Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, lấy sản phẩm để đánh giá năng lực cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhờ vậy đã tạo nên sự chuyển động của bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Từ việc tập trung lãnh đạo thực hiện các giải pháp công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sắp xếp cán bộ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực đã từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị ở cơ quan, đơn vị, địa phương.
Trong bối cảnh mới và với vai trò là vùng động lực kinh tế của tỉnh, Đảng bộ huyện Lương Sơn đã xây dựng và triển khai các giải pháp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá về quy hoạch, quản lý đất đai, đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, giải phóng mặt bằng. Đồng thời, huyện chú trọng xây dựng nguồn nhân lực để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo theo kế hoạch cụ thể từng tháng, từng quý; lấy sản phẩm làm tiêu chí đánh giá; giao nhiệm vụ cụ thể, gắn với trách nhiệm lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị.
Đồng chí Nguyễn Đức Dũng, Bí thư Huyện ủy Lương Sơn cho biết: Từ việc quan tâm tới công tác xây dựng Đảng, huyện đã hoàn thành hầu hết các chỉ tiêu cơ bản, khẳng định vai trò là vùng động lực kinh tế của tỉnh. Lương Sơn là địa phương có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cao của tỉnh. Huyện từng bước tháo gỡ khó khăn cho các dự án chiến lược như khu công nghiệp Nhuận Trạch; đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai (Hà Nội), đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội, đường từ quốc lộ 6 đi khu công nghiệp Nhuận Trạch, dự án kè chỉnh trị sông Bùi, xây dựng 2 cây cầu qua sông Bùi... tạo được niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân.
Những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện nhiều giải pháp xây dựng Đảng, trong đó công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí sắp xếp cán bộ được quan tâm. Cán bộ được quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển được rèn luyện, thử thách trong môi trường mới và trưởng thành, bước đầu tạo ra hiệu quả quan trọng thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tỉnh uỷ đã chỉ đạo thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026; xây dựng quy hoạch nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031. Chất lượng quy hoạch nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước; tỷ lệ cán bộ nữ, dân tộc, tuổi trẻ, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị được nâng lên. Cán bộ được điều động, luân chuyển đã tác động tích cực đến công tác lãnh đạo, điều hành tại các địa phương, nhất là tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên theo hướng sát dân, gần dân hơn; dần khắc phục tình trạng cục bộ địa phương và giúp cán bộ trưởng thành vững chắc; kiểm soát quyền lực tốt hơn.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã thực hiện phân công cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phụ trách xã, phường, thị trấn; thực hiện công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo phù hợp với năng lực, phẩm chất, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cơ quan, đơn vị, địa phương, chuẩn bị nguồn cán bộ cho nhiệm kỳ tới, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ và nhân dân… Các cấp ủy, cơ quan, đơn vị đã từng bước khắc phục tình trạng giao việc chung chung, thực hiện kiểm tra, đôn đốc, lấy việc thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết để đánh giá năng lực tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị.
Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu, đối chiếu với những biểu hiện suy thoái để nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy lãnh đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, XII) và Kết luận Nghị quyết T.Ư 4 khoá XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương; kịp thời khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, bất cập, ngăn chặn những tiêu cực trong công tác cán bộ. Đồng thời, tỉnh có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Những việc làm này đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Lê Chung