(HBĐT) - Phiên chất vấn và thảo luận tại Kỳ họp thường lệ giữa năm 2023, HĐND tỉnh khoá XVII đã diễn ra trong không khí dân chủ, xây dựng, đi thẳng vào vấn đề các đại biểu, cử tri và Nhân dân quan tâm. Báo Hòa Bình trích đăng một số nội dung chất vấn tại kỳ họp.

* Quan tâm xây dựng chiến lược tổng thể phát triển du lịch

Đại biểu Trần Trung Đức (Tổ đại biểu huyện Lương Sơn) chất vấn: Hoà Bình có nhiều lợi thế để phát triển du lịch từ cảnh quan thiên nhiên, văn hoá ẩm thực nhưng tôi thấy hoạt động du lịch của tỉnh còn chưa có chiến lược lâu dài, bài bản và thiếu tính tổng thể, chưa có sự kết nối tổng thể giữa các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh với các tỉnh khác. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có kế hoạch, chiến lược gì cho việc này?



Đại biểu Trần Trung Đức, Tổ đại biểu huyện Lương Sơn chất vấn.



Đồng chí Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trả lời chất vấn.

Đồng chí Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch trả lời chất vấn: Tỉnh uỷ đã có Chương trình hành động số 15 về thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định 3 nhiệm vụ lớn: xây dựng tỉnh Hoà Bình thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng; là trung tâm du lịch lớn của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc; chú trọng công tác quy hoạch phát triển du lịch, ưu tiên đầu tư hạ tầng du lịch trong Quy hoạch tổng thể phát triển KDL quốc gia hồ Hoà Bình.

Với nỗ lực trong xây dựng chiến lược, thu hút đầu tư, tại Đề án phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định địa điểm tiềm năng đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch, xây dựng cụm và phân khu du lịch; các chương trình du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và liên vùng để kết nối đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch. Hiện nay, các tuyến du lịch đang phát huy hiệu quả và là các tuyến thu hút khách quốc tế và nội địa. Tỉnh đang tham gia Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng với TP Hồ Chí Minh và đang khai thác đưa khách du lịch từ Hà Nội theo quốc lộ 6 qua Hoà Bình – Sơn La – Điện Biên để đáp ứng nhu cầu của khách. Bên cạnh đó, thu hút được nhiều tập đoàn lớn đầu tư tại các huyện Lạc Sơn, Kim Bôi, Lạc Thuỷ… Toàn tỉnh có 67 dự án đăng ký đầu tư với số vốn đăng ký trên 36.000 tỷ đồng. Thời gian tới, sở sẽ tập trung tham mưu phát triển các dòng sản phẩm văn hoá, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch thể thao, du lịch cộng đồng. 


* Tỉnh đang chờ công thư phản hồi của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản về tài trợ vốn cho 
dự án

Đại biểu Nguyễn Văn Hùng (Tổ đại biểu huyện Lạc Sơn) chất vấn: Trường TH&THCS Tuân Đạo, huyện Lạc Sơn rất khó khăn vì thiếu phòng học. Nghị quyết số 150/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 của HĐND tỉnh, Kỳ họp thứ 8 đã quyết nghị xây dựng 1 nhà hiệu bộ diện tích 850 m2, 1 nhà lớp học 8 phòng học diện tích 650 m2 , thời gian thực hiện năm 2023 đến năm 2024 nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai. 



Đại biểu Nguyễn Văn Hùng, Tổ đại biểu huyện Lạc Sơn chất vấn.




Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời chất vấn. 
 
Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời chất vấn: Việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng các trường TH&THCS Tuân Đạo, TH&THCS Văn Sơn là mong mỏi của Nhân dân và chính quyền địa phương. UBND tỉnh đã đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) xem xét, hỗ trợ tỉnh trong việc vận động nguồn vốn ODA không hoàn lại của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) để được đầu tư thực hiện dự án và đã nhận được văn bản chấp thuận của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính.

