(HBĐT) - Ngày 29/5, Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể tại hội trường nghe và thảo luận về Báo cáo của Đoàn giám sát của QH về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở (YTCS), y tế dự phòng (TYDP).
Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó Chủ tịch TT Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình thảo luận tại hội trường chiều 29/5.
Qua giám sát cho thấy, công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực phục vụ công tác PCD cơ bản thực hiện đúng chủ trương, chính sách đã ban hành. Trong đó đã hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch; thực hiện chế độ, chính sách cho lực lượng tuyến đầu và các lực lượng khác tham gia chống dịch; mua vắc-xin; hỗ trợ nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin; mua sắm kit xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, sinh phẩm; chi trả khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân Covid-19…
Bên cạnh kết quả đạt được cũng có những tồn tại, hạn chế, như: hệ thống pháp luật hiện hành chưa bao quát hết, chưa điều chỉnh được các quan hệ, tình huống phát sinh. Việc quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí PCD từ NSNN trong và sau giai đoạn cao điểm PCD còn chậm trễ, phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chưa được giải quyết kịp thời, dứt điểm. Đã có những sai phạm nghiêm trọng trong huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực PCD...
Từ thực trạng trên, các ĐBQH tập trung thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung kết quả giám sát tổng hợp; những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; các đề xuất, kiến nghị. Theo đó, có ý kiến cho rằng nên xét công bố hết dịch Covid-19. Dịch bệnh Covid-19 có thể được chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, tức là tương tự như các bệnh lý chuyên khoa khác. Khi đó, việc chi trả cũng cần thực hiện như những bệnh lý chuyên khoa khác. Đồng thời cần khẩn trương chuẩn bị cả cơ sở vật chất, văn bản pháp luật, quy trình hướng dẫn cần thiết để ứng phó tốt hơn các dịch khác và có thể khả năng Covid-19 bùng phát trở lại.
Góp ý về những khó khăn trong sử dụng nguồn lực PCD, có đại biểu cho rằng, công tác tiêm chủng không chủ động nguồn vắc-xin nên địa phương không chủ động trong tổ chức thực hiện. Việc xây dựng kế hoạch triển khai khi được phân bổ vắc-xin trong thời gian rất ngắn, gây khó khăn trong huy động nguồn lực để thực hiện.
Tại phiên thảo luận, có những ý kiến cho rằng, còn nhiều bất cập, vướng mắc, khó khăn trong hoạt động YTCS; không đầu tư thỏa đáng cho YTDP thì không thể tập trung thực hiện các nhiệm vụ PCD truyền nhiễm, kiểm soát các yếu tố nguy cơ nâng cao sức khỏe cho người dân. Do vậy, đề nghị tăng cường bảo đảm cho YTDP đủ 30% ngân sách của ngành Y tế theo tinh thần Nghị quyết 20 của BCH T.Ư, theo hướng tập trung phát triển YTDP là then chốt YTCS là nền tảng. Đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu ngân sách T.Ư hỗ trợ cho các địa phương, nhất là các địa phương còn khó khăn về thu ngân sách cho YTDP nói chung và chương trình tiêm chủng mở rộng nói riêng. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả truyền thông về phòng bệnh, nâng cao sức khỏe; có lộ trình xây dựng hệ thống y tế được thống nhất, đồng bộ và cần chính sách đãi ngộ tương xứng với đặc thù công việc cho nhân lực YTCS…
* Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận chiều 29/5, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác PCD COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Đại biểu cho biết, cùng với hệ thống chính trị vào cuộc để huy động các nguồn lực cho công tác PCD, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã xác định rõ trách nhiệm, phát huy lực lượng đông đảo, chủ động phối hợp thực hiện tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện các biện pháp PCD. Đặc biệt, Đoàn Chủ tịch UBT.Ư MTTQ Việt Nam đã ra Lời kêu gọi tổ chức triển khai công tác vận động, ủng hộ PCD Covid-19. Phải thấy rằng, hơn lúc nào hết tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc được thể hiện và nâng cao. Từ T.Ư đến địa phương tất cả tập trung huy động mọi nguồn lưc cả về tiền, hàng hóa, nhu yếu phẩm để cùng với Chính phủ, các địa phương PCD...
Thời điểm dịch bùng phát tại TP Hồ Chí Minh, hưởng ứng Lời kêu gọi của UBT.Ư MTTQ Việt Nam, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình đã ra Lời kêu gọi ủng hộ hàng hóa, nhu yếu phẩm hỗ trợ PCD tại TP Hồ Chí Minh. Với truyền thống quý báu "lá lành đùm lá rách" của dân tộc, mặc dù tỉnh Hòa Bình còn rất khó khăn nhưng với tình cảm và trách nhiệm vì miền Nam ruột thịt, chỉ trong 3 ngày, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã ủng hộ hàng hóa, nhu yếu phẩm, ước tính trên 400 tấn, trị giá trên 4 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, MTTQ các cấp đã vào cuộc giám sát công tác huy động cũng như sử dụng nguồn lực trong công tác PCD. Qua giám sát đã chỉ ra những hạn chế mà cơ sở gặp phải, hướng dẫn các đơn vị trong công tác quản lý và sử dụng, phân bổ các nguồn lực đảm bảo quy định của pháp luật và hướng dẫn của UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Cùng những kết quả đạt được, báo cáo của Đoàn giám sát đã chỉ ra cụ thể những tồn tại, hạn chế. Để tiếp tục giải quyết những tồn tại, vướng mắc được chỉ ra, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị Đoàn giám sát bổ sung một số nội dung:
Thứ nhất, báo cáo của Đoàn giám sát cho thấy, trong đại dịch giai đoạn 2020 - 2022 đã huy động nguồn lực lớn cả tài lực, nhân lực, vật lực, máy móc trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch; dự thảo Nghị quyết đồng thời cũng đã đề cập: "Công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán các nguồn lực phục vụ cho công tác phòng, chống dịch cơ bản thực hiện đúng chủ trương, chính sách đã ban hành”. Tuy nhiên, chưa đề cập đến công tác quyết toán việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực này, nhất là các nguồn lực được huy động, đóng góp bằng tiền. Theo báo cáo kết quả quyết toán số chi các nguồn lực huy động phục vụ công tác phòng chống dịch là chưa được làm rõ. Đối với khoản tiền huy động từ nguồn ngoài NSNN, hiện cũng chưa có cơ chế để thực hiện quyết toán, phần nguồn lực từ NSNN, trong báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021, số chi này cũng chưa được báo cáo rõ và các số liệu hiện nay cũng không khớp với các số liệu trong quyết toán NSNN năm 2021. Do vậy, đề nghị bổ sung thêm một khoản trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, đề nghị Chính phủ thực hiện quyết toán riêng toàn bộ số tiền huy động và sử dụng để phòng chống dịch (gồm cả nguồn NSNN và ngoài NSNN) và báo cáo Quốc hội khi quyết toán NSNN niên độ năm 2022. Đồng thời giao Bộ Tài chính hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương quyết toán các khoản huy động ngoài NSNN; đề xuất phương án sử dụng số kinh phí huy động còn lại đảm bảo người dân được giám sát nội dung này với đúng phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" để có cơ sở sau này thực hiện huy động nguồn lực.
Thứ hai, để tiếp tục phát huy hiệu quả của việc thực hiện mô hình Trung tâm Y tế cấp huyện hiện nay, đề nghị tiếp tục duy trì thực hiện mô hình Trung tâm y tế đa chức năng và thực hiện quy định Trung tâm y tế cấp huyện trực thuộc Sở Y tế để đảm bảo công tác quản lý nhà nước, hướng dẫn chuyên môn về lĩnh vực y tế tạo điều kiện cho y tế cơ sở hoạt động ngày càng tốt hơn./.
PV (TH) và Bùi Hiển (Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh Hòa Bình)