Sáng 9/5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 23. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội luân phiên điều hành Phiên họp.
Chủ tịch
Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Phiên họp thường kỳ lần
thứ 23 - phiên họp tháng Năm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phiên họp cuối
cùng để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, dự kiến sẽ khai mạc ngày 22/5.
Dự kiến, phiên họp kéo dài trong 4 ngày làm việc từ 9 -12/5. Ủy ban Thường vụ
Quốc hội sẽ xem xét và cho ý kiến đối với 13 nội dung lớn dự kiến trình Quốc
hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 5.
Cho ý kiến về ba dự án luật và hai dự thảo nghị quyết
Về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về
ba dự án luật và hai dự thảo nghị quyết của Quốc hội; xem xét đề nghị xây dựng
dự án Luật Chuyển đổi giới tính.
Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), sau khi Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại
Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết để Chính phủ và các cơ
quan, tổ chức hữu quan tổ chức lấy ý kiến của nhân dân về dự án Luật rất quan
trọng này. Theo Báo cáo của Chính phủ và các cơ quan hữu quan, đã có trên 12
triệu lượt ý kiến của nhân dân đóng góp về dự án luật. Dự kiến tại Phiên họp
này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành 1/2 ngày làm việc để tiếp tục cho ý kiến
đối với dự án Luật này.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung quan
tâm cho ý kiến những nội dung lớn như: chủ trương thể chế hóa Nghị quyết
18-NQ/TW về các chính sách pháp luật về đất đai hiện nay; một số vấn đề lớn,
khó về tài chính đất đai và phương pháp định giá đất. Quy định như thế nào để
đảm bảo tính khả thi và khi ban hành ra có thể vận hành được. Dự thảo luật này
liên quan đến khoảng 100 dự án luật khác, trực tiếp là 22 dự án luật, trong đó
có một số dự án luật được trình để xem xét quyết định tại kỳ họp này hoặc cho ý
kiến lần đầu vào kỳ họp sau như dự án Luật Nhà ở, dự án Luật Đấu thầu (sửa
đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị dự án
luật này phải được xem xét tại kỳ họp này, quyết định tại kỳ họp sau để có hiệu
lực từ 1/1/2024 nhằm tránh khoảng trống pháp luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu cho ý kiến về sự cần thiết sửa đổi, bổ
sung các nội dung căn cứ vào thực tiễn hoạt động của các ngân hàng thương mại,
các tổ chức tín dụng hiện nay, việc tái cơ cấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu
kém, xử lý nợ xấu, xử lý tình trạng sở hữu chéo; quản lý tài sản đảm bảo; quy
trình thanh tra, kiểm tra, giám sát; những nội dung cần luật hóa trong Nghị
quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng…
Về dự án
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân
Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài
tại Việt Nam. Đây là một dự án luật sửa đổi, bổ sung hai luật, liên quan đến
thủ tục visa, nhất là cho công dân Việt Nam và công dân nước ngoài. Đây là dự
án được trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài, các nước cũng rất quan tâm, dự
kiến trình Quốc hội xem xét thông qua theo thể thức rút gọn, trình và xem xét
tại một kỳ họp nên càng phải được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan
đóng góp thêm ý kiến sâu về dự án luật này để hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm
nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh, đồng thời tạo
điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam ở nước ngoài xuất nhập cảnh vào Việt
Nam và công dân Việt Nam trong quan hệ với nước ngoài, vừa đảm bảo an ninh chủ
quyền quốc gia vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối
với ngành du lịch trong giai đoạn rất cần "cú hích” cho phục hồi và phát triển
trong giai đoạn hiện nay.
Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị
quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy
phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội
đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (đồng thời xem xét việc bổ sung vào Chương
trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023), nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ
chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn tại Kỳ họp
thứ 6 và Hội đồng nhân dân các cấp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm những chức danh
do Hội đồng nhân dân bầu phê chuẩn vào các kỳ họp cuối năm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí
điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Kỳ họp
vừa qua, Quốc hội đã có nghị quyết cho phép kéo dài thực hiện Nghị quyết số
54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển
Thành phố Hồ Chí Minh đến hết năm 2023; giao trách nhiệm cho Chính phủ trình
Quốc hội ban hành Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 trong thời gian sớm
nhất. Cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ phấn đấu trình Quốc hội xem
xét, quyết định Nghị quyết mới thay Nghị quyết 54 ngay tại Kỳ họp thứ 5. Nhấn
mạnh Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu, động lực phát triển, Chủ tịch Quốc hội
đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến về các chính sách cụ thể, chính sách
mới, các nhóm giải pháp.
Về đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính, Chủ tịch Quốc hội cho
biết, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp lần thứ 22,
đại biểu Quốc hội đã hoàn thiện hồ sơ và có Tờ trình mới đề nghị xây dựng dự án
Luật Chuyển đổi giới tính trước đây là tên mà đại biểu Nguyễn Anh Trí đề xuất là
Luật Bản dạng giới. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu xem xét, cho ý kiến
về hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật nêu trên, nhất là về sự cần thiết các
chính sách lớn và đánh giá tác động của chính sách được đề xuất để có quyết
định phù hợp, những sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội.
Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 6 Báo cáo,
gồm: Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế -
xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, triển khai thực hiện kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; Báo cáo quyết
toán ngân sách nhà nước năm 2021; Báo cáo tài chính nhà nước năm 2021; Báo cáo
kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Báo cáo tổng hợp ý kiến,
kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; Báo
cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri đã gửi đến
Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Về quyết định vấn đề quan trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến để
trình Quốc hội về việc xem xét tiếp tục phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và
vốn của chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Chuẩn bị kỹ lưỡng cho Kỳ họp thứ 5
Tại Phiên
họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp
thứ 5 của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự kiến kỳ họp tới chương trình
họp là rất nặng. tính riêng chương trình xây dựng luật và pháp lệnh có đến 20
dự án luật và dự thảo nghị quyết như luật. Do đó, cần phải có sự chuẩn bị rất
kỹ lưỡng, các cơ quan phải tập trung cao độ đảm bảo cho kỳ họp hoàn thành với
nội dung tốt nhất.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cho ý kiến đối với 3 nội dung
thuộc thẩm quyền, bao gồm: dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về
chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn
2023-2030 nhằm tiếp tục triển khai thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của
Đảng về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, bảo đảm tính
tổng thể, đồng bộ theo từng giai đoạn.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sử dụng kinh phí để mua bù
một số mặt hàng trong dự trữ quốc gia.
Theo thông lệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo công tác dân nguyện
Quốc hội tháng 4.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu kỹ
không chỉ lĩnh vực mình phụ trách mà còn góp ý cho cả những lĩnh vực liên quan.
Cơ quan hữu quan bám sát lịch trình, cung cấp tài liệu kịp thời, cử cán bộ có
trách nhiệm tham dự các cuộc họp để đảm bảo cho chất lượng của phiên họp đạt
kết quả tốt nhất.