Ngày 23-11, kỳ họp thứ tám, QH khóa XII sang ngày làm việc thứ 28. Tại hội trường, dưới sự điều hành của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, các đại biểu QH tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ.

 

Kiểm soát thị trường đi đôi với giảm nhập siêu

Mở đầu ngày làm việc, QH nghe Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày báo cáo tình hình thực hiện những vấn đề đại biểu QH nêu tại kỳ họp thứ bảy và tổng hợp những vấn đề nhiều đại biểu quan tâm tại kỳ họp thứ tám có liên quan trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, tại kỳ họp thứ tám, Bộ Tài chính nhận được 18 chất vấn thuộc lĩnh vực Bộ quản lý. Trong đó tập trung vào các nhóm vấn đề: Quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước, vấn đề nợ công; trách nhiệm của Bộ đối với quản lý vốn trong các doanh nghiệp nhà nước, trong đó có Vinashin; công tác quản lý giá đối với các mặt hàng thiết yếu, nhất là thời điểm cuối năm.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu Ðỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), Vi Trọng Lễ (Phú Thọ) và một số đại biểu khác về nguyên nhân khiến nhiều mặt hàng trên thị trường tăng giá, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tăng giá một số mặt hàng. Thứ nhất, do giá nhiều mặt hàng trên thị trường nước ngoài tăng cao đã tác động đến giá trong nước, trong khi chúng ta nhập siêu nên càng bị ảnh hưởng lớn. Bản thân thị trường trong nước cũng có nhiều nhân tố tác động đến giá tiêu dùng như thiên tai, dịch bệnh, sức mua tăng, thị trường tiền tệ thay đổi. Bên cạnh đó, hàng sản xuất trong nước chất lượng thấp, cạnh tranh chưa cao. Có một số mặt hàng trong nước chưa theo giá thị trường như điện, than, cho nên khi Nhà nước điều chỉnh giá các mặt hàng này dần theo cơ chế thị trường, đã khiến mặt bằng giá tăng lên. Một nguyên nhân nữa khiến giá tăng vào thời điểm giáp Tết là do sức mua tăng. Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp thực hiện nhằm kiềm chế tăng giá, hạn chế ảnh hưởng đời sống nhân dân. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tăng cường kiểm soát thị trường, nhất là dịp giáp Tết, yếu tố quan trọng số một là bảo đảm cung cầu hàng hóa, không để thiếu hàng. Yêu cầu chính quyền các địa phương tăng cường kiểm soát việc hình thành giá, giá niêm yết và giá bán thực tế trên thị trường.

Về ý kiến của đại biểu Vi Trọng Lễ (Phú Thọ) chung quanh việc Quỹ bình ổn giá xăng, dầu được thành lập chưa đúng quy định trong Pháp lệnh về giá, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định, việc lập Quỹ bình ổn giá xăng, dầu là cần thiết, đáp ứng được yêu cầu. Nếu không sử dụng quỹ này thì ngay tại thời điểm hiện nay giá xăng, dầu tại thị trường trong nước sẽ cao hơn so với giá các cửa hàng đang bán. Về việc có bỏ quỹ này hay không, Bộ trưởng cho biết, vấn đề này còn phải nghiên cứu.

Ðề cập cơn 'sốt' vàng và biến động tỷ giá ngoại tệ, đại biểu Trần Hữu Thế (Phú Yên) đặt câu hỏi, kịch bản giá vàng và ngoại tệ năm 2010 không khác so với năm 2009, nhưng tại sao cơ quan chức năng can thiệp chậm? Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thừa nhận, cơn 'sốt' vàng và biến động tỷ giá ngoại tệ thời gian qua có tác động lớn đến giá nhiều mặt hàng nói chung, nhất là hàng nhập khẩu, ảnh hưởng tâm lý của người dân. Liên quan đến vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã báo cáo giải trình làm rõ thêm một số nội dung. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, giá vàng năm nay diễn biến bất thường do giá thế giới biến động liên tục. Tuy nhiên, thời gian gần đây trong nước cũng xuất hiện hoạt động đầu cơ vàng, khiến thị trường vàng bất ổn. Ngân hàng Nhà nước đã cho phép nhập vàng để giải tỏa tâm lý thị trường; cho phép các ngân hàng huy động cho vay vàng và các biện pháp này đã có tác dụng nhất định. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng đề án nhằm ổn định thị trường vàng một cách bền vững. Về thị trường ngoại tệ, Thống đốc cho rằng, tình trạng nhập siêu đã tác động đến giá ngoại tệ trên thị trường, do vậy giải pháp quyết liệt hiện nay là hạn chế nhập siêu.

Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn

Nhiều đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng Vũ Văn Ninh về việc sử dụng vốn ngân sách và hiệu quả của đồng vốn trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng nông thôn. Ðại biểu Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa) nêu câu hỏi, quy trình phân phối vốn cho phát triển thế nào mà nhiều công trình chậm tiến độ do thiếu vốn. Về vấn đề này Bộ trưởng Vũ Văn Ninh lý giải, phân bổ vốