Sáng 18/2, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) với tỷ lệ 463/465 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.
Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) được Quốc hội thông qua gồm 5 Chương, 32 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 3 năm 2025.. Theo đó, về vị trí, chức năng của Chính phủ, Luật quy định: Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.
Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ. Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Việc thành lập, bãi bỏ Bộ, cơ quan ngang Bộ do Chính phủ trình Quốc hội quyết định. Nhiệm kỳ của Chính phủ theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới thành lập Chính phủ.
Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ, Luật quy định tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ; bảo đảm bình đẳng giới. Tổ chức bộ máy hành chính quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; bảo đảm nguyên tắc cơ quan cấp dưới phục tùng sự lãnh đạo, chỉ đạo và chấp hành nghiêm chỉnh quyết định của cơ quan cấp trên.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi)
Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và chức năng, phạm vi quản lý giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ; bảo đảm nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Phân quyền, phân cấp hợp lý giữa Chính phủ với chính quyền địa phương, bảo đảm quyền quản lý thống nhất của Chính phủ và phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Thực hiện quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, liên tục, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, trong sạch, công khai, minh bạch, kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; phục vụ Nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của Nhân dân. Chủ động tham gia, phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm soát của Chính phủ đối với nền hành chính quốc gia và việc thực hiện quyền lập pháp, quyền tư pháp.
Trước khi các đại biểu biểu quyết, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Theo ông Hoàng Thanh Tùng, nhiều nội dung đã được UBTVQH tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) như nội dung về: bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ (Điều 5); nguyên tắc phân định thẩm quyền (Điều 6); phân quyền, phân cấp, ủy quyền (các điều 7, 8 và 9); nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; điều khoản chuyển tiếp (Điều 32)...
Về bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật, đặc biệt là các quy định về phân cấp, phân quyền để bảo đảm phù hợp, đồng bộ, thống nhất với các quy định của Hiến pháp, các luật và dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này; đồng thời cần bổ sung nội dung việc phân cấp, phân quyền phải gắn với kiểm soát quyền lực và chống lạm quyền.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát các quy định tại dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) với quy định của Hiến pháp, các luật, dự thảo luật có liên quan để bảo đảm tính hợp hiến, tính đồng bộ, thống nhất, liên thông giữa các luật và trong hệ thống pháp luật.
Đối với các quy định về kiểm soát quyền lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền đã được quy định tại khoản 7 và khoản 8 Điều 6, khoản 3 và khoản 4 Điều 8, khoản 3 và khoản 4 Điều 9 và các điều cụ thể về trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong dự thảo Luật.
Về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn về vai trò của Chính phủ với tư cách cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, chịu trách nhiệm trước Quốc hội; nghiên cứu cơ chế phối hợp giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Quốc hội, Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan khác; quy định rõ hơn về trách nhiệm giải trình của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, cử tri và Nhân dân.
UBTVQH cho rằng ý kiến của ĐBQH đã được thể hiện trong các quy định của dự thảo Luật. Cụ thể là, về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ: Dự thảo Luật thiết kế nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ thực hiện theo quy định của Hiến pháp; đồng thời, làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong mối quan hệ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, làm rõ các nhiệm vụ theo thẩm quyền của Chính phủ, vừa bảo đảm tính khái quát, vừa kế thừa các nhiệm vụ quản lý thống nhất nền hành chính quốc gia với tư cách Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất.Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ,dự thảo Luật đã thiết kế rõ nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ là thực hiện theo các quy định của Hiến pháp, pháp luật và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương.
Về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ (các điều 17, 18, 19), có ý kiến đề nghị bổ sung vào Điều 18 về trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách là thành viên của Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc phân quyền cho địa phương khi có đủ điều kiện, năng lực cần thiết, đồng thời phải bổ sung quy định giám sát chặt chẽ nội dung này.
UBTVQH nhận thấy việc phân quyền phải quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, nên chủ thể đề xuất ban hành văn bản cũng như trách nhiệm giám sát đã được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, do đó, xin không bổ sung vào dự thảo Luật.
Ngoài các nội dung trên đây, tiếp thu ý kiến ĐBQH và đề xuất của Chính phủ tại Văn bản số 105/CP-TCCV ngày 17/2/2025, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan rà soát, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật cả về nội dung và kỹ thuật văn bản.
Theo Vtv.vn
Thời gian qua, Đảng bộ xã Đoàn Kết (Yên Thủy) không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, chủ động tạo nguồn phát triển đảng viên, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.
Ngày 17/2, tại trụ sở Tiếp công dân tỉnh, đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi tiếp công dân định kỳ tháng 2/2025. Cùng tham gia tiếp công dân có các đồng chí: Bùi Thị Minh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành và các thành viên Hội đồng tư vấn tiếp công dân của tỉnh.
Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Tân Lạc vừa tổ chức hội nghị công bố các quyết định về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị huyện Tân Lạc và công tác cán bộ.
Cũng như các địa phương trong cả nước, tỉnh Hòa Bình xác định quyết tâm chính trị cao nhất khi thực hiện việc sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Đến thời điểm này, Đảng bộ xã Hiền Lương (Đà Bắc) đã hoàn thành khối lượng lớn công việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2025 - 2030. Ngày 10/1/2025, chi bộ xóm Dưng tổ chức đại hội điểm nhiệm kỳ 2025 - 2027 bảo đảm đúng quy định, bài bản.
Tính đến ngày 31/12/2024, Đảng bộ tỉnh Hòa Bình có 13 đảng bộ trực thuộc với 732 tổ chức cơ sở đảng, 71.294 đảng viên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy và cấp ủy các cấp luôn xem công tác phát triển đảng viên là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong công tác tổ chức xây dựng Đảng. Năm 2024, toàn Đảng bộ tỉnh kết nạp được 2.118/2.100 đảng viên, đạt 100,86% chỉ tiêu kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra.