Công chức địa chính xã Phong Phú (Tân Lạc) ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ.
Tại huyện Lạc Sơn, CCĐC xã Chí Đạo và Tân Mỹ được giao kiêm nhiệm chức danh văn hoá - xã hội. Xã Tân Pheo, Tiền Phong (Đà Bắc), CCĐC giao kiêm nhiệm phụ trách mảng xây dựng nông thôn mới; phòng cháy chữa cháy rừng, giao thông, thủy lợi do cán bộ giao thông thủy lợi bị cắt giảm theo quy định. Đối với một số xã của huyện Cao Phong, một số công chức hiện đảm nhiệm chức danh CCĐC nông nghiệp kinh tế trước đây là Phó trưởng Công an xã được tuyển dụng theo Nghị quyết HĐND tỉnh, sau khi có Công an chính quy về công tác đã được điều động sang đảm nhiệm chức danh CCĐC, đồng thời một số trường hợp có bằng liên quan đến nông nghiệp cũng được điều động đảm nhiệm lĩnh vực nông nghiệp môi trường…
CCĐC xã Vĩnh Đồng (Kim Bôi) Bùi Văn Thành chia sẻ: Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cán bộ, CCĐC xã, phường là tham mưu, giúp UBND cùng cấp quản lý các lĩnh vực: đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng, đô thị, giao thông, nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo quy định pháp luật. Lĩnh vực tài nguyên - môi trường hết sức nhạy cảm, phức tạp, công việc được giao để xử lý về đất đai nhiều mà CCĐC xã chỉ có 2 người, trong khi đó vừa phải thực hiện trực tại bộ phận một cửa, vừa phải xử lý chuyên môn ở cơ quan và thực địa. Do đó, chúng tôi phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Theo thống kê, toàn tỉnh có 271 CCĐC có trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên, CCĐC chưa có phòng làm việc riêng mà làm việc tại bộ phận một cửa của UBND xã, phường. Tính đến thời điểm hiện tại, số CCĐC còn dôi dư phải sắp xếp, tinh giản theo quy định là 24 người (TP Hòa Bình 12 người, huyện Mai Châu 12 người).
Về cơ bản, đội ngũ công chức làm công tác địa chính cấp xã của tỉnh đã, đang được nâng cao về năng lực. Phần lớn đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã vận dụng kiến thức chuyên môn được đào tạo vào việc triển khai các văn bản, quy định của Nhà nước trong xử lý công việc và ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, công việc của CCĐC ở cơ sở gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như việc chuyển đổi vị trí công tác theo định kỳ, các CCĐC xã phải mất khoảng 2 năm hoặc hơn mới am hiểu và nắm rõ địa bàn. Đến lúc vững kiến thức, chuyên môn lại đến thời hạn luân chuyển. Việc luân chuyển cũng ảnh hưởng đến quy hoạch nhân sự tại địa phương. Ngoài ra, một số cán bộ, công chức thiếu kinh nghiệm thực tiễn, triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao còn chậm, chưa chủ động, công tác tham mưu có lúc chưa nhanh nhạy, hiệu quả chưa cao; việc phối hợp giữa các cấp, các bộ phận trong thực thi công vụ có lúc, có nơi chưa chặt chẽ; một bộ phận cán bộ, công chức còn có biểu hiện gây phiền hà cho tổ chức, người dân trong giải quyết công việc.
Đồng chí Nguyễn Trần Anh, Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Trước thực trạng CCĐC cấp xã trên địa bàn tỉnh, Sở đề nghị Tổng cục Quản lý đất đai tăng số lượng CCĐC ở mỗi phường, xã để mỗi đơn vị phải có ít nhất 2 người. Đồng thời, kéo dài thời gian luân chuyển công chức theo hạn định. Tạo điều kiện để cán bộ, công chức có nhu cầu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ nhưng không nằm trong diện được cử đi học hay cấp kinh phí đào tạo cần có chính sách linh động, tạo điều kiện hỗ trợ về thời gian giúp họ có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn. Đồng thời, trang bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cán bộ, công chức cấp xã để giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ và phục người dân ngày càng tốt hơn. Ngoài ra, cần có các giải pháp không cho CCĐC kiêm nhiệm các nhiệm vụ khác để hoàn thành tốt công việc chuyên môn.
Đinh Thắng