Cựu chiến binh xã Kim Bôi (Kim Bôi) trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình.
Đồng chí Bùi Văn Mến, Chủ tịch Hội CCB huyện chia sẻ: "Cho đến thời điểm hiện tại, chúng tôi có thể tự hào rằng, ở đâu có mô hình kinh tế tiêu biểu, ở đó có hội viên CCB, nơi nào thắp sáng tinh thần "tương thân, tương ái”, nơi đó có sự tham gia tích cực của những người lính cựu…”. Theo đó, phong trào thi đua "CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” luôn được đẩy mạnh. Đến nay, các cơ sở Hội CCB trong toàn huyện đã thành lập và duy trì 16 câu lạc bộ (CLB) giúp nhau giảm nghèo.
Để luôn thắp sáng phong trào thi đua "CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, Hội CCB huyện phát động và duy trì tốt các phong trào phụ trợ, đó là: "Xoá nhà tạm” giúp hội viên cải thiện cuộc sống; "Ngày vì đồng đội” hội viên giúp nhau về cơ sở vật chất, công việc hàng ngày ở khu dân cư, đặc biệt là hộ hội viên khó khăn, hộ chính sách; "Xoá bỏ vườn tạp” giúp hội viên đổi mới cách làm, lựa chọn cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với mô hình "Nhà sạch vườn đẹp”. Đồng thời, phát động, duy trì phong trào "Quỹ tấm lòng vàng” để hội viên hỗ trợ nhau về vốn, cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật thâm canh, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, Hội CCB từ cấp huyện tới cơ sở đã khai thác hiệu quả các nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng CSXH huyện, quỹ Hội… cho hội viên vay lãi suất thấp để phát triển kinh tế. Tổ chức cho hội viên đi thăm quan, học tập các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, có thu nhập cao trong và ngoài huyện… Từ sự hỗ trợ này đã khơi dậy tinh thần "tương thân, tương ái” của những người đồng chí, đồng đội, quyết chí, đồng lòng thực hiện mục tiêu "xưa thắng giặc, nay thắng nghèo". Hiện, toàn huyện có 505 mô hình trồng cây ăn quả, cây lấy hạt; trên 220 mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm; 15 mô hình vườn, ao, chuồng; 17 mô hình cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; 20 mô hình nuôi ong lấy mật thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/ năm… của hội viên CBB. Có 4 doanh nghiệp nhỏ và vừa; 6 HTX; 13 trang trại; 144 gia trại… do hội viên CCB làm chủ. Ở nhiều cơ sở hội, các hội viên đã đi đầu, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế, điển hình như các hội viên: Bạch Công Thành, Phạm Văn Nghĩa, Bùi Văn Hiệp - xã Hùng Sơn phát triển mô hình trồng bưởi, cây dược liệu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm; Bùi Văn Lực, Bùi Thế Hệ, Bùi Sơn Chiến - xã Xuân Thủy đi đầu trong phát triển cây nhãn, bưởi, thu nhập từ 100 - 500 triệu đồng/năm; Bùi Văn Niết, Lê Tiến Lộc, Bùi Xuân Hoàn, Bùi Văn Tường… ở các xã: Kim Lập, Nam Thượng, Mỵ Hòa, Sào Báy… phát triển trồng cam, bí xanh, dưa các loại và chăn nuôi cho thu nhập từ 100 - 800 triệu đồng/năm.
Khi phong trào "CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” được lan tỏa thì những người lính cựu ở huyện Kim Bôi đã bước đi nhanh hơn trên con đường vượt đói, thắng nghèo. Đến nay, số hộ hội viên CCB làm kinh tế giỏi chiếm 82%, hộ hội viên có mức sống khá chiếm 53%, số hộ có mức sống trung bình 31%, hộ hội viên nghèo giảm còn 4%, tương ứng với 310 hội viên.
Để tiếp tục tạo dấu ấn sắc nét trên lộ trình giảm nghèo cho hội viên nói riêng, chương trình giảm nghèo bền vững của huyện nói chung, Hội CCB huyện đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu: Hàng năm xây dựng quỹ "Nghĩa tình đồng đội” đạt từ 70 - 80 triệu đồng để nâng cấp 3 - 4 nhà tạm mỗi năm; khai thác từ 4 - 5 tỷ đồng từ các kênh cho hội viên vay phát triển kinh tế; xây dựng, nhân rộng mô hình trang trại, gia trại, hộ làm kinh tế giỏi ở cơ sở để nâng hộ khá, giàu từ 53,5 - 60% hộ hội viên/năm…
Thúy Hằng
(Hội Nhà báo tỉnh)