Qua rà soát, Sở Nông nghiệp và Môi trường hiện có nhiều cơ sở nhà, đất thuộc nhóm tài sản công dôi dư đang trong tình trạng không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả. Ảnh: Trụ sở Chi cục Phát triển nông thôn cũ.
Trong khối lượng công việc rất lớn cần hoàn thành nhiệm vụ quan trọng là xử lý tài sản công (TSC) sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Nhìn lại nỗ lực quản lý TSC sau khi tỉnh hoàn thành việc sắp xếp cácđơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 có thể thấy, thực tế đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, nắm chắc các quy định, hướng dẫn để đảm bảo hiệu quả quản lý TSC dôi dư sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Thách thức trong xử lý tài sản công dôi dư
Thực hiện Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14, ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình, hiện toàn tỉnh có 10 ĐVHC cấp huyện (giảm 1 huyện so với trước), 151 ĐVHC cấp xã (giảm 60 xã, 1 thị trấn; tăng 2 phường so với trước). Với quyết tâm chính trị cao, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giải quyết nhiều vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, sau gần 4 năm hoàn thành việc sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2019 - 2021, vấn đề xử lý TSC và cơ sở vật chất dôi dư vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Kết quả rà soát TSC là nhà, đất (trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp) không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả hoặc sử dụng không đúng mục đích cho thấy, trên địa bàn tỉnh có 259 cơ sở nhà, đất thuộc trường hợp không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả (gồm 201 cơ sở không sử dụng; 58 cơ sở sử dụng kém hiệu quả). Trong đó, 165 cơ sở đã có quyết định xử lý, 94 cơ sở chưa có quyết định xử lý. Ngoài ra, có 126 TSC khác (không phải là nhà, đất) thuộc trường hợp không sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả. Trong đó, 34 tài sản đã có quyết định xử lý, 92 tài sản chưa có quyết định xử lý, chủ yếu thuộc trường hợp đủ điều kiện thanh lý).
Theo Sở Tài chính, trên địa bàn tỉnh hiện không có TSC là nhà, đất (trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp) sử dụng không đúng mục đích; cũng không có tình trạng sử dụng không đúng mục đích đối với TSC là ô tô, máy móc, thiết bị của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi tỉnh quản lý. Riêng đối với TSC là xe ô tô, thực hiện Nghị định số 72/2023/NĐ-CP, ngày 26/9/2023 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, Sở Tài chính đã hoàn thành việc sắp xếp, xử lý xe ô tô phục vụ công tác chung và xe ô tô chuyên dùng trình UBND tỉnh phê duyệt. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị được trang bị đều đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn định mức.
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, việc dôi dư TSC sau sáp nhập ĐVHC là tất yếu khách quan, nhưng quá trình xử lý tài sản xuất hiện nhiều khó khăn, tạo áp lực cho công tác quản lý, sử dụng TSC. Điển hình như việc một số nơi vẫn phải tạm thời bố trí một số bộ phận về làm việc tại trụ sở cũ, vì trụ sở mới chưa đáp ứng nhu cầu của công việc. Quy trình xử lý TSC dôi dư trong trường hợp bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất kéo dài, do ngoài việc thực hiện các quy trình thủ tục theo quy định của pháp luật về TSC còn phải thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai. Việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các trụ sở có diện tích đất lớn gặp khó khăn, do vượt nhiều lần so với hạn mức giao đất ở theo quy định của Luật Đất đai. Một số trụ sở mới được đầu tư xây dựng, nâng cấp nên giá trị tài sản trên đất còn nhiều, giá trị xác định làm giá khởi điểm bán tài sản trên đất cao, trong khi người mua chỉ quan tâm đến giá trị đất, vì công năng sử dụng của tài sản trên đất không phù hợp mục đích sử dụng của người mua…
Những khó khăn từ thực tế đã đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi cần triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để xử lý hiệu quả TSC dôi dư sau sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2019 - 2021. Đặc biệt, đây cũng là nhiệm vụ đầy thách thức trong thời gian tới, khi toàn tỉnh cùng cả nước quyết tâm thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Dự kiến sau đợt sắp xếp này, số lượng TSC dôi dư tiếp tục tăng, đặt ra yêu cầu cấp thiết là đảm bảo hiệu quả quản lý, sử dụng TSC sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Không để lãng phí nguồn lực của Nhà nước
Mới đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo việc rà soát trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp và các TSC khác theo Công điện số 125/CĐ-TTg, ngày 01/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến lĩnh vực quản lý TSC. Ngày 21/1/2025, Sở Tài chính tổ chức hội nghị triển khai Công điện số 125/CĐ-TTg để thống nhất phương án xử lý TSC trên địa bàn tỉnh sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Căn cứ quy định của pháp luật và các hướng dẫn liên quan, Sở Tài chính đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị khẩn trương, quyết liệt trong việc giải quyết TSC dôi dư, đảm bảo thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch và không lãng phí nguồn lực của Nhà nước.
Đồng chí Hoàng Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Việc sắp xếp lại và khai thác hiệu quả TSC dôi dư góp phần chống lãng phí, thất thoát, tăng cường khai thác nguồn lực từ TSC theo đúng quy định của pháp luật. Quá trình xử lý TSC dôi dư trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã xuất hiện những khó khăn, vướng mắc. Sở Tài chính đã tích cực tham mưu UBND tỉnh và hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả quản lý TSC. Dự kiến trong thời gian tới, Sở Tài chính tiếp tục phối hợp các cơ quan, đơn vị được giao quản lý, xử lý TSC tiến hành rà soát và xây dựng phương án sắp xếp lại, xử lý TSC theo các văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính. Đồng thời, tiếp tục rà soát nhu cầu, ưu tiên bố trí kinh phí cho sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp, cải tạo, mở rộng hoặc xây dựng mới cơ sở vật chất cho trụ sở làm việc của các đơn vị sau sáp nhập; tiếp tục rà soát quy trình xử lý tài sản trong trường hợp bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; đôn đốc các cơ quan, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản có trách nhiệm chỉ đạo công tác quản lý, trông coi các cơ sở nhà, đất dôi dư…
Quá trình thực hiện cần nâng cao hiệu quả phối hợp gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kịp thời xử lý các nội dung liên quan theo phân cấp, phân nhiệm. Từ đó rút ngắn thời gian xử lý TSC dôi dư sau sáp nhập, nâng cao hiệu quả quản lý TSC với tinh thần không để lãng phí, sai phạm, lấn chiếm, chuyển đổi, sử dụng sai mục đích hoặc để hoang hóa, lãng phí TSC. Đây cũng là tinh thần chủ đạo khi giải quyết bài toán dôi dư TSC sau thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nhằm hướng tới mục tiêu chung: Đảm bảo hiệu quả quản lý, sử dụng TSC, không để thất thoát, lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước.
Thu Trang