Ngày 15/7/2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 150/NQ-HĐND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án "Nâng cấp, mở rộng trường học các xã Văn Sơn, Tuân Đạo, huyện Lạc Sơn sử dụng vốn viện trợ ODA không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản”. UBND tỉnh ban hành Văn bản số 1345/UBND-KTN ngày 4/8/2022 gửi Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ thông báo chính thức với nhà tài trợ về Quyết định chủ trương đầu tư dự án. Bộ KH&ĐT đã có Công hàm gửi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đề nghị tài trợ cho dự án.

Hiện nay, UBND tỉnh đang chờ ý kiến trả lời của nhà tài trợ đối với việc tài trợ vốn cho dự án. Sau khi có công thư phản hồi của nhà tài trợ, UBND tỉnh sẽ giao các cơ quan chức năng tiến hành lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án, ký thoả thuận tài trợ theo quy định. 


* Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động

Đại biểu Nguyễn Đức Thuận (Tổ đại biểu TP Hòa Bình) chất vấn: Cùng với kết quả đạt được, tình trạng thiếu thiết chế văn hóa, nhà ở, nhà trẻ cho công nhân lao động (CNLĐ) ở tỉnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của CNLĐ, khiến họ ít có điều kiện, cơ hội để giao lưu, nâng cao sức khỏe, thưởng thức các loại hình văn hóa… thậm chí có thể xa vào các tai, tệ nạn xã hội. Với thực trạng như trên cũng như nhu cầu, mong muốn của CNLĐ, thì trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ có phương án, giải pháp như thế nào?  


Đại biểu Nguyễn Đức Thuận (Tổ đại biểu TP Hòa Bình) chất vấn. 



Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời chất vấn.

Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời chất vấn: Tại tỉnh Hòa Bình hiện nay có 8 khu công nghiệp đã được quy hoạch, với tổng số 19.467 lao động. Việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa (TCVH) tại các khu công nghiệp là mục tiêu chiến lược, lâu dài để công nhân yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, qua đó hiệu suất công việc được tăng cao. Thời gian qua, UBND tỉnh đã triển khai các văn bản chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho CNLĐ. Trong đó có khu công nghiệp Lương Sơn - khu công nghiệp có số lượng lao động nhiều nhất, chiếm 68% tổng số lao động trong các khu công nghiệp… UBND tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng LĐLĐ Việt Nam trong việc thực hiện đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn. Hiện nay, UBND tỉnh đang tích cực chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp phối hợp với các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố xác định vị trí xây dựng nhà ở công nhân và thiết chế công đoàn của các khu công nghiệp, bổ sung vào quy hoạch kế hoạch sử dụng đất của các huyện, thành phố, cập nhật vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.


* Đẩy nhanh cấp giấy quyền sử dụng đất cho người dân ảnh hưởng thiên tai 

Đại biểu Nguyễn Thu Hà (Tổ đại biểu thành phố Hòa Bình) chất vấn: Việc di dân tái định cư do ảnh hưởng bởi thiên tai lũ lụt đã được cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, thực hiện trong nhiều năm qua. Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai, thực hiện xây dựng 29 khu tái định cư cho 1.683 hộ dân, trong đó 25 khu tái định cư đã hoàn thành với 1.494 hộ dân đã chuyển đến nới sinh sống ổn định. Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 1.279 hộ dân thuộc 25 khu tái định cư vẫn chưa được thực hiện. Vậy đề nghị UBND tỉnh cho biết trên 1.200 hộ dân có được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không? Lý do vì sao đến nay các hộ dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?



Đại biểu Nguyễn Thu Hà, Tổ đại biểu thành phố Hòa Bình chất vấn.



Đồng chí Bùi Quang Toàn, Giám đốc Sở TN&MT trả lời chất vấn.


Đồng chí Bùi Quang Toàn, Giám đốc Sở TN&MT trả lời chất vấn: Việc tái định cư, ổn định đời sống do thiên tai là nhiệm vụ cấp bách của tỉnh và các địa phương. Thời gian qua, diễn biến phức tạp của thiên tai gây mưa lũ, sạt lở đất, ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân. Hiện, trên địa bàn tỉnh có khoảng 30 khu tái định cư ổn định đời sống cho hơn 1.400 hộ dân. Một số khu đã hoàn thành, một số khu thực hiện theo hình thức xen ghép. Đến nay đã có 355 hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 317 hộ đang được triển khai, còn 770 hộ chưa được cấp. Nguyên nhân một số khu tái định cư hồ sơ thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa được thực hiện, phải có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền và nằm trong quy hoạch. Có những hộ dân chưa có quyết định thu hồi đất tại khu sạt lở, dẫn đến nếu cấp mới ở khu tái định cư thì một gia đình có 2 mảnh đất. Thiếu kinh phí đo đạc cũng là nguyên dân dẫn đến chậm triển khai... Ngành TN&MT đã và đang thực hiện một số giải pháp, phối hợp với các sở, ngành địa phương rà soát lại toàn bộ hồ sơ pháp lý các khu tái định cư và thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, các hộ tái định cư…. Các địa phương cũng cần chủ động bố trí trình cấp có thẩm quyền kinh phí đo đạc. Phấn đấu đối với các hộ dân trong khu tái định cư đã được đo đạc sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong năm 2023. Đối với các hộ còn lại (khoảng trên 500 hộ) sẽ cơ bản thực hiện xong trong năm 2024 nếu đảm bảo kinh phí đo đạc và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành, địa phương. 


* Đang tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để đưa vào khởi công dự án đầu tư của Công ty CP Lạc Hồng tại xã Suối Hoa 

Đại biểu Bùi Văn Thượng, Tổ đại biểu huyện Tân Lạc chất vấn: Vì sao dự án đầu tư của Công ty CP Lạc Hồng tại xã Suối Hoa đã giải phóng mặt bằng (GPMB) được 65,5 ha, đạt 65,1% nhưng chưa khởi công, gây dư luận không tốt đến việc thoả thuận công tác GPMB các dự án khác. Vậy ý kiến của Sở KH&ĐT về vấn đề này như thế nào?
 


Đại biểu Bùi Văn Thượng, Tổ đại biểu huyện Tân Lạc chất vấn. 




Đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&ĐT trả lời chất vấn.

Đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Sở KH&ĐT trả lời chất vấn: Theo quy định của pháp luật, để khởi công dự cần phải đảm bào các thủ tục theo quy định. Đối với Dự án khu nghỉ dưỡng du lịch sinh thái hồ Hoà Bình của Công ty CP Lạc Hồng đã thực hiện các thủ tục như: Đã có quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh, đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết, HĐND tỉnh cho chuyển đổi mục đích sử dụng rừng với diện tích 49,69 ha; dự án đã đã được phê duyệt đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, có 2 thủ tục quan trọng cần thực hiện là giao đất, cho thuê đất và lập giấy phép xây dựng là chưa thực hiện với lý do: Dự án thuộc trường hợp phải thoả thuận. Theo thẩm định nhu cầu sử dụng đất của Sở TN&MT thì dự án có diện tích 150,79 ha, đến thời điểm này, mới xác định được nguồn gốc sử dụng đất 74 ha, trong đó nhà đầu tư mới thoả thuận nhận đất của các hộ dân là 53,3 ha, còn 20,7 ha vẫn chưa thoả thuận được. Ngoài ra, còn 76,69 ha mới hoàn thiện xác định nguồn gốc đất để thực hiện hình thức thoả thuận giao đất, cho thuê đất. Theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Sở KH&ĐT đang phối hợp với các sở, ngành thực hiện điều chỉnh quy hoạch đối với những diện tích không thể thoả thuận được và không nằm ở vị trí ảnh hưởng lớn đến dự án, đề nghị nhà đầu tư đưa ra khỏi quy hoạch để lập lại dự án, hoàn thiện các thủ tục theo quy định, cấp phép xây dựng, giao đất cho thuê đất để đảm bảo các điều kiện khởi công theo quy định của Luật Xây dựng.


* Quan tâm đầu tư nâng cáo chất lượng dịch vụ y tế, đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân

Đại biểu Nguyễn Văn Gia (Tổ đại biểu huyện Lạc Sơn) chất vấn: Cùng với những kết quả đã đạt được, theo đánh giá, chất lượng dịch vụ y tế từ tỉnh đến cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu công tác khám, chữa bệnh (KCB) cho Nhân dân. Với trách nhiệm là thủ lĩnh ngành, đề nghị đồng chí cho biết rõ nguyên nhân và giải pháp trong thời gian tới?



Đại biểu Nguyễn Văn Gia (Tổ đại biểu huyện Lạc Sơn) chất vấn. 



Đồng chí Bùi Thu Hằng, Giám đốc Sở Y tế trả lời chất vấn.


Đồng chí Bùi Thu Hằng, Giám đốc Sở Y tế trả lời chất vấn: Những năm gần đây, tỉnh đã quan tâm dành nguồn lực đầu tư bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân. Ngành Y tế được đầu tư cả tuyến tỉnh và huyện, như Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Các trung tâm y tế, trạm y tế đã được đầu tư từ các chương trình, dự án. Có thể nói trong thời gian qua, ngành y tế đã có sự thay đổi kể cả cơ sở vật chất và trang thiết bị để chăm sóc tốt hơn sức khoẻ người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng khám, chữa bệnh chưa đáp ứng yêu cầu; tuyến tỉnh chuyển liên truyến T.Ư khoảng 5%; tuyến huyện chuyển lên tuyến tỉnh khoảng 10%; tuyến xã rất ít người dân đến khám bệnh, mặc dù tuyến xã gần dân nhất nhưng số khám chữa bệnh chỉ chiếm từ 3-5% số kinh phí BHYT. Trong giai đoạn từ 2010-2020, tỉnh có các nghị quyết về đào tạo, thu hút bác sỹ cho các cơ sở y tế công lập đến năm 2020 thực hiện đào tạo liên thông, theo địa chỉ được 134 người. Thực hiện chính sách thu hút bác sỹ không đạt... Ngày 21/6/2023, BTV Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 18 về  nâng cao chất lượng, năng lực khám bệnh, chữa bệnh cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết đề ra 6 giải pháp cụ thể. Hiện, ngành Y tế đang phối hợp với các sở, ngành xây dựng, thống nhất đề án trình UBND tỉnh ban hành đề án thực hiện. Sau đó, tiếp tục đề xuất HĐND tỉnh xây dựng các nghị quyết, từ đó ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút bác sỹ tay nghề cao về tỉnh công tác; nghị quyết đầu tư cơ sở vật chất cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các trung tâm y tế cấp huyện, xã… đáp ứng nhu cầu của người dân.


* Giảm nhiều thủ thục trong tổ chức thi hoặc xét nâng hạng giáo viên 

Đại biểu Nguyễn Thị Hương, Tổ đại biểu thành phố Hoà Bình chất vấn: Việc thi thăng hạng cho giáo viên ở các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn còn hạn chế, trong vài năm trở lại đây tổ chức thi với chỉ tiêu rất ít so với nhu cầu thi thăng hạng, nâng ngạch là rất cao. Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Nội vụ cho biết ý kiến của mình về nội dung trên? 


Đại biểu Nguyễn Thị Hương, Tổ đại biểu thành phố Hoà Bình chất vấn.


Đồng chí Đặng Mai Sơn, Giám đốc Sở Nội vụ trả lời chất vấn.


Đồng chí Đặng Mai Sơn, Giám đốc Sở Nội vụ trả lời chất vấn: Năm 2015, theo Thông tư liên tịch của Liên bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, để được thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giáo viên các cấp phải thực hiện việc thi hoặc xét thăng hạng từ hạng IV lên hạng III (tương đương lương trung cấp lên cao đẳng), hạng III lên hạng II (tương đương lương cao đẳng lên đại học). Năm 2021, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư quy định bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp và xếp lương khởi điểm tương ứng với quy định trình độ chuẩn được đào tạo. Trong giai đoạn 2021-2022, Sở Nội vụ đã ban hành công văn hướng dẫn và thực hiện việc bổ nhiệm và xếp lương đối với 7.643 giáo viên các cấp mà không cần phải thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp như quy định trước đây. Năm 2023, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 08 sửa đổi, bổ sung Thông tư cũ. Ngay sau khi Thông tư có hiệu lực thi hành, Sở Nội vụ đã ban hành công văn hướng dẫn và thực hiện việc bổ nhiệm và xếp lương đối với 4.871 giáo viên các cấp và đã hoàn thành trước ngày 30/6/2023. Như vậy, tính từ năm 2021 đến ngày 30/6/202,3 tổng số giáo viên được bổ nhiệm và xếp lương theo bằng cấp chuyên môn và vị trí việc làm là 12.514 người đủ điều kiện tiêu chuẩn mà không cần phải qua thi thăng hạng. Sau khi hoàn thành việc chuyển xếp mã chức danh nghề nghiệp, Sở Nội vụ rà soát nhu cầu thăng hạng giáo viên của các cơ quan, đơn vị, địa phương để tham mưu cho cấp có thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét thăng hạng theo phân cấp quản lý (trong đó thăng hạng III lên hạng II thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh; thăng hạng III lên II, hạng II lên hạng I thuộc thẩm quyền của Bộ GD&ĐT).


Nhóm phóng viên Phòng Văn hóa - Xã hội

Các tin khác


Công đoàn Viên chức tỉnh - dấu ấn một nhiệm kỳ

(HBĐT) - Những năm gần đây, Công đoàn Viên chức (CĐVC) tỉnh không ngừng đổi mới phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, phát huy tốt vai trò, vị thế, trở thành cầu nối giữa người lao động với cơ quan, đơn vị và là chỗ dựa, người bạn đồng hành tin cậy của cán bộ, công chức, viên chức, lao động (CBCCVC, LĐ). Nhiệm kỳ 2017 - 2023 ghi lại nhiều dấu ấn của CĐVC tỉnh trong chặng đường phát triển.  

Hiệu quả chương trình giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn 

(HBĐT) - Ngày 27/10/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2453/QĐ-UBND về việc phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị được giao giúp đỡ xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2021 - 2025. Tiếp tục thực hiện quyết định, từ đầu năm đến nay, các cơ quan, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển KT-XH các xã ĐBKK.  

Dân vận khéo trong phát triển kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

(HBĐT) - Cuối tháng 6, chúng tôi về thăm xóm Bui, xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn. Nhờ bàn tay khéo léo, chăm chỉ của những người phụ nữ Mường nơi đây, nhiều sản phẩm thủ công đẹp mắt đã ra đời. Công việc này có thể tận dụng thời gian lúc nhàn rỗi, giúp có thêm thu nhập và từng bước hình thành nghề phụ cho bà con nơi đây. Ngay trên mảnh đất Mường Vang này, bà con dân tộc Mường đã giữ gìn và phát huy được nhiều nghề phụ như dệt vải, đan lát. Nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả cũng được hình thành và nhân rộng. Có được kết quả đó một phần phải nói đến hiệu quả của công tác dân vận khéo trong phát triển kinh tế.

Phát biểu khai mạc Kỳ họp thường lệ giữa năm 2023, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026

(HBĐT) - Tại Kỳ họp thường lệ giữa năm 2023, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã phát biểu khai mạc Kỳ họp. Báo Hòa Bình điện tử đăng toàn văn bài phát biểu.

Hội Cựu chiến binh huyện Lương Sơn tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW 

(HBĐT) - Ngày 12/7, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Lương Sơn tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 8/1/2002 của Bộ Chính trị khóa IX về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác CCB Việt Nam trong giai đoạn mới".

Sơ kết công tác dân tộc 6 tháng đầu năm 2023

(HBĐT) - Chiều 12/7, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023. Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự và chỉ đạo hội nghị. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục