(HBĐT) - Theo Quyết định số 42/QĐ-UBND, ngày 10/1/2023 của UBND tỉnh, tỉnh ta có 1.276 người có uy tín (NCUT) trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Xác định NCUT có vai trò quan trọng góp phần phát triển KT-XH, ổn định ANTT, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nhằm phát huy vai trò NCUT trong cộng đồng.
Vừa qua, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 3 đoàn đại biểu NCUT đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại 2 tỉnh Sơn La, Điện Biên. Tham gia đoàn, NCUT các huyện, thành phố đã được tham quan, học tập nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thi đua phát triển kinh tế, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tại các tỉnh có đông đồng bào DTTS.
Đồng chí Đỗ Duy Sâm, Trưởng phòng Tuyên truyền và địa bàn, Ban Dân tộc tỉnh cho biết: NCUT có vai trò rất lớn trong vùng đồng bào DTTS, nhất là trong quá trình giải quyết các chính sách dân tộc. Không phải bằng quyền lực hành chính mà bằng uy tín, niềm tin, những NCUT chính là "cánh tay nối dài" của cấp ủy Đảng, chính quyền tại cơ sở. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, chăm lo NCUT với những hoạt động thiết thực, phù hợp. Trong đó phải kể đến hoạt động cung cấp thông tin thông qua Báo Hòa Bình, tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà... đã tạo động lực để những NCUT trong cộng đồng phát huy vai trò, trách nhiệm của mình.
Ngoài ra, Ban Dan tộc tỉnh phối hợp với các ngành, địa phương quan tâm tổ chức gặp mặt già làng, NCUT trong đồng bào DTTS để thông tin tình hình KT-XH của địa phương; đồng thời lắng nghe họ trao đổi, phản ánh, cung cấp thông tin về sản xuất, đời sống, đề đạt tâm tư, nguyện vọng của bà con về phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân... Qua đó kịp thời thông tin đến các cấp, các ngành phối hợp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc những vụ việc phát sinh ở cơ sở.
Nhờ tham gia các lớp tập huấn pháp luật, tham quan, học tập kinh nghiệm đã giúp NCUT có thêm kiến thức về các lĩnh vực hôn nhân gia đình, tôn giáo, đất đai và một số chương trình, dự án, chính sách đối với đồng bào. Từ đó tích cực tuyên truyền, vận động người thân, cộng đồng thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước; hăng hái lao động sản xuất để vươn lên trong cuộc sống. Bản thân NCUT và gia đình có nhiều đóng góp tích cực như: Hiến đất làm đường, tham gia lao động công ích, gương mẫu trong phát triển kinh tế gia đình, đã vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc.
Ông Nguyễn Văn Tư, NCUT trong đồng bào DTTS tại xã Hợp Thịnh, TP Hòa Bình cho biết: "Trước sự tín nhiệm của bà con, tôi ý thức được vai trò của mình là "cầu nối” giữa Đảng, chính quyền địa phương với người dân. Tôi có trách nhiệm vận động bà con thực hiện tốt các quy định của địa phương để từ đó giúp bà con yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, ổn định đời sống”.
Đặc biệt, hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, NCUT thực sự trở thành lực lượng nòng cốt, bằng hành động, việc làm cụ thể để làm gương và tích cực vận động, giáo dục con cháu trong dòng họ và cộng đồng tham gia bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Nhiều bà con vùng DTTS đã dần xóa bỏ các hủ tục, nhất là trong việc cưới, việc tang... Kết quả có được là nhờ sự tuyên truyền, vận động của những NCUT trong cộng đồng.
Bằng uy tín của mình, NCUT là già làng, trưởng thôn đã vận động đồng bào DTTS đoàn kết một lòng, đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực, phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ gia đình, dòng họ, khu dân cư. Tích cực hưởng ứng và thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng quốc phòng toàn dân, góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Đinh Hòa