(HBĐT) - Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 04, ngày 1/8/2003 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam về tổ chức Ngày hội đại đoàn kết (ĐĐK) toàn dân tộc đã khẳng định là ngày hội lớn của toàn dân, góp phần củng cố và phát huy sức mạnh khối ĐĐK, tạo đồng thuận thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ từ mỗi khu dân cư (KDC), địa phương.
Vì ngày hội lớn của toàn dân
Vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống MTTQ Việt Nam hằng năm (18/11), các bản làng, thôn, xóm, tổ dân phố trong toàn tỉnh tổ chức Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc trong không khí rộn ràng, phấn khởi, thân tình. Không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giai tầng xã hội, đồng bào các dân tộc cùng đoàn kết, chung vui ngày hội. Con em xa quê cũng trở về quê hương.
Trong từng giai đoạn, MTTQ các cấp trong tỉnh tích lũy kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức với phương châm: Lấy khu dân cư là trọng tâm, người dân là chủ thể. Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bùi Tiến Lực cho biết: Năm 2003 - năm đầu tiên tổ chức ngày hội, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức hội nghị biểu dương 84 KDC tiêu biểu. Hướng dẫn mỗi huyện, thị xã chọn từ 10 - 15 KDC ở các vùng để tổ chức điểm, rút kinh nghiệm cho các KDC khác và đã có 13% KDC tổ chức thành công. Từ đó, số KDC tổ chức ngày hội tăng nhanh theo từng năm, đến năm 2008 đạt 100%. Đến nay, việc tổ chức ngày hội trở thành nền nếp, bài bản, không thể thiếu trong sự chờ đón của toàn dân.
Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, MTTQ phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các cơ quan, đơn vị, tổ chức CT-XH; tích cực đổi mới, sáng tạo tổ chức phù hợp với từng địa phương và giai đoạn, như thời điểm dịch Covid-19 bùng phát có sự điều chỉnh hợp lý. Trước khi tổ chức ngày hội, phát động phong trào vệ sinh môi trường, chỉnh trang KDC, treo cờ Tổ quốc.
Từ năm 2011 đến nay, Ủy ban MTTQ tỉnh tham mưu thành lập đoàn đại biểu do các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm trưởng đoàn dự ngày hội tại các KDC tổ chức điểm của các huyện, thành phố. Hướng dẫn MTTQ cấp xã chọn KDC làm điểm, mời các đồng chí lãnh đạo địa phương dự. Đặc biệt, Hòa Bình đã vinh dự được đón nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành T.Ư về dự ngày hội. Nhiều người dân phấn khởi khi được bắt tay, trò chuyện với các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, tỉnh mà trước đây chỉ nghe, nhìn thấy trên phương tiện thông tin đại chúng.
Thắt chặt tình đoàn kết, phát huy giá trị văn hóa
Ngày hội ĐĐK gồm phần lễ được tổ chức ngắn gọn, trang trọng, ôn lại truyền thống của MTTQ Việt Nam; đánh giá các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; biểu dương các gia đình văn hóa, tập thể, cá nhân tiêu biểu. Phần hội vui tươi với các hoạt động văn nghệ, thể thao đậm bản sắc văn hóa các dân tộc địa phương như: tấu chiêng Mường, hát dân ca, nhảy sạp, múa khèn, đánh đu, đánh mảng, ném còn… Nhiều KDC tổ chức "bữa cơm đoàn kết” để người dân gặp gỡ, chia sẻ.
Trong dịp ngày hội diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa: ủng hộ người nghèo, hỗ trợ xây nhà ĐĐK… Tại các KDC đã tặng trên 16 nghìn xuất quà, khởi công xây mới và sửa chữa 1.227 nhà ĐĐK…
Ngày hội còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp. Phó Bí thư TT Huyện ủy Kim Bôi Nguyễn Văn Xiêng chia sẻ: Từ năm 2012, huyện trích ngân sách mua nhạc cụ dân tộc, chiêng Mường tặng các KDC làm điểm. Đến nay đã tặng 79 KDC (8 bộ nhạc cụ, 71 bộ chiêng). Nhiều câu lạc bộ chiêng Mường được thành lập ở các KDC, mỗi dịp ngày hội, tiếng chiêng âm vang khắp vùng. Năm 2011, huyện vinh dự đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về dự ngày hội tại xóm Cầu, xã Bắc Sơn (nay là xã Hùng Sơn) và đồng chí rất ấn tượng với màn trình tấu chiêng.
Khơi dậy tính tự chủ của Nhân dân
Qua nhiều năm tổ chức ngày hội, Trưởng Ban công tác Mặt trận xóm Đồng Mới, xã Dũng Phong (Cao Phong) Bùi Ngọc Đông thấy rằng: Một trong những nội dung trọng tâm của ngày hội là nhìn lại một năm của KDC và thảo luận, thống nhất phương hướng cho năm mới. Thông qua ngày hội, bà con hiểu rõ hơn nhiệm vụ của địa phương, thấy được trách nhiệm của bản thân, gia đình trong xây dựng cộng đồng.
Đặc biệt, các mô hình tự quản là sự sáng tạo của MTTQ trong khơi dậy, phát huy tính tự chủ của Nhân dân trong xây dựng KDC. Toàn tỉnh xây dựng, duy trì nhiều mô hình hiệu quả trên các lĩnh vực, tiêu biểu như: "Đoạn đường tự quản”, "Dòng họ, ổ nhà tự quản”, "Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy”…
Dưới sự tập hợp của MTTQ, điểm nhấn là thông qua ngày hội, Nhân dân phát huy tính tự chủ, tham gia các mô mình, cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Người dân đã hiến đất, góp công, vật liệu, kinh phí làm đường giao thông, xây nhà văn hóa; ủng hộ giúp đỡ người nghèo... Từ năm 2017 - 2022, toàn tỉnh đã vận động được trên 95 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá: Qua 20 năm tổ chức, Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc đã tác động tích cực đến nhiều mặt của tỉnh; khẳng định là ngày hội lớn của toàn dân, kết nối cộng đồng, kết nối cán bộ với dân. Song, chất lượng tổ chức ngày hội chưa đều, có nơi nặng phần lễ, hình thức; một số nơi người dân đi làm ăn xa, chỉ có người già, trẻ em ở nhà, phong trào chưa sôi nổi… Thời gian tới, cần nâng cao nhận thức về ngày hội; đổi mới, sáng tạo trong tổ chức phù hợp với mỗi địa phương; tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền trong tổ chức ngày hội đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
"KDC mạnh thì xã mới mạnh, xã mạnh huyện mới mạnh, tỉnh mới mạnh” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long đã nhấn mạnh như vậy khi dự ngày hội tại KDC. Để KDC mạnh, vai trò của Nhân dân rất quan trọng. MTTQ cần tiếp tục khơi dậy, phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân, vì chính sự ấm no, hạnh phúc của Nhân dân.
Cẩm Lệ