Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả huyện Lạc Sơn bố trí công chức có đủ năng lực chuyên môn, khả năng giao tiếp tốt để cải thiện sự hài lòng của tổ chức, công dân đến giao dịch.
Qua kết quả phân tích từng thành phần DDCI, huyện có 3 chỉ số thành phần cao hơn so với bình quân chung cả tỉnh, gồm: chất lượng dịch vụ công và bộ phận một cửa; chi phí thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) và tuân thủ pháp luật; hiệu lực thực thi pháp luật, thiết chế pháp lý và ANTT. 6 chỉ số thành phần có điểm số thấp gồm: chi phí gia nhập thị trường và hoạt động cấp phép; tính minh bạch trong tiếp cận thông tin và đối xử công bằng; tính năng động của chính quyền địa phương; chi phí không chính thức; hỗ trợ SX-KD; tiếp cận đất đai và địa điểm kinh doanh.
Theo đồng chí Bùi Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện, chất lượng DDCI có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thân thiện, thúc đẩy các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn hoạt động SX-KD hiệu quả, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư có năng lực và góp phần tạo nguồn lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.
4 tháng đầu năm, nhằm cải thiện chất lượng DDCI, UBND huyện đã tiến hành kiểm tra, đánh giá thái độ và tinh thần làm việc của cán bộ, công chức (CB CC) khi tiếp xúc với doanh nghiệp, chấn chỉnh tác phong làm việc của từng CB,CC, tránh để xảy ra trường hợp gây nhũng nhiễu, phiền hà. Đồng thời, sắp xếp, bố trí cán bộ có năng lực chuyên môn, khả năng giao tiếp tốt làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện để tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đến giao dịch được thuận lợi; thực hiện nghiêm quy định về vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với CB,CC,VC; phát huy hiệu quả chính quyền điện tử, khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC qua mạng, cắt giảm tối đa thời gian giải quyết TTHC so với quy định.
Có thực tế là vấn đề cải thiện Chỉ số DDCI ở một số cơ quan, đơn vị, UBND xã, thị trấn chưa được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Trong cải cách TTHC, việc rà soát, cắt giảm TTHC chưa thực chất, sự phối hợp giữa cơ quan, đơn vị trong liên thông giải quyết TTHC, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh chưa kịp thời, thường xuyên; chất lượng thông tin, nhất là các quy hoạch, kế hoạch, các chính sách của T.Ư, của tỉnh chưa được đăng tải đầy đủ, kịp thời; việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết TTHC hiệu quả chưa cao, khả năng tiếp cận thông tin, trình độ, phương tiện, máy móc ứng dụng công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế…
Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện, để khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm nâng cao chỉ số DDCI năm 2023, các cơ quan, đơn vị, UBND xã, thị trấn tập trung thực hiện các giải pháp, trong đó, phòng Tài chính – Kế hoạch chủ trì phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan cải thiện chỉ số hỗ trợ SX-KD, phấn đấu từ xếp thứ 5 lên thứ bậc 4/10 huyện, thành phố; chi phí gia nhập thị trường và hoạt động cấp phép từ xếp thứ 9 lên thứ bậc 6/10 huyện, thành phố. Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai, bảo đảm cải thiện số điểm và thứ hạng từ xếp thứ 4 lên thứ bậc 3/10 huyện, thành phố. Phòng Nội vụ chủ trì phối hợp với các phòng, ban, ngành huyện, UBND các xã, thị trấn triển khai hiệu quả chỉ số tính năng động của chính quyền địa phương từ xếp thứ 6 lên thứ bậc 4/10 huyện, thành phố; chỉ số chi phí không chính thức từ xếp thứ 9 lên thứ bậc 6/10 huyện, thành phố.
Bùi Minh