Tác giả Nguyễn Văn Hoành (Tư Hoành), nguyên Phó Cục trưởng T78 (thuộc Văn phòng Trung ương Đảng phía Nam), là người đã có nhiều năm phục vụ và bảo vệ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Kỷ niệm 103 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (7-4-1907 – 7-4-2010), Báo SGGP trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Nguyễn Văn Hoành về một trong những vị lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta.


 

Tổng Bí thư Lê Duẩn với các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần IV (1976)

Anh Ba Lê Duẩn vào Đảng từ những ngày mới thành lập, trải qua các cương vị như: cán bộ tuyên huấn Xứ ủy Bắc kỳ, Bí thư Xứ ủy Trung kỳ và Nam kỳ. Trong giai đoạn 1930-1931, anh bị thực dân bắt, kết án 20 năm tù và đày ra Côn Đảo. Thoát khỏi nhà tù về đất liền, anh tiếp tục bắt liên lạc với Đảng và tiếp tục công tác. Sau Nam kỳ khởi nghĩa, anh bị bắt lần thứ hai, bị đày ra Côn Đảo với bản án 10 năm tù. Ở trong tù, mặc dù bị tra tấn dã man anh vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản. Anh đã biến nhà tù thành trường học cách mạng. Vượt qua những giáo điều kinh điển để tự rèn luyện mình và cùng các đồng chí trong tù nghiên cứu rèn luyện cả về lý thuyết cách mạng, sức chịu đựng bền bỉ và trung thành vô hạn đối với sự nghiệp đấu tranh. Nhờ đó, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, anh về đất liền bắt tay vào công tác kháng chiến với tư duy sắc sảo, góp phần đưa cuộc kháng chiến của nhân dân Nam bộ tiến lên.

Với sự tôi luyện và cống hiến xuất sắc đó, năm 1951, tại Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ II, anh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Mặc dù vắng mặt vì điều kiện chiến trường, anh vẫn được Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất (khóa 2) bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị.

Trước khi Hiệp định Genève có hiệu lực, cùng với nhận định của Bác Hồ và Bộ Chính trị, anh Ba là một trong những người sớm nhận ra dã tâm của kẻ thù muốn chia cắt lâu dài đất nước ta, không thực hiện cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước như hiệp định này ghi nhận. Anh Ba Lê Duẩn đã bí mật ở lại miền Nam. Anh sâu sát quần chúng, bám cơ sở để tìm phương pháp đấu tranh cho cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới.

Sau hơn 800 ngày lặn lội tìm hiểu thực tiễn khắp các nơi từ Cà Mau, Bến Tre, Tây Nguyên rồi Sài Gòn, vượt qua mọi sự truy lùng gắt gao của kẻ thù, bản “Đề cương cách mạng miền Nam” do anh khởi thảo ra đời. Cán bộ, chiến sĩ, nhân dân ta ở miền Nam rất hoan nghênh vì chỉ có con đường duy nhất lúc đó là vùng lên chống Mỹ - Diệm để cứu nước.

Anh Ba hiểu sức mạnh to lớn của nhân dân, thực hiện hai phương thức đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang. Cuộc chiến đấu tập hợp và kết hợp đầy hiệu quả này là cuộc chiến đấu có một không hai trong lịch sử cách mạng nhân loại. Ngay từ Hiệp ước Sơ bộ ngày 6-3-1946, tư duy quân sự và chính trị kết hợp, nông thôn và thành thị phối hợp - đều là tiền tuyến, kháng chiến không chỉ bó hẹp ở chính trị hay quân sự đơn lẻ... đã từng là suy nghĩ của đại diện Trung ương Đảng ở Nam bộ: anh Ba Lê Duẩn. Tuy còn ở dạng phác thảo, nhưng sự quan tâm của anh trong thống nhất chỉ huy lực lượng vũ trang lúc này đã giúp miền Nam vượt qua giai đoạn khó khăn đặc biệt.

