(HBĐT) - Năm 2023 là năm thứ 5 toàn Đảng bộ tỉnh triển khai khâu đột phá thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Với tinh thần gương mẫu, quyết liệt, triệt để của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, việc thực hiện khâu đột phá đã tạo chuyển biến mạnh mẽ. Học tập, làm theo và nêu gương Bác đã trở thành việc làm thường xuyên của cấp ủy địa phương, cơ quan, đơn vị.




Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn huyện Kim Bôi, kịp thời nắm bắt tình hình, hỗ trợ địa phương tháo gỡ khó khăn. Ảnh: T.L

Quyết tâm từ khâu lãnh đạo, chỉ đạo

Triển khai khâu đột phá thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, tại Kế hoạch số 125, ngày 15/1/2018, BTV Tỉnh ủy đã xác định rõ nội dung cơ bản, trọng tâm, đó là: "Nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu cấp ủy, địa phương, đơn vị; thực hiện tốt đạo đức công vụ; xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tận tuỵ, liêm khiết, gần dân, trọng dân, hết lòng phục vụ Nhân dân.” Để tạo sự thống nhất, hiệu quả trong triển khai, thực hiện, BTV Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa nội dung Kế hoạch.

Điểm nhấn là Quy định số 34, ngày 28/01/2019 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh. BTV Tỉnh ủy yêu cầu, cấp ủy cấp dưới, căn cứ Quy định xây dựng quy định trách nhiệm nêu gương của cấp ủy viên, Ủy viên BTV cấp mình. 

Tỉnh ủy, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 166, ngày 17/8/2018 thực hiện Quy định 124 của Ban Bí thư về giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh; triển khai Kế hoạch 146 về tổ chức thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh năm 2018; ban hành Quy định số 13-QĐ/TU, ngày 4/1/2022 về quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý; ban hành Quy định số 26, ngày 14/12/2022 về quy định cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh theo dõi các xã, phường, thị trấn… Trong các văn bản đều quy định rõ cách thức, nội dung thực hiện. Qua đó, tạo sự thống nhất, minh bạch trong triển khai thực hiện khâu đột phá của toàn Đảng bộ.

Bám sát nội dung Kế hoạch số 125, căn cứ điều kiện thực tiễn, 100% cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện khâu đột phá gắn với giải quyết các vấn đề tồn đọng, phát sinh trên địa bàn. Điển hình như, BTV Huyện ủy Lạc Sơn, Lạc Thủy nhấn mạnh khâu đột phá về thực hiện công tác luân chuyển, điều động cán bộ; tăng cường công tác tuyên truyền miệng giải quyết những vấn đề nhạy cảm, những dự án đầu tư trọng điểm dễ phát sinh điểm nóng trên địa bàn; BTV Thành ủy Hòa Bình nhấn mạnh về vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý trật tự đô thị; Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh xác định khâu đột phá cần thực hiện về nâng cao đạo đức công vụ, thực hiện công tác dân vận chính quyền…
Đặc biệt, nêu gương trong thực hiện, với quan điểm "nói đi đôi với làm” hàng quý, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức giao ban chuyên đề. Nội dung các hội nghị giao ban tập trung vào những việc đang triển khai còn khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ; lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ việc bức xúc, nổi cộm, được dư luận quan tâm. Thực hiện Kế hoạch 125, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về việc triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Hòa Bình. Qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân…

Bước chuyển trong nhận thức và hành động

Năm 2021, huyện Mai Châu đứng thứ 4/9 huyện, thành phố về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện. Huyện đã đề ra mục tiêu tập trung đột phá vào công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Trực tiếp đồng chí Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Hoàn đã chỉ đạo, sâu sát quá trình thực hiện việc tiến hành tích hợp, kết nối Cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên địa bàn huyện; rà soát, cập nhật, đồng bộ dữ liệu phục vụ theo dõi, đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) nhằm đảm bảo việc cập nhật, đồng bộ dữ liệu đối với 3 nhóm tiêu chí, gồm: tiến độ giải quyết TTHC; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến; chất lượng cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến đạt hiệu quả cao. Bộ phận "Một cửa” huyện được tổ chức, hoạt động theo mô hình hiện đại với việc áp dụng toàn bộ quy trình tiếp nhận và trả kết quả thông qua các thiết bị điện tử và công nghệ thông tin chuyên ngành. Với cách làm đó, năm 2022, trên 95% người dân, tổ chức, doanh nghiệp đánh giá mức độ hài lòng khi thực hiện các giao dịch hành chính tại các cơ quan, công sở của huyện Mai Châu. Huyện vươn lên vị trí thứ 2 toàn tỉnh về thứ hạng và điểm số về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện.

