(HBĐT) - Trong những năm qua, phong trào thi đua "Cựu chiến binh (CCB) giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” được cán bộ, hội viên, CCB huyện Kim Bôi tích cực hưởng ứng, đạt được những kết quả toàn diện, thiết thực.
Có dịp cùng Hội CCB tỉnh thăm mô hình CCB làm kinh tế giỏi tại huyện Kim Bôi, với mô hình phát triển kinh tế từ chăn nuôi, trồng cây ăn quả, dịch vụ tổng hợp của CCB Nguyễn Văn Thập (xã Vĩnh Tiến), tổng doanh thu ước đạt khoảng 3,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 28 lao động và mô hình HTX dịch vụ tổng hợp Huy Chỉ của CCB Bùi Văn Hiệp (xã Hùng Sơn), doanh thu hàng năm 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động. Tại chương trình, các CCB chia sẻ kinh nghiệm, truyền lửa quyết tâm phát triển kinh tế và làm giàu.
Đồng chí Bùi Văn Mến, Chủ tịch Hội CCB huyện Kim Bôi cho biết: Hội CCB huyện hiện có 17 Hội cấp xã, 2 đơn vị khối với tổng số 6.725 hội viên. Trong những năm qua, hội viên CCB đã có những đóng góp tích cực trong thực hiện giảm nghèo, phát triển kinh tế ở địa phương. Các CCB luôn phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, tiên phong, đi đầu trong các phong trào phát triển KT-XH, gìn giữ an ninh, trật tự ở cơ sở. Hội luôn bám nắm cơ sở, kịp thời phát hiện những mô hình hay, cách làm mới để triển khai nhân rộng.
Hàng năm, Hội CCB huyện bám sát nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện và Hội CCB tỉnh, từ đó ban hành hướng dẫn, chỉ đạo cơ sở Hội phát động phong trào "CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” giai đoạn 2021 - 2026. Theo đó, phát động mỗi xã, thị trấn có từ 10 - 15 mô hình làm kinh tế giỏi và từ 2 mô hình phát triển kinh tế mới trở lên. Để hỗ trợ CCB làm kinh tế giỏi, Hội CCB các cấp tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo cho cán bộ, hội viên về giảm nghèo; tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm của các tập thể, cá nhân làm kinh tế giỏi; trao đổi kinh nghiệm trong chỉ đạo và thực hiện phong trào có sức lan tỏa rộng khắp. Hiện, toàn huyện có 250 mô hình trồng cây ăn quả, trồng cây lấy hạt; 14 mô hình SX-KD dịch vụ; 95 mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm; 15 mô hình VAC; 17 mô hình vườn ươm và trồng cây công nghiệp; 20 mô hình nuôi ong lấy mật thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, có 4 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 3 HTX, 7 tổ hợp tác, 22 trang trại, 150 gia trại của CCB thu hút trên 600 lao động, cho thu nhập hàng năm từ 200 triệu đến hàng tỷ đồng.
Các mô hình kinh tế do CCB làm chủ đa dạng, phong phú đã giúp CCB nghèo, hộ nghèo thoát nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đóng góp không nhỏ vào an sinh xã hội, quỹ từ thiện, nhân đạo, tri ân đồng đội. Điển hình là các mô hình kinh tế hiệu quả, vươn lên làm giàu của các hội viên: Nguyễn Văn Thập, Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB huyện; Bùi Văn Hiệp, Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Duy Chỉ, xã Hùng Sơn; Lê Tiến Lộc, xã Nam Thượng; Bùi Văn Bảnh, xã Hợp Tiến… Hiện, toàn huyện có 3.845 hộ CCB khá giàu, chiếm 60,7%.
Đồng chí Chủ tịch Hội CCB huyện chia sẻ thêm: Để giúp hội viên CCB làm kinh tế giỏi, Hội đã tạo điều kiện cho 1.773 hội viên được tiếp cận vốn vay ưu đãi như: vốn quốc gia giải quyết việc làm (vốn 120); vốn tín dụng ưu đãi Ngân hàng CSXH; quỹ nội bộ của Hội hỗ trợ phát triển kinh tế. Tổng dư nợ các nguồn vốn trên 94 tỷ đồng.
Phong trào CCB thi đua làm kinh tế giỏi đã góp phần thúc đẩy thực hiện các phong trào, cuộc vận động sôi nổi, tăng cường đoàn kết, gắn bó tình đồng đội, chăm lo các đối tượng chính sách, hoạt động tình nghĩa và xây dựng Hội TS-VM. Hàng năm, CCB tích cực góp công sức, tiền của xây dựng NTM với 3.470 ngày công lao động, trị giá trên 867 triệu đồng; có trên 40 hội viên hiến 2.000 m2 đất làm đường GTNT và các công trình phúc lợi; xây dựng mô hình nhà sạch, vườn đẹp, đoạn đường NTM CCB tự quản; các cơ sở Hội trồng trên 5 km đường cây, đường hoa CCB… Ngoài ra đóng góp các loại quỹ ủng hộ trên 130 triệu đồng; xây nhà nghĩa tình đồng đội…
Hồng Duyên