Chiều 15/3, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí Việt Nam đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề: Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội.


Tới dự phiên thảo luận có đồng chí Vũ Việt Trang, Ủy viên Đảng đoàn, Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Nhà báo; đồng chí Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì phiên.

Các diễn giả tham luận bao gồm ông Kah Whye Lee, Giám đốc khu vực châu Á, Hiệp Hội báo chí xuất bản thế giới; PGS,TS Trần Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; ThS Ngô Việt Anh, Phó Trưởng ban Nhân dân điện tử Báo Nhân Dân và ThS Trần Lệ Thùy, chuyên gia báo chí truyền thông.

Các khách mời bao gồm nhà báo Ngô Đức Kiên, Tổng Biên tập Báo Nghệ An; nhà báo Bùi Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh; Nhà báo Vũ Minh Việt, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam và nhà báo Trần Anh Tú, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Thông tin và Truyền thông.

Phát biểu đề dẫn phiên thảo luận, PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng thông tin: Vài năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, mạng xã hội và gần đây là trí tuệ nhân tạo (AI) đã tác động đến hành vi người dùng internet và xu thế phát triển của báo chí hiện đại.


PGS,TSS Đỗ Thị Thu Hằng phát biểu đề dẫn phiên thảo luận.

Theo báo cáo xu hướng báo chí-truyền thông năm 2024 của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (Anh), có 3 xu hướng chính đang tác động đến báo chí truyền thông: Thứ nhất, nhiều loại thiết bị mới ra đời. Thứ hai, các nền tảng số, mạng xã hội chuyên biệt về sáng tạo âm thanh và video phát triển bùng nổ. Thứ ba, làn sóng trí tuệ nhân tạo. Một số tòa soạn gọi sự thay đổi này là "giai đoạn thứ hai” trong cuộc cách mạng kỹ thuật số, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải có chiến lược nội dung khác biệt, vượt trội để giữ chân công chúng.

"Tại Việt Nam, một số cơ quan báo chí đang thúc đẩy chiến lược nội dung đa phương tiện, kết hợp báo chí dữ liệu với khoa học công nghệ và các ý tưởng sáng tạo; một số cơ quan báo chí tập trung vào chiến lược nội dung chuyên sâu vào các thị trường ngách", PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng nhận định.

ỨNG DỤNG KHOA HỌC DỮ LIỆU ĐỂ PHÁT TRIỂN NỘI DUNG BÁO CHÍ VƯỢT TRỘI

Mở đầu phiên thảo luận, ông Kah Whye Lee, Giám đốc khu vực châu Á, Hiệp Hội báo chí xuất bản thế giới (WAN-IFRA) đã trình bày tham luận Chiến lược nội dung báo chí vượt trội: Xu hướng và kinh nghiệm thế giới.

Theo ông Kah Whye Lee, kết quả nghiên cứu của WAN-IFRA cho thấy, mặc dù còn nhiều thách thức nhưng lãnh đạo báo chí thế giới vẫn tỏ ra khá lạc quan trong năm 2024 cũng như trong dài hạn.

Cũng trong năm 2024, các tòa soạn chờ đợi có sự tăng trưởng về doanh thu, trong đó có nhiều nguồn doanh thu mới như tổ chức sự kiện hay hợp tác với các nền tảng khác.


Ông Kah Whye Lee, Giám đốc khu vực châu Á, Hiệp Hội báo chí xuất bản thế giới (WAN-IFRA) đã trình bày tham luận Chiến lược nội dung báo chí vượt trội: Xu hướng và kinh nghiệm thế giới.

Chuyên gia tới từ WAN-IFRA cũng cho biết, hiện nay, số lượng tòa soạn có quá trình chuyển đổi số sâu đang có xu hướng tăng. Về đầu tư liên quan đến kỹ thuật, hiện các tòa soạn tập trung chính vào việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI); đồng thời phát triển phân tích dữ liệu và thông tin chuyên sâu...

Nhìn nhận dựa trên các nghiên cứu chuyên sâu tại Việt Nam, PGS,TS Trần Quang Diệu cho rằng, việc ứng dụng khoa học dữ liệu để phát triển nội dung báo chí vượt trội là xu hướng tất yếu hiện nay.

Đưa ra thông tin chung về mô hình tòa soạn số, PGS,TS Trần Quang Diệu cho rằng, nếu như trước đây, dữ liệu chỉ tham gia một phần vào các tuyến bài. Nhưng hiện nay, công nghệ đã khiến dữ liệu hiện diện như một thể loại báo chí mới mẻ.

Về quy trình, PGS,TS Trần Quang Diệu đưa ra mô hình hoàn chỉnh, bắt đầu từ ý tưởng, các nhà báo sẽ xác định dữ liệu, làm giàu dữ liệu dựa trên các nền tảng công nghệ, phân tích đánh giá rồi tiến hành trực quan hóa trước khi tiến hành xuất bản.


PGS,TS Trần Quang Diệu cho rằng, việc ứng dụng khoa học dữ liệu để phát triển nội dung báo chí vượt trội là xu hướng tất yếu hiện nay.

Dựa trên các nghiên cứu cụ thể, diễn giả nhận định: Hiện tại các cơ quan báo chí mới chỉ dừng ở mức tương đối độc lập, chưa có sự liên kết và chia sẻ. PGS,TS Trần Quang Diệu cho rằng, cần xây dựng một hệ sinh thái báo chí mà ở đó các cơ quan báo chí có thể cùng chia sẻ dữ liệu, tạo thành một kho dữ liệu chung. Để làm được điều này, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có sự hướng dẫn, định hướng cụ thể.

"Ngoài ra, các cơ sở báo chí truyền thông cũng cần thay đổi chương trình đào tạo để đáp ứng với nhu cầu thực tế hiện nay", PGS,TS Trần Quang Diệu nhấn mạnh.


CHIẾN LƯỢC NỘI DUNG VƯỢT TRỘI CỦA BÁO NHÂN DÂN HIỆN NAY

Trình bày tại phiên thảo luận, nhà báo Ngô Việt Anh, Phó Trưởng Ban Nhân Dân điện tử (Báo Nhân Dân) đã trình bày tham luận Chiến lược nội dung vượt trội của Báo Nhân Dân và vai trò của báo chí dữ liệu.

Theo nhà báo Ngô Việt Anh, hiện nay, báo chí thế giới đang phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ mạng xã hội. Các nền tảng như TikTok phát triển nhanh chóng, tiếp cận ngày càng nhiều lượng khán giả trẻ. Nhiều nhà sáng tạo nội dung video thậm chí có nhiều người theo dõi và xem hơn cả các kênh báo chí chính thống trên TikTok.



Mặc dù vậy, theo nhà báo Ngô Việt Anh, báo chí thế giới vẫn đang đón nhận nhiều tín hiệu lạc quan. Những tổ chức tin tức và truyền thông chất lượng vẫn có thể tăng trưởng bền vững vào năm 2024 trên cơ sở phát triển các gói đăng ký và kết hợp nhiều nguồn doanh thu. Bên cạnh đó, thế giới sẽ chứng kiến nhiều sự kiện chính trị (hơn 40 cuộc bầu cử) và thể thao (Thế vận hội Olympic) trong năm 2024. Đây sẽ là đòn bẩy để các tòa soạn tăng số lượng độc giả.


Nhà báo Ngô Việt Anh trình bày về chiến lược nội dung vượt trội của Báo Nhân Dân và vai trò của báo chí dữ liệu.

Dẫn kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, nhà báo Ngô Việt Anh khẳng định: Mô hình cơ quan báo chí-công nghệ (media-tech) là xu hướng mà nhiều tập đoàn báo chí lớn đang hướng tới và báo chí Việt Nam cũng không thể đứng ngoài cuộc.

Với vai trò là cơ quan báo chí chủ lực, thời gian qua, Báo Nhân Dân đã đặc biệt chú trọng đến chiến lược phát triển nội dung vượt trội, trong đó tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển báo chí chuyên sâu, báo chí dữ liệu kết hợp công nghệ.

Cụ thể, Báo Nhân Dân đã triển khai các mô hình tòa soạn số, áp dụng công cụ theo dõi hành vi bạn đọc trên trang chủ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)...

Bên cạnh đó, Báo Nhân Dân cũng đẩy mạnh phát triển báo chí chuyên sâu, báo chí dữ liệu kết hợp công nghệ, điển hình như chuyên mục Tri thức chuyên sâu với slogan: Mọi câu hỏi đều có lời giải. Đây là chuyên mục đầu tiên, khác biệt so với tất cả các chuyên mục khác trên các báo ở Việt Nam.

"Mỗi sản phẩm Tri thức chuyên sâu sẽ cung cấp thông tin hệ thống về một sự kiện, vấn đề, nhân vật, tổ chức, địa danh... dưới dạng hỏi đáp. Ngoài ra, chuyên mục cũng có giao diện hiện đại, thu hút bạn đọc. Mỗi sản phẩm được trình bày theo một định dạng thống nhất, có bản sắc", nhà báo Ngô Việt Anh thông tin thêm.


Thời gian qua, Báo Nhân Dân đã đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, trong đó chú trọng đến chiến lược phát triển nội dung vượt trội, trong đó tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển báo chí chuyên sâu, báo chí dữ liệu kết hợp công nghệ.

Một trong những dấu ấn nổi bật khác của Báo Nhân Dân chính là việc liên tục ra mắt các chuyên trang đặc biệt, kết hợp công nghệ với các ý tưởng sáng tạo để số hóa kho tư liệu quý, đem lại trải nghiệm đặc biệt cho độc giả.

Trong 3 năm qua, Báo Nhân Dân đã khai trương nhiều trang thông tin đặc biệt nhằm tiếp tục hiện thực hóa chiến lược phát triển đa nền tảng, đa phương tiện của Báo Nhân Dân, kết hợp thông tin, dữ liệu chính thống với khoa học công nghệ và các ý tưởng sáng tạo, nhằm tuyên truyền sinh động, hiệu quả về xây dựng Đảng, đặc biệt là lĩnh vực phát triển lý luận về xây dựng Đảng như trang thông tin đặc biệt Lý luận, thực tiễn và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Hồ Chí Minh và tư tưởng "lấy dân là gốc”, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và "Những việc cần làm ngay” và gần đây nhất là Chuyên trang Chiến dịch Điện Biên Phủ.




Giao diện chuyên trang đặc biệt về Chiến dịch Điện Biên Phủ trên Báo Nhân Dân.

Báo Nhân Dân đã được trao giải "Cơ quan có sản phẩm truyền thông sáng tạo về xây dựng Đảng với Trang thông tin đặc biệt "Chủ nghĩa xã hội" và "Hồ Chí Minh và tư tưởng lấy dân làm gốc.

Cũng tại phần trình bày của mình, nhà báo Ngô Việt Anh đã tổng kết kinh nghiệm của Báo Nhân Dân trong việc phát triển chiến lược nội dung vượt trội và báo chí dữ liệu. Theo đó, về nhân sự, cần thay đổi tư duy lãnh đạo và nhân viên theo hướng digital-first; đồng thời vận hành toà soạn theo hướng mở, tương tác; chú trọng đào tạo nhân sự đa phương tiện, đa nền tảng và khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo.

Về công nghệ, cần phát triển mô hình tòa soạn báo chí công nghệ, tăng cường đầu tư trang thiết bị, kỹ sư công nghệ; đẩy mạnh hợp tác với các công ty công nghệ cũng như ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Về tài chính, các cơ quan báo chí cần sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách; đồng thời đa dạng nguồn thu từ quảng cáo nội dung, tổ chức sự kiện để tái đầu tư.

PHÁT TRIỂN BÁO CHÍ DỮ LIỆU LÀ XU HƯỚNG TẤT YẾU

Khẳng định: Báo chí đang trải qua quá trình biến đổi sâu sắc do sự tiến bộ của công nghệ số, Thạc sĩ Trần Lệ Thùy cho rằng báo chí dữ liệu là một xu hướng tất yếu.

"Báo chí dữ liệu là một lĩnh vực mới mẻ, kết hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau, như khoa học xã hội, khoa học dữ liệu, khoa học máy tính, phân tích dữ liệu, thiết kế thông tin và kể chuyện", chuyên gia nhấn mạnh.

Theo diễn giả, một trong những chiến lược phổ biến để đầu tư dài hạn vào việc phát triển kỹ năng báo chí dữ liệu là sử dụng phần mềm sáng tạo. Đồng thời, để sản xuất câu chuyện tương tác và hình ảnh, hầu hết các phòng báo chí phụ thuộc, ít nhiều, vào các nền tảng bên ngoài.

Hầu hết các dự án báo chí dữ liệu đoạt giải đều chứa đựng các đồ họa tương tác và động, được xây dựng và lưu trữ trên nhiều nền tảng nội bộ và bên ngoài, theo nghiên cứu được thực hiện về các dự án đoạt giải báo chí dữ liệu (Ojo và Heravi, 2018).

Báo chí dữ liệu là một lĩnh vực chuyên sâu trong ngành báo chí đã phát triển để đáp ứng sự lan rộng ngày càng tăng của việc tạo ra và định lượng dữ liệu. Tính chất cơ bản của báo chí dữ liệu bao gồm việc sử dụng các cách kể chuyện hình ảnh tương tác, phân tích thống kê, bản đồ 3D và nhiều phương pháp khác để truyền đạt tin tức và thông tin dựa trên dữ liệu.

Năm 2017, Simon Rogers, Jonathan Schwabish và Danielle Bowers đã xuất bản một báo cáo về tình hình lĩnh vực báo chí dữ liệu. Các kết quả cho thấy sản phẩm của báo chí dữ liệu thông thường được chia thành ba loại: báo chí điều tra, các câu chuyện giải thích dữ liệu và các câu chuyện được làm giàu bởi dữ liệu.

Khám phá câu chuyện và tìm hiểu sự thật được xem là hai lĩnh vực có giá trị lớn nhất trong báo chí dữ liệu. Về mặt đóng góp của báo chí dữ liệu đối với xã hội, đa số người cho rằng nó làm cho một câu chuyện đáng tin cậy hơn và giúp độc giả hiểu được những gì họ đang đọc.


Thạc sĩ Trần Lệ Thùy cho rằng báo chí dữ liệu là một xu hướng tất yếu.

Thạc sĩ Trần Lệ Thùy nhận định, tiếp cận dữ liệu chất lượng chính là rào cản chính đối với các nhà báo dữ liệu, chuyên gia cũng đồng thời chỉ ra nhiều thách thức với việc phát triển loại hình báo chí đặc biệt này như thiếu nguồn lực tài chính, áp lực về thời gian, thiếu kiến thức về phân tích dữ liệu hoặc trực quan hoá...

Dẫn chứng nhiều thí dụ để khẳng định tính hiệu quả vượt trội của báo chí dữ liệu, Thạc sĩ Trần Lệ Thùy cho rằng, các toà soạn báo chí Việt Nam nên quan tâm đến phát triển báo chí dữ liệu, trở thành nghiệp vụ không thể thiếu của nhà báo. Nghiệp vụ dữ liệu đi cùng với kỹ năng sản xuất tác phẩm báo chí có thể bảo đảm tính công bằng, chính xác, cân bằng trong tác phẩm báo chí, xây dựng lòng tin đối với độc giả. Đây là một chiến lược quan trọng trong xây dựng nội dung vượt trội.

Tại phần thảo luận, nhà báo Bùi Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong 5 năm qua, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã số hóa toàn bộ hệ thống tư liệu của Đài Phát thanh truyền hình, Báo Quảng Ninh... Các dữ liệu đều được gán các trường thông tin cụ thể, bảo đảm việc tra cứu và sử dụng thuận tiện nhất.

Bà Hương cho biết thêm, dựa trên hệ thống cơ sở dữ liệu nói trên, Trung tâm đã thực hiện được nhiều ấn phẩm đặc biệt. Tới đây, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ tiến tới thực hiện kế hoạch số hóa toàn bộ hệ thống các di tích, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh này.


Các diễn giả chia sẻ tại phần thảo luận, hỏi đáp.

Trong khi đó, nhà báo Ngô Đức Kiên, Tổng Biên tập Báo Nghệ An chia sẻ báo Nghệ An đang ở bước đầu của quá trình chuyển đổi số và thực hiện các nội dung vượt trội. Hiện báo Nghệ An đang tập trung vào việc nghiên cứu sâu về độc giả, hướng tới việc kéo công chúng về với mình dựa trên 3 giải pháp con người - công nghệ và chiến lược nội dung vượt trội.

"Chúng tôi đã làm việc với các chuyên gia truyền thông của Google, Youtube để tìm hiểu kỹ hơn về độc giả của báo. Chúng tôi cũng xác định: Ở đâu có người Nghệ An thì ở đó phải có báo Nghệ An", nhà báo Ngô Đức Kiên nhấn mạnh.

Chia sẻ cách tiếp cận "thị trường ngách", nhà báo Minh Việt, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, thời gian qua, báo Nông nghiệp Việt Nam xác định rõ mục tiêu cần phải đi theo hướng báo chí chuyên sâu, chuyên biệt; trong đó tập trung đưa ra các giải pháp cụ thể dành riêng cho người nông dân.

CẦN COI PHÁT TRIỂN BÁO CHÍ DỮ LIỆU NHƯ MỘT YÊU CẦU BẮT BUỘC

Phát biểu kết luận phiên, PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng khẳng định: Báo chí dữ liệu có vị trí trung tâm và vai trò cốt lõi trong tiến trình phát triển báo chí số trên thế giới và Việt Nam, là giải pháp mạnh để thực thi chiến lược nội dung vượt trội, nâng cao năng lực cạnh tranh của cơ quan báo chí.



Trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, các cơ quan báo chí hiện nay cần coi việc phát triển báo chí dữ liệu như một yêu cầu bắt buộc. Nguồn dữ liệu mở, dữ liệu liên kết, dữ liệu tự thân của các cơ quan báo chí, đặc biệt là dữ liệu cho việc phân tích xu hướng báo chí sẽ là cơ sở cho việc lọc và làm giàu dữ liệu, phân tích đánh giá, trực quan hóa dữ liệu là những thao tác cơ bản để ứng dụng báo chí dữ liệu trong kể chuyện đa phương tiện, tạo tính đặc sắc và vượt trội của nội dung báo chí.

Bên cạnh đó, để phát triển báo chí dữ liệu, cần hiểu rõ bản chất, vai trò, điều kiện thực thi nó, có giải pháp tổng thể trên cơ sở lý thuyết và thực tiễn năng lực, nguồn lực, xu hướng thế giới, đặc thù công chúng của từng cơ quan báo chí. Chỉ có nội dung vượt trội khi cơ quan báo chí đổi mới sáng tạo cả 4 lĩnh vực: chiến lược sản phẩm dịch vụ, lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ, lĩnh vực công chúng - khách hàng và kinh tế báo chí truyền thông.


Quang cảnh phiên thảo luận.

Khẳng định: Báo chí dữ liệu là hướng đi không thể tách rời dòng chảy báo chí Việt Nam, PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng để có một sự phát triển bền vững, ngoài tự thân các cơ quan báo chí chủ động nghiên cứu, tìm kiếm cho riêng mình mô hình báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội thì cần xây dựng một hệ sinh thái báo chí truyền thông chuyên nghiệp, hiện đại, hướng tới báo chí số. Thông qua hệ sinh thái này, các cơ quan báo chí có khả năng sẵn sàng chia sẻ, kết nối dữ liệu.

Để thực hiện điều này, vai trò của các cơ quan có tính định hướng, quản lý, dẫn dắt như Ban Tuyên giáo Trung ương; Bộ Thông tin và Truyền thông; Hội nhà báo Việt Nam rất quan trọng.

Theo đó, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông cần tham mưu, hoàn thiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước; Hội Nhà báo có vai trò dẫn dắt, tư vấn xây dựng các mô hình quản lý và mô hình nghiệp vụ của các cơ quan báo chí trong xây dựng hệ sinh thái này.

Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính

Thời gian qua, việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử tại các đơn vị, địa phương có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ quan, đơn vị đã bám sát chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, theo dõi, giám sát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công (TTPVHCC) tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả (TN&TKQ) cấp huyện, cấp xã; hạn chế các TTHC rườm rà, chồng chéo; công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận một cửa các cấp nêu cao tinh thần trách nhiệm, hướng đến xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, vì nhân dân phục vụ.

Cho ý kiến về nhiều chính sách, quy định mới về tổ chức, hoạt động của Tòa án

Tiếp tục Phiên họp thứ 31, chiều 14/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong các lĩnh vực còn nhiều dư địa

Chiều 14/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Takebe Tsutomu - Cố vấn Đặc biệt Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Kỳ vọng lớn vào Hội Báo toàn quốc năm 2024

Hội Báo toàn quốc năm 2024 là ngày hội lớn của những người làm báo trong cả nước. Đây cũng là lần đầu tiên, sự kiện do Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, phối hợp Ủy ban nhân nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sẽ được diễn ra tại thành phố mang tên Bác, với quy mô lớn nhất từ trước tới nay, mang đậm tinh thần "Báo chí Việt Nam-Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Bản anh hùng ca bất diệt của thời đại Hồ Chí Minh

Đúng ngày này 70 năm trước, bộ đội ta đã nổ những phát súng đầu tiên mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, tiến công tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp mà ngay cả trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ II cũng không có tập đoàn cứ điểm nào mạnh bằng. Trải qua 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non (thơ Tố Hữu), bộ đội Việt Nam anh hùng đã vượt lên bao mưa bom, bão đạn và cắm lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng của Bác Hồ trao trên nóc hầm Đờ Cát, vào giữa tim con nhím Điện Biên Phủ, kết liễu số phận của nó.

Văn phòng UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam

Ngày 14/3, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh và một số sở, ngành chức năng đã làm việc với ông Matthew Stannard, Viên chức Chính trị, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục