Những năm qua, Báo Hòa Bình đã nỗ lực đổi mới nội dung và hình thức, được đông đảo bạn đọc đón nhận. Ảnh chụp tại xã Xăm Khòe (Mai Châu).
Với điều kiện về địa hình, phân bố dân cư, truyền thống lịch sử từ xa xưa, đồng bào DTTS của tỉnh chủ yếu sinh sống ở vùng núi, vùng sâu, xa, vùng ĐBKK, khu vực có diện tích tự nhiên rộng nhưng bị chia cắt bởi đồi, núi, sông, suối, giao thông nhiều nơi khó khăn, điều kiện phát triển KT-XH hạn chế. Xuất phát từ thực tế này, với mong muốn đưa thông tin của tỉnh cũng như trong nước và thế giới đến cán bộ, đảng viên, vùng DTTS và các đối tượng thụ hưởng được chính xác, kịp thời, toàn diện, Đảng ủy, Ban Biên tập Báo Hòa Bình đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh và tích cực phối hợp một số sở, ngành chức năng thực hiện chính sách cấp báo không thu tiền với mong muốn góp phần vào phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, giữ vững QP-AN trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, thực hiện Quyết định số 743/QĐ-UBND, ngày 12/6/2012 của UBND tỉnh về tạm ứng ngân sách thực hiện cấp báo, từ tháng 6/2012 đến nay, Ban Dân tộc tỉnh và Báo Hoà Bình đã phối hợp thực hiện cấp báo cho người có uy tín (NCUT) trên địa bàn tỉnh. Qua hoạt động này nhằm góp phần tích cực vận động NCUT phát huy vai trò, trách nhiệm trong cộng đồng dân cư, dòng họ và đời sống xã hội.
Đã thành nếp quen, hầu như ngày nào ông Đinh Vinh Khuyến, NCUT ở xóm Tình, xã Tú Lý (Đà Bắc) cũng dành thời gian đọc Báo Hòa Bình, bởi với ông đọc báo là món ăn tinh thần không thể thiếu. Ông Khuyến chia sẻ: Tôi thường xuyên nhận được Báo Hòa Bình. Qua báo Đảng địa phương, tôi nắm bắt kịp thời, đầy đủ thông tin thời sự trong tỉnh; các chủ trương, đường lối, định hướng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh trên các lĩnh vực. Đồng thời, tôi cũng biết thêm nhiều điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu, những cách làm hay, mô hình hiệu quả trên các mặt đời sống xã hội, nhất là trong phát triển kinh tế, giữ gìn ANTT ở cơ sở để từ đó tuyên truyền, vận động gia đình, bà con xóm giềng học hỏi, làm theo.
Hiện, toàn tỉnh có gần 1.280 NCUT. Họ là những Bí thư chi bộ, Trưởng thôn bản, già làng, cán bộ từng công tác đã về hưu, nhà giáo về hưu, thầy thuốc, người sản xuất giỏi và các thành phần khác là đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Mỗi NCUT được xem là một tuyên truyền viên tích cực, là cánh tay nối dài của cấp ủy, chính quyền cơ sở. Chính vì vậy, việc đưa báo Đảng địa phương đến với họ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Năm 2021, Ban Dân tộc, Báo Hòa Bình và Bưu điện tỉnh đã phối hợp thực hiện cấp phát 381.084 tờ Báo Hoà Bình; 6 tháng đầu năm 2022 cấp phát 186.447 tờ báo đến NCUT. Qua hoạt động này cùng với thực hiện các chính sách khác đã động viên và tạo điều kiện cho NCUT phát huy vai trò trong các hoạt động tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần giữ vững ANCT - TTATXH trênđịa bàn.
Ông Đinh Vinh Khuyến, người có uy tín ở xóm Tình, xã Tú Lý (Đà Bắc) thường xuyên cập nhật thông tin trên Báo Hòa Bình.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, thực hiện cấp Báo Hòa Bình đến NCUT cũng như chính sách cấp các loại báo, tạp chí cho vùng DTTS&MN, vùng ĐBKK với những nội dung phù hợp, hữu ích đối với phát triển KT-XH, chính sách dân tộc, giúp đồng bào tiếp cận tiến bộ KHKT, mô hình sản xuất hiệu quả, những tấm gương người tốt - việc tốt qua các phong trào, cuộc vận động, cũng như giúp người dân nâng cao ý thức cảnh giác, không nghe theo kẻ xấu... Từ đó góp phần nâng cao trình độ dân trí, củng cố niềm tin của đồng bào các DTTS đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh đó, qua được gặp gỡ, trao đổi với nhiều NCUT, hay già làng, trưởng bản tại một số địa phương, nhiều người đã chia sẻ: Từ chủ trương "cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS&MN, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2019 - 2021” trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 45/QĐ-TTg, ngày 9/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ và việc được cấp Báo Hòa Bình đã giúp đồng bào DTTS được cập nhật thông tin, nhất là học hỏi các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp hiệu quả để vận dụng vào phát triển kinh tế gia đình nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu thập cho người dân. Đồng thời, giúp đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nêu cao tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, cùng góp công, góp của xây dựng nông thôn mới; tham gia giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Qua những thông tin phản ánh trên báo cũng giúp đồng bào các dân tộc trong tỉnh đề cao tinh thần cảnh giác, đoàn kết đấu tranh với âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch; tích cực, chủ động phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội để cùng giữ gìn vững chắc an ninh trật tự ở cơ sở.
Những năm qua, không chỉ thực hiện cấp báo cho NCUT, Báo Hòa Bình đã triển khai hiệu quả việc cấp báo không thu tiền cho 5 tổ chức chính trị - xã hội ở các xã vùng ĐBKK. Đồng thời, cấp báo cho 189 điểm Bưu điện văn hóa xã, mỗi điểm 2 tờ/số. Ngoài ra, Báo Hòa Bình đã cấp báo đến các đồng chí tham gia BCH Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ. Được sự đồng ý của BTV Tỉnh ủy, từ ngày 1/1/2023, Báo Hòa Bình sẽ thực hiện cấp báo miễn phí cho các đảng viên đã được trao huy hiệu từ 50 năm tuổi Đảng trở lên.
Với sứ mệnh là cầu nối thông tin giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân các dân tộc trong tỉnh; truyền tải kịp thời, chính xác chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh; cung cấp thông tin chính thống, kịp thời định hướng dư luận với những vấn đề còn gây hoang mang, bức xúc trong Nhân dân... Báo Hòa Bình đã góp phần tích cực vào sự phát triển KT-XH, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh...
Bình Giang
NHÓM Ý KIẾN
* Đổi mới nội dung, cung cấp nhiều thông tin gần gũi với đồng bào dân tộc
Hàng A Chống
Người có uy tín xóm Pà Cò 1, xã Pà Cò (Mai Châu)
Những năm qua, tôi được thụ hưởng chính sách cấp Báo Hòa Bình cho người có uy tín, qua đây đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc phát huy vai trò của người có uy tín đối với cộng đồng. Những thông tin, kiến thức được tiếp cận qua tờ báo, nhất là từ những mô hình phát triển kinh tế, gương người tốt - việc tốt, những cách sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp, giữ gìn ANTT…, tôi đã vận động gia đình, hàng xóm làm theo. Qua các cuộc họp xóm, tôi cũng tuyên truyền để bà con hiểu được cái đúng, biết đến cái hay để tích cực đóng góp xây dựng xóm, xã đổi mới, đẩy lùi đói nghèo, nhất là hủ tục trong việc cưới, việc tang.
Xóm Pà Cò 1 có 68 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Cuộc sống của mỗi gia đình chủ yếu dựa sản xuất nông nghiệp. Chính từ các phương tiện thông tin đại chúng nói chung và Báo Hòa Bình nói riêng đã góp phần giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế, từ đó cuộc sống tiến bộ hơn. Được nắm bắt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đã giúp bà con nhiệt tình tham gia phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, phòng, chống và tố giác các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy. Các hộ cũng có ý thức bảo vệ môi trường nông thôn; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc… góp phần xây dựng nếp sống văn minh. Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn tờ Báo Hòa Bình có thêm nhiều nội dung hấp dẫn, gần gũi với bà con vùng cao.
* Mong muốn có thêm thông tin đa dạng, thiết thực với đời sống xã hội
Nguyễn Thị Diện
Người có uy tín Tổ dân phố số 8, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình)
Sau khi xã Thống Nhất chuyển lên thành đơn vị hành chính cấp phường, xóm Đồng Gạo trở thành Tổ dân phố số 8. Tổ có khoảng 70% là người dân tộc Mường. Được tín nhiệm bầu chọn là người có uy tín, tôi luôn xác định phải làm sao để không phụ sự tin tưởng, tín nhiệm của bà con và cấp ủy, chính quyền địa phương. Muốn vậy, bản thân phải có kiến thức, sự hiểu biết về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về công tác dân tộc và các chính sách dân tộc để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt.
Do đó, ngoài kiến thức được tiếp nhận qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tôi luôn tích cực tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó Báo Hòa Bình là một kênh thông tin hữu ích. Hàng ngày, tôi đều có Báo Hòa Bình nên đã được nắm bắt các tin tức của tỉnh; công tác chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trên các lĩnh vực công tác. Báo có nhiều chuyên mục, bài viết phù hợp với nhu cầu thông tin của đồng bào DTTS. Nhất là thời gian qua đã tuyên truyền nhiều về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; việc triển khai các chương trình, dự án nhằm phát triển KT-XH; chăm lo đời sống đồng bào vùng dân tộc; công tác phòng, chống dịch Covid-19… Qua những thông tin từ Báo Hòa Bình, tôi đã tuyên truyền, vân động bà con làm theo, góp phần xây dựng cuộc sống mới ấm no.
Tôi mong muốn Báo Hòa Bình sẽ có nhiều đổi mới về nội dung và hình thức hơn nữa, cung cấp thông tin đa dạng, nhiều chiều, thiết thực với đời sống của người dân. Đặc biệt là báo tuyên truyền nhiều hơn các chủ trương, chính sách của T.Ư, của tỉnh đối với vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh…
* Góp phần thúc đẩy khởi nghiệp trong thanh niên
Bùi Thị Duyên
Bí thư Đoàn Thanh niên xã Gia Mô (Tân Lạc)
Là xã vùng sâu còn nhiều khó khăn, những năm qua, số lượng đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn xã Gia Mô đi làm ăn xa rất đông. Tuy nhiên, cũng có những thanh niên mạnh dạn vay vốn để xây dựng mô hình kinh tế trên mảnh đất của quê hương. Thời gian qua, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó có Báo Hòa Bình đã giúp ĐVTN trong xã tiếp cận được các kiến thức, thông tin để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chúng tôi ấn tượng với các bài viết về gương ĐVTN tiêu biểu trong phong trào khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đó là những tấm gương để tuổi trẻ trên địa bàn xã học tập, noi theo. Những kinh nghiệm được chia sẻ trong các bài viết đăng tải trên Báo Hòa Bình là nguồn tư liệu quý để thanh niên trau dồi kiến thức. Đồng thời, những tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế sẽ góp phần tạo động lực thúc đẩy ý chí khởi nghiệp, phát triển kinh tế trong ĐVTN trên địa bàn.
Chúng tôi mong muốn, trong thời gian tới, Báo Hòa Bình tiếp tục đăng tải nhiều mô hình tốt, cách làm hay, gương ĐVTN điển hình ở các địa phương trên địa bàn tỉnh để lan tỏa ý chí khởi nghiệp, vươn lên khó khăn của tuổi trẻ xã Gia Mô cũng như trên địa bàn tỉnh.