Trong trọng trách của mình ở các thời kỳ, anh Ba cùng Trung ương kiên trì chủ trương từng bước tiêu hao từng mảng sinh lực địch, tiến lên đánh thắng từng phần rồi tổng tiến công đánh thắng hoàn toàn lực lượng quân địch mạnh hơn mình gấp nhiều lần. Anh Ba biết đánh và biết cách đánh thế nào để thắng. Bởi vì anh biết kết hợp tất cả sức mạnh của đồng minh xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ đó và biết vận dụng tình cảm của đông đảo quần chúng nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, kể cả ngay trên đất Mỹ.

Nét độc đáo trong đường lối chiến tranh giải phóng dân tộc, trong đó điểm cuối cùng là giải phóng miền Nam năm 1975, thể hiện một phương châm tích cực, một trình độ linh hoạt cao của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, đứng đầu là Hồ Chủ tịch và anh Ba Lê Duẩn là người kế tục xuất sắc, đã nhanh phóng chuyển kế hoạch hai năm giải phóng miền Nam thành thời cơ thần tốc ngày 10-3 ở Buôn Ma Thuột tiến công vào hang ổ cuối cùng của địch: giải phóng hoàn toàn miền Nam vào mùa xuân năm 1975. Nói độc đáo là vì nếu giải phóng miền Nam chậm hơn, tình hình sẽ diễn biến vô cùng phức tạp khi chúng ta phải đối phó với những rắc rối sau đó như chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, sự kiện Liên Xô và các nước Đông Âu vào thập kỷ 90 của thế kỷ XX.

Tôi xin đề xuất ý kiến với các nhà chính trị, các nhà nghiên cứu lịch sử Đảng nên tiếp tục nghiên cứu thêm tính toàn diện, tính thống nhất, tính sáng tạo đổi mới của Đảng và vai trò của anh Ba Lê Duẩn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ đất nước cũng như trào lưu cách mạng thế giới. Xin nghiên cứu thêm sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện cụ thể của cách mạng nước ta thực hiện mục tiêu: “Ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Tóm lại, đối với cách mạng Việt Nam nói chung, với cách mạng miền Nam nói riêng, đồng chí Lê Duẩn là nhà cách mạng năng động, sáng tạo, kiên định trong suy nghĩ và hành động, có lòng tin vững chắc ở quần chúng cách mạng.

Tưởng nhớ đồng chí Lê Duẩn, chúng ta không thể không nhắc đến tấm lòng nhân hậu, trí tuệ sáng suốt, tài thao lược và công lao to lớn của đồng chí đã cống hiến vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng chí Lê Duẩn thực sự là một nhà chiến lược xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, giành thắng lợi trọn vẹn: độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc.

Suốt mấy mươi năm kề cận anh Ba, tôi thấy anh sống bình dị, gần gũi mọi người, đầy lòng tin yêu, nâng dắt mọi người... kể cả anh chị em giúp việc, cần vụ hay lái xe, nấu ăn, bảo vệ. Anh thường bảo chúng tôi: “Năng lực mọi người khác nhau nên công tác và trách nhiệm khác nhau nhưng chúng ta đều là đồng chí của nhau, cùng công tác với nhau để hoàn thành nhiệm vụ Đảng đã giao cho mọi người. Ai cũng như ai, không nên lấy nhiệm vụ công tác lớn nhỏ mà đánh giá con người”. Anh nói và anh sống như thế cho đến cuối đời.

Xin cho tôi bày tỏ lòng ngưỡng mộ một bậc thầy có công lớn đối với cách mạng Việt Nam và nhất là đối với cách mạng miền Nam: Đồng chí Lê Duẩn - một con người phải viết bằng chữ hoa.

                                                                         Theo SGGP

Các tin khác


Đoàn Đại sứ quán Nhật Bản thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình

Ngày 7/5, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH làm việc với đoàn Đại sứ quán Nhật Bản và đơn vị tài trợ thực hiện Dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của NCT tại Việt Nam” (VIE071). Tham dự có đại diện Tổ chức hỗ trợ NCT tại Việt Nam (HAI), lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục