Quân, dân ta sử dụng xe đạp thồ vượt qua những đường đèo hiểm trở, nơi xe cơ giới không thể đi qua để vận chuyển vũ khí, lương thực và nhu yếu phẩm tiếp tế cho các chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh: T.L
Đợt 2, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm, thắt chặt vòng vây, chia cắt và liên tục tiến công, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm. Địch hết sức ngoan cố, muốn kéo dài thời gian. Nava hy vọng đến mùa mưa ta phải cởi vòng vây. Đây là đợt tấn công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt nhất, gay go nhất, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Đặc biệt tại đồi C1, ta và địch giằng co nhau tới 20 ngày, đồi A1 giằng co tới 30 ngày. Sau đợt tấn công thứ 2, khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.
Trong đợt tấn công này, các lực lượng của ta đồng loạt đánh chiếm phân khu trung tâm, vây lấn bóp nghẹt tập đoàn cứ điểm của địch. Đây là đợt tiến công vào phân khu trung tâm chủ yếu nhằm chiếm dãy đồi phía Đông, khống chế cánh đồng Mường Thanh với hơn một vạn quân địch bố trí trên 30 cứ điểm cùng với hơn một chục cứ điểm tiếp giáp nhau bên tả ngạn sông Nậm Rốm. Tại phân khu trung tâm này có những cao điểm lợi hại kiểm soát toàn bộ trận địa; trong đó, đồi A1 giữ vai trò đặc biệt quan trọng, có khả năng khống chế phạm vi khá rộng gồm cả khu vực sở chỉ huy của Đe Castries và hai chiếc cầu trên sông Nậm Rốm.
Chủ trương của Đảng ủy Mặt trận Chiến dịch trong đợt 2 này là tập trung ưu thế binh - hỏa lực đánh chiếm đồng thời các cao điểm phía Đông, trong đó có 5 cao điểm quan trọng gồm: Cao điểm E, D1, C1, C2, A1 thuộc trung tâm đề kháng của địch. Quyết tâm của ta là sử dụng Đại đoàn 312, được phối thuộc hai đại đội sơn pháo 75 ly, hai đại đội súng cối 120, một đại đội súng cối 82 có nhiệm vụ tiêu diệt các cao điểm E, D1, D2 thuộc trung tâm đề kháng và dùng một đơn vị thọc sâu đánh vào vị trí pháo binh Pháp ở cao điểm 210 và tiểu đoàn dù cơ động của địch ở khu vực này. Đại đoàn 316 (thiếu một trung đoàn), được phối thuộc hai đại đội sơn pháo 75, hai đại đội súng cối 120 ly có nhiệm vụ tiêu diệt các cao điểm A1, C1, C2 thuộc trung tâm đề kháng, đồng thời phối hợp với các đơn vị khác tiêu diệt lực lượng dù cơ động của địch. Đại đoàn 308 có nhiệm vụ dùng hỏa lực kiềm chế pháo binh địch ở Tây Mường Thanh, dùng lực lượng nhỏ bộ đội tích cực dương công các cứ điểm 106 và 311 ở phía Tây; cử một tiểu đoàn tham gia bộ phận thọc sâu vào tung thâm khu Đông, tiêu diệt tiểu đoàn Thái số 2, trận địa pháo binh của địch; tích cực phối hợp với Trung đoàn 98 của 316 tiêu diệt lực lượng dù cơ động của địch. Trung đoàn 57 của Đại đoàn 304, được phối thuộc Tiểu đoàn 888 (Đại đoàn 316), một đại đội lựu pháo 105, một đại đội súng cối 120, 18 khẩu trọng liên cao xạ 12,7 ly, có nhiệm vụ kiềm chế các trận địa pháo binh địch ở Hồng Cúm, chặn quân tiếp viện từ Hồng Cúm lên Mường Thanh, đánh quân nhảy dù ở xung quanh và phía Nam Hồng Cúm. Đại đoàn 351 trực tiếp yểm hộ bộ binh tiến công các cứ điểm A1, D1, C1, E, chế áp pháo binh Pháp, sát thương và tiêu diệt lực lượng cơ động Pháp ở tung thâm phía Đông Mường Thanh, kiềm chế pháo binh của địch.
Đúng 18 giờ ngày 30/3/1954, đợt tiến công thứ hai vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu. Tại cao điểm C1, quân ta lần đầu mở rào bằng đạn phóng bộc lôi. Sau 5 phút, Tiểu đoàn 215 của Trung đoàn 98 đã dọn xong cửa mở qua bảy lần rào dây thép gai, sau đó xung phong. Được sự hỗ trợ của pháo binh, trong 10 phút, Đại đội 38 đã chiếm được chiếc lô cốt nằm trên mỏm đất cao nhất nhô lên trên đỉnh đồi, được gọi là mỏm Cột Cờ và cắm lá cờ Quyết chiến Quyết thắng lên nóc sở chỉ huy. Quân Pháp dồn về những lô cốt ở khu vực phía Tây, gọi pháo bắn vào trận địa. Các chiến sĩ của ta xung kích dùng lưỡi lê, lựu đạn lao lên đánh giáp lá cà. Trận đánh diễn ra đúng 45 phút. Toàn bộ một đại đội 140 lính thuộc Tiểu đoàn I/4e RTM bị tiêu diệt và bắt sống.
Ngày 31/3, quân Pháp huy động lực lượng tổ chức nhiều đợt phản công nhằm chiếm lại trận địa nhưng tất cả đều bị thất bại. Do đó, A1 đã trở thành "thành lũy cuối cùng” của quân Pháp ở Điện Biên Phủ.
Cùng thời điểm này, các lực lượng của ta cũng đồng loạt tấn công, đánh chiếm các cứ điểm của địch. Cuộc chiến diễn ra giằng co vô cùng ác liệt. Để chống lại các cứ điểm phòng ngự kiên cố của quân Pháp ở Điện Biên Phủ, quân ta đã áp dụng chiến thuật đào hào để "vây lấn”, từng bước bao vây, siết chặt, tiếp cận dần vào các vị trí hàng rào dây thép gai và các ụ súng, lô cốt của quân Pháp. Từ đó bất ngờ xung phong tiêu diệt địch khiến cho quân Pháp vô cùng khiếp sợ. Với chiến thuật này, quân ta đã tránh được sự sát thương bởi các hỏa điểm, đạn pháo của địch, từng bước áp sát, đánh chắc, tiến chắc, tạo bàn đạp để quân ta mở đợt tổng công kích tiến công tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm địch ở Điện Biên Phủ.
Theo Báo Quân khu hai điện tử