Ngày 14/4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã ký Quyết định số 759/QĐ-TTg phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Ảnh tư liệu: Phạm Kiên/TTXVN
Đề án nêu rõ quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc sắp xếp. Trong đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp ngoài các tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định của pháp luật, cần cân nhắc thấu đáo các tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc; vị trí, điều kiện địa lý; quy mô, trình độ phát triển kinh tế - xã hội; hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin; yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế.
Đặt mục tiêu cao nhất là phát triển đất nước, mở rộng không gian phát triển cho đơn vị hành chính mới, phát huy vai trò dẫn dắt của các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng; ưu tiên sắp xếp các đơn vị hành chính miền núi, đồng bằng với các đơn vị hành chính có biển; kết hợp hài hòa, hợp lý các đơn vị hành chính có vị trí liền kề gắn với yêu cầu định hướng phát triển để hỗ trợ lẫn nhau, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế của đơn vị hành chính sau sắp xếp và yêu cầu, định hướng phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong giai đoạn mới. Ưu tiên bố trí các khu thương mại tự do, khu, cụm công nghiệp, đô thị, cảng biển, logictics, hồ chứa nước, đập thủy điện,... trong phạm vi 1 đơn vị hành chính cấp xã để thuận lợi trong quản lý nhà nước.
Kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã thành các đơn vị hành chính cấp xã mới, bảo đảm tinh gọn, giảm cấp trung gian; xây dựng và củng cố chính quyền địa phương cấp xã vững mạnh, gần dân, thiết thực nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Theo Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương quyết nghị số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương); tên gọi và trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp được xác định theo các nguyên tắc nêu tại Tờ trình và Đề án của Đảng ủy Chính phủ. Sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.
Có 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh không thực hiện sáp nhập gồm: Thành phố Hà Nội, thành phố Huế, các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Cao Bằng.
Còn lại 52 đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện sáp nhập, hợp nhất, thành 23 đơn vị hành chính cấp tỉnh mới. Trong đó có 19 tỉnh gồm: Tuyên Quang (hợp nhất Tuyên Quang và Hà Giang), Lào Cai (hợp nhất tỉnh Lào Cai và Yên Bái), Thái Nguyên (hợp nhất tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên), Phú Thọ (hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hòa Bình), Bắc Ninh (hợp nhất tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang), Hưng Yên (hợp nhất tỉnh Hưng Yên và Thái Bình), Ninh Bình (hợp nhất tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định), Quảng Trị (hợp nhất tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị), Quảng Ngãi (hợp nhất tỉnh Kon Tum và Quảng Ngãi), Gia Lai (hợp nhất tỉnh Gia Lai và Bình Định), Khánh Hòa (hợp nhất tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa), Lâm Đồng (hợp nhất tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận), Đắk Lắk (hợp nhất tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên), Đồng Nai (hợp nhất tỉnh Đồng Nai và Bình Phước), Tây Ninh (hợp nhất tỉnh Tây Ninh và Long An), Vĩnh Long (hợp nhất tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh), Đồng Tháp (hợp nhất tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp), Cà Mau (hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau), An Giang (hợp nhất tỉnh An Giang và Kiên Giang).
4 thành phố gồm: Hải Phòng (hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng), thành phố Đà Nẵng (hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng), Thành phố Hồ Chí Minh (hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh), thành phố Cần Thơ (hợp nhất thành phố Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang).
Theo Baotintuc.vn
Chiều 14/4/2025, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (Ban Chỉ đạo) chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo để triển khai Kế hoạch về việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và xây dựng hệ thống chính trị 2 cấp ở địa phương.
Cách đây tròn 50 năm, ngày 14/4/1975, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương ký gửi Bộ Chỉ huy chiến dịch Bức điện lịch sử với nội dung: "Đồng ý Chiến dịch Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”.
Sáng 14/4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 44.
Đảng bộ xã Mỵ Hòa, huyện Kim Bôi có 13 chi bộ trực thuộc, trong đó có 8 chi bộ khu dân cư, 2 chi bộ nhà trường và các chi bộ công an, quân sự, y tế với 225 đảng viên. Những năm qua, bám sát chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, Đảng bộ xã triển khai nhiều giải pháp đổi mới, nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Ban chấp hành Trung ương đã thống nhất cao về số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương).
Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã bế mạc ngày 12/4/2025 sau 3 ngày làm việc khẩn trương với sự thống nhất tuyệt đối. Có thể coi đây là "hội nghị của những việc cần làm ngay”, "hội nghị lịch sử bàn về những quyết sách lịch sử” trong giai đoạn Cách mạng mới của Việt Nam.