Thực hiện số hóa hồ sơ trong tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết TTHC, 1 năm trở lại đây, chị Phùng Thị Hải, công chức tư pháp - hộ tịch xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) đã thực hiện nhập dữ liệu, scan giấy tờ chuyển lãnh đạo xã, phòng, ban của huyện giải quyết. Khi công dân đến Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của xã chỉ cần nhập dữ liệu và chờ kết quả. Với những thủ tục đơn giản, sẽ trả kết quả trong ngày, trong buổi, những thủ tục cần có cơ quan chức năng giải quyết chỉ cần đến Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của xã. Theo chị Hải, thời gian đầu thực hiện, việc số hóa hồ sơ TTHC tương đối khó khăn. Do chúng tôi vừa phải hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản, thực hiện các công đoạn số hóa, vừa phải bảo đảm trả kết quả đúng hẹn, trong khi vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ kiêm nhiệm. Chưa kể đến là việc trang thiết bị chưa được hoàn thiện, chuẩn hóa. Song để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và công tác lưu trữ văn bản của cơ quan Nhà nước, chúng tôi quyết tâm thực hiện, với tinh thần "việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm” như lời Bác Hồ dạy.

Có thể thấy, việc triển khai khâu đột phá trong thực hiện Chỉ thị số 05 đã tạo nên những chuyển biến rõ nét, nhất là trong đổi mới phương pháp, lề lối làm việc; nâng cao đạo đức công vụ. Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh đi vào hoạt động từ tháng 8/2017, đến nay đã tiếp nhận và xử lý hồ sơ, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 99%. 100% đơn vị cấp huyện có Bộ phận Một cửa hiện đại; 100% TTHC được chuẩn hóa, công khai, minh bạch. Cán bộ, công chức, viên chức thi hành công vụ với tinh thần "Làm hết việc chứ không làm hết giờ”, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo hiệu quả công việc. Điển hình như cán bộ, chiến sĩ phòng PC06 (Công an tỉnh), Công an các huyện và thành phố chủ động phối hợp với Bưu điện tỉnh chuyển phát 34.215 căn cước công dân đến tận tay công dân, đảm bảo rút ngắn thời gian đi lại, chờ đợi của công dân. Bên cạnh đó việc thực hiện khâu đột phá trong học tập và làm theo Bác đã góp phần khắc phục hạn chế, khó khăn, bức xúc, nổi cộm, điểm nghẽn… Đồng thời, khơi dậy và phát huy ý chí tự lực, tự cường để phát triển KT-XH của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.

Theo đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, để tiếp tục nâng cao hiệu quả việc triển khai khâu đột phá trong thực hiện Chỉ thị số 05, thời gian tới, ngoài các nội dung đột phá do ngành, địa phương lựa chọn thực hiện, BTV Tỉnh ủy sẽ lựa chọn, giao các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá cho từng Ban Cán sự, Đảng đoàn, các Huyện ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc để tổ chức thực hiện. Qua đó tạo chuyển biến thực chất trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, cấp ủy, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Minh Vũ

Các tin khác


Đảng bộ xã Tú Lý khẳng định vai trò lãnh đạo

Sau sáp nhập, xã Tú Lý có địa bàn rộng, dân số đông. Trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 - 2025, xã định hướng tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng; thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả để nâng cao thu nhập cho người dân và giảm nghèo bền vững. Để đạt được điều này, Đảng bộ xã xác định vai trò lãnh đạo của cấp ủy và sự tiên phong, gương mẫu của đảng viên là hết sức quan trọng.

Đại hội thi đua yêu nước "Cựu chiến binh gương mẫu" huyện Kim Bôi lần thứ VII

Ngày 26/4, Hội Cựu chiến binh huyện Kim Bôi tổ chức Đại hội thi đua yêu nước "Cựu chiến binh gương mẫu" lần thứ VII, giai đoạn 2019 - 2024.

Phát huy mạnh mẽ vai trò của các tầng lớp nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Sáng 26/4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo khoa học "Phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng (BVNTTT) của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay”.

Thông tin kỳ họp lần thứ 26 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy

Ngày 26/4, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy tiến hành kỳ họp lần thứ 26, khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy chủ trì kỳ họp. Tại kỳ họp, UBKT Tỉnh ủy đã xem xét, kết luận các nội dung:

Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tân Lạc lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Trong 2 ngày 25 - 26/4, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tân Lạc tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2024 – 2029. Đây là đơn vị được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chọn tổ chức Đại hội điểm cấp huyện. Đồng chí Bùi Tiến Lực, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vân Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh dự và chỉ đạo Đại hội.

Trung ương Đoàn triển khai quyết định về công tác cán bộ tại Tỉnh Đoàn Hòa Bình

Sáng 26/4, tại Tỉnh Đoàn Hòa Bình, T.Ư Đoàn tổ chức hội nghị triển khai công tác cán bộ. Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực BCH T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; Bùi Thị Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục