(HBĐT) - Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của BCH T.Ư Đảng đã được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện, đó là sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Cụ thể là rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong của các sở, ngành theo hướng tinh gọn đầu mối, cắt giảm số lượng, sắp xếp lại phòng, chi cục, trung tâm, ban quản lý dự án và đơn vị sự nghiệp thuộc sở, ngành.


Sau sắp xếp, tinh gọn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) giảm từ 4 phòng, 1 trạm còn 2 phòng, 1 trạm và duy trì hoạt động hiệu quả.

Thực tế triển khai cho thấy, việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là việc khó, bởi làm sao số lượng giảm nhưng chất lượng, hiệu quả hoạt động phải tăng, phải được nâng lên. Việc này còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo sau khi sắp xếp lại. Điều đó đòi hỏi cấp uỷ, tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức để có sự đồng thuận trong thực hiện nghị quyết. Từng cơ quan, đơn vị phải có phương án cụ thể, khoa học và trách nhiệm; thực hiện tốt quy chế dân chủ, bàn bạc công khai về kế hoạch sắp xếp tổ chức bộ máy của cơ quan, đơn vị để mỗi cán bộ biết và cùng thực hiện trên cơ sở xuất phát từ lợi ích chung, căn cứ vị trí việc làm và căn cứ vào sự đánh giá đúng cán bộ. Cùng với sắp xếp tinh giản là vận dụng linh hoạt các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ, công chức làm sao để người được tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo phấn khởi và người phải giảm yên tâm công tác.

Trước tiên, các cơ quan tham mưu chuyên trách, giúp việc Tỉnh uỷ đã tiên phong trong việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị trực thuộc, thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng sau sắp xếp. Để thực hiện sắp xếp tổ chức lại các đơn vị trực thuộc, tối thiểu có 5 người mới lập một đầu mối (phòng và tương đương); phòng dưới 10 người được bố trí 1 trưởng phòng và 1 phó trưởng phòng; có từ 10 người trở lên được bố trí không quá 2 phó trưởng phòng. Có nghĩa là phải giải quyết bài toán giảm 25 lãnh đạo (từ 64 người còn 39); trong đó cấp trưởng giảm 12; cấp phó giảm 13. Với quyết tâm chính trị cao, các cơ quan thực hiện quy trình sắp xếp cán bộ theo hướng: lấy phiếu tín nhiệm để lựa chọn; trước khi lấy phiếu tín nhiệm tập thể, lãnh đạo cấp uỷ phải phân tích, đánh giá đúng năng lực, làm rõ mặt mạnh, mặt yếu của từng người... để tổ chức hội nghị lấy phiếu tín nhiệm. Trên cơ sở vận dụng linh hoạt, đúng quy định của Đảng, thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng sau sắp xếp không được xem xét, lựa chọn bổ nhiệm cấp trưởng, hoặc cấp phó thì ra quyết định cho thôi giữ chức vụ.

Tiếp sau các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy, các sở, ngành khẩn trương thực hiện việc sắp xếp. Để triển khai có hiệu quả việc tinh gọn đầu mối, UBND tỉnh đã rà soát, xây dựng đề án sắp xếp, tái cơ cấu công chức bên trong của các sở, ban, ngành theo hướng tinh gọn đầu mối, kiên quyết cắt giảm số lượng, sắp xếp lại phòng, chi cục. Tổng số sở, ngành và tương đương thuộc UBND tỉnh là 19 tổ chức với 158 đầu mối (144 phòng, ban; 14 chi cục) đã được sắp xếp giảm 1 sở (Sở Ngoại vụ), 25 phòng thuộc sở, 3 chi cục và tương đương, 38 phòng và tương đương thuộc chi cục. Số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện là 130 phòng, đã sắp xếp giảm được 21 phòng. Từ đó đã giảm được 178 lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện.

Ngoài ra, điểm nổi bật trong công tác tinh gọn đầu mối phải kể đến việc tỉnh đã hoàn thành việc sắp xếp lại các Ban quản lý dự án cấp tỉnh, cấp huyện. Sau khi sắp xếp lại, cấp tỉnh có 3 Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành trực thuộc UBND tỉnh; 2 Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành và 1 Ban quản lý dự án ODA trực thuộc sở. Như vậy, ở cấp tỉnh, sở đã giảm được 26 ban. Ở cấp huyện hiện còn 10 Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng (mỗi huyện còn 1 ban), giảm 119 ban so với trước đây. Như vậy, tính đến ngày 31/8/2022, toàn tỉnh chỉ còn 16 Ban quản lý dự án. Đây được đánh giá là một bước đột phá quan trọng để tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động cũng như cải cách hành chính.

Việc hợp nhất, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập được quan tâm triển khai. Trước đây, toàn tỉnh có 920 đơn vị sự nghiệp công lập; sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn, hiện toàn tỉnh còn 661 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 259 đơn vị so với năm 2015. Thực hiện cổ phần hóa 2 đơn vị, có 18 đơn vị sự nghiệp ngoài công lập. Các đơn vị sau kiện toàn, sắp xếp đã đi vào hoạt động ổn định, đảm bảo lộ trình, kế hoạch đề ra. Từng bước thực hiện tự chủ về tài chính, giảm chi ngân sách Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá: Tổ chức, bộ máy các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở đã được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian. Đảm bảo thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, góp phần cải cách hành chính. Quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với rà soát, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và quy chế làm việc; gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đảm bảo hoạt động ổn định, hiệu quả của các tổ chức, đơn vị sau sắp xếp. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc triển khai thực hiện. Chưa chủ động sắp xếp, kiện toàn lại chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị theo quy định, hướng dẫn của T.Ư và chỉ đạo của tỉnh. Một số cơ quan, đơn vị còn thiếu giải pháp tích cực để tinh giản biên chế đối với những cán bộ, công chức, viên chức hạn chế về trình độ, năng lực; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự hiệu quả.

 

 Dương Liễu


Các tin khác


Kỷ niệm 77 năm Quốc khánh Việt Nam tại Lào

Tối 2/9, tại thủ đô Vientiane (Lào), Đại sứ quán Việt Nam tại Lào tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quan tâm chăm lo đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn

Ngày 2/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Gặp mặt kỷ niệm 77 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2022) tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ban Thường vụ Huyện ủy Đại Lộc qua các thời kỳ.

Ký ức một thới làm Báo Hòa Bình

(HBĐT) - Mới đó mà đã 60 năm kỷ niệm ngày Báo Hòa Bình xuất bản số đầu. Tôi thuộc thế hệ những người làm Báo Hòa Bình từ năm 1970. Trong ký ức, kỷ niệm về một thời làm báo Hòa Bình thì nhiều. Báo Hòa Bình, rồi Báo Hà Sơn Bình và Báo Hòa Bình. Kỷ niệm sâu sắc nhất là thời kỳ mới tái lập tỉnh, tái lập Báo Hòa Bình năm 1991.

Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 - giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại

(HBĐT) - Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Tinh thần mùa thu Cách mạng đồng hành xây dựng tỉnh nhà giàu mạnh, hạnh phúc

(HBĐT) - Cách đây 77 năm, sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trọng thể đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Thư chúc mừng của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long gửi Báo Hòa Bình nhân kỷ niệm 60 năm ngày xuất bản số đầu

(HBĐT) - LTS: Nhân kỷ niệm 60 năm ngày Báo Hòa Bình xuất bản số đầu (2/9/1962 - 2/9/2022), ngày 4/8/2022, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy gửi thư chúc mừng các thế hệ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên và bạn đọc của Báo. Báo Hòa Bình trân trọng đăng toàn văn thư chúc mừng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục