Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7/5/1954) là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam. Ðã 70 năm trôi qua nhưng âm hưởng, ý nghĩa và bài học lịch sử của chiến thắng ấy vẫn luôn vang vọng và là động lực để tiếp thêm sức mạnh cho toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình có truyền thống đoàn kết, cần cù trong lao động sản xuất, anh dũng, kiên cường trong đấu tranh dựng nước và giữ nước. Từ khi có Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, truyền thống đó được bồi đắp, hội tụ và lan tỏa tạo nên sức mạnh vô cùng to lớn giúp nhân dân các dân tộc trong tỉnh vượt qua khó khăn, thử thách trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước. Bước vào Chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, nhất là từ khi khẩn trương chuẩn bị Chiến dịch Điện Biên Phủ, khắp địa bàn trong tỉnh, từ dọc các đường giao thông số 6, 12, 24 đến vùng cao, vùng sâu sôi động khí thế "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Nhân dân các dân tộc hăng hái đi dân công, xây dựng kho tàng, dựng lán trại, đón tiếp giúp đỡ các đoàn dân công, đơn vị bộ đội hành quân ra mặt trận, giúp đỡ vượt sông, qua suối…

Từ tháng 1/1954, trước yêu cầu khẩn trương chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, Hòa Bình được giao nhiệm vụ tham gia sửa gấp đoạn đường 70km từ Mai Châu (Hòa Bình) lên Mộc Châu (Sơn La). Đại đội 55, 3 đại đội thanh niên xung phong, 3.000 dân công được huy động tham gia cùng với lực lượng các tỉnh bạn ngày đêm tu sửa tôn cao, cạp rộng trên 70km đường để kịp thời phục vụ bộ đội, dân công và các đoàn xe thồ, xe ô tô ra mặt trận.

Ngày 13/3/1954, bộ đội ta bắt đầu nổ súng tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Yêu cầu phục vụ mặt trận lúc này càng khẩn trương, khối lượng công việc ngày một nhiều, một lớn. Đồng thời địch cũng ra sức dùng không quân đánh phá hòng chặt đứt con đường chi viện ra mặt trận của ta. Trên bầu trời Hòa Bình, máy bay địch ngày ngày quần đảo, thả bom, bắn phá các kho tàng, cầu phà… Dọc đường 6, 12, 24… là mục tiêu bắn phá hàng ngày của máy bay địch. Bến phà chợ Bờ, suối Rút là những trọng điểm bị đánh phá ác liệt. Để đảm bảo giao thông thông suốt, nhiều biện pháp phòng, chống máy bay địch được thực hiện như: ngụy trang các kho tàng, cầu phà, đào hầm hố phòng tránh trên các tuyến đường, tổ chức vận chuyển về ban đêm. Lực lượng công binh, thanh niên xung phong ngày đêm thường trực sẵn sàng gỡ phá bom nổ chậm, sửa chữa cầu phà, cung đường bị địch phá hỏng Ngoài lực lượng bộ đội làm nhiệm vụ phá bom, cấp tốc tổ chức huấn luyện cho hơn 70 thanh niên xung phong, dân quân du kích kỹ thuật tháo gỡ bom. Tại các xã: Hòa Bình, Thịnh Lang, Yên Mông, mỗi xã thành lập một đơn vị làm nhiệm vụ dự bị bảo vệ, sửa chữa cầu đường, khi cần thiết sẽ huy động nhằm bảo đảm giao thông thống suốt trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tại bến phà chợ Bờ, nơi máy bay địch thường xuyên đánh phá ác liệt, Đại đội 55 được giao nhiệm vụ tổ chức trận địa bắn máy bay bằng súng bộ binh nhằm mục đích làm cho máy bay địch buộc phải cắt bom, bắn phá từ xa, từ tầm cao, hạn chế tổn thất. Đại đội 112 cũng bố trí một trận địa bắn máy bay tại Đại Đồng, Đoàn Kết, dốc Quy Hậu.
Cùng với đó, 56 ngày đêm (13/3 - 7/5/1954) bộ đội ta chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh, giành thắng lợi giòn giã tại Điện Biên Phủ cũng là những ngày Đảng bộ, quân dân Hòa Bình phát huy cao độ tinh thần vượt khó khăn, gian khổ và cũng không ít hy sinh bảo đảm giao thông vận chuyển thông suốt, đóng góp sức người, sức của mức cao nhất cho chiến thắng ngoài mặt trận. Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, các đơn vị bộ đội tỉnh, huyện, các đơn vị thanh niên xung phong, hàng nghìn dân công ngày đêm bám đường, bám cầu phà dưới bom đạn giặc bảo đảm giao thông liên tục. Hàng vạn dân công, thanh niên xung phong và cả bộ đội vận chuyển hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, súng đạn ra tiền tuyến, đón và chăm sóc hàng trăm thương binh từ mặt trận trở về…

Phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, toàn tỉnh đã huy động 381.292 lượt dân công, 905 xe đạp thồ, vận chuyển 4.900 tấn hàng, 170.000 người ở hậu phương xay giã 545 tấn thóc cho bộ đội. Cùng với sức người, nhân dân các dân tộc trong tỉnh cung cấp cho mặt trận hơn 39,5 tấn thịt, 1.840m3 gỗ, hàng vạn tre, bương…

Tỉnh Hoà Bình có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, cầu nối giữa vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ; là một trong những an toàn khu của cách mạng Việt Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đặc biệt, là hậu phương trực tiếp của chiến trường Điện Biên Phủ, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã có nhiều đóng góp quan trọng góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". 


Thái Sơn
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Các tin khác


Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Cao Phong

Chiều 6/5, tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Yên Thủy

Sáng 6/5, tại xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm các đồng chí; Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Hoàng Đức Chính, Bí thư Huyện uỷ Lạc Sơn đã tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV tại huyện Yên Thủy. Dự hội nghị TXCT có các đồng chí: Bùi Văn Thắng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh...

Chiến dịch Điện Biên Phủ trong ký ức người lính pháo cao xạ

Chiến dịch Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã lùi xa 7 thập kỷ, song với cựu chiến binh Đỗ Viết Tịch (sinh năm 1928, trú tại tổ dân phố Hữu Nghị, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, Quảng Bình), những năm tháng hào hùng lịch sử ấy vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức.

Khai trương Trung tâm báo chí Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiều 5/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức khai trương Trung tâm Báo chí Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục