đẩy KT-XH phát triển. Về hạ tầng điện và thông tin, 100% xóm, khu dân cư có lưới điện quốc gia và được phủ sóng internet. Các công trình công cộng như trụ sở làm việc, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, các công trình thủy lợi... được đầu tư tương đối đồng bộ. Huyện cũng tranh thủ sự giúp đỡ kịp thời của T.Ư, của tỉnh, tích cực huy động nguồn lực từ các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch, dịch vụ, nông nghiệp. Điển hình như hạ tầng trung tâm thương mại núi Đầu Rồng (thị trấn Cao Phong); khu di tích lịch sử chùa Khánh (xã Thạch Yên); khu không gian văn hóa mo Mường (xã Hợp Phong); hạ tầng kỹ thuật thị trấn Cao Phong giai đoạn 2, hạ tầng phát triển vùng cam an toàn tập trung...
Theo UBND huyện, những năm qua, công tác đầu tư xây dựng cơ bản đã được đẩy mạnh phân cấp. Bằng vốn huy động từ ngân sách, vốn xã hội hóa và đóng góp của nhân dân, bình quân mỗi năm toàn huyện đầu tư trên 70 công trình xây dựng cơ bản. Kết quả xây dựng cơ sở hạ tầng khá toàn diện, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho Nhân dân.
Nhìn lại 20 năm qua (2002 - 2022), đồng chí Bùi Hoài Nhi, Phó Chủ tịch UBND huyện phấn khởi: 20 năm qua, huyện đã có những bước tiến dài trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản. Nếu như trong giai đoạn đầu thành lập huyện, cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn thì giờ đây, diện mạo Cao Phong đã hoàn toàn khởi sắc nhờ đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng. Nhiều dự án đầu tư, nhiều công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển, đưa Cao Phong từ chỗ là huyện nghèo đã thoát nghèo và vươn lên mạnh mẽ, phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện nông thôn mới với sự phát triển toàn diện về KT-XH, QP-AN.
Trong giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, huyện tiếp tục xác định đầu tư đồng bộ hạ tầng phát triển KT-XH là một trong những khâu đột phá quan trọng, là chương trình hành động trọng tâm nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII. Theo định hướng của BCH Đảng bộ huyện, Cao Phong đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tăng cường đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng; phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt 22%, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 99%; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%, hộ dân thành thị đạt trên 99%... Riêng về nỗ lực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng dịch vụ, huyện chủ trương thu hút nguồn lực để đầu tư xây dựng trung tâm thương mại tổng hợp hạng III, siêu thị hạng II tại thị trấn Cao Phong; xây dựng thêm chợ đầu mối nông sản ở xã Tây Phong; hình thành một số khu trung tâm dịch vụ, thương mại tại các điểm dân cư tập trung, khu vực đầu mối giao thông, cảng đường thủy... Những hạ tầng mới hứa hẹn sẽ tiếp tục tạo đột phá cho sự phát triển KT-XH của huyện trong thời gian tới.
Thu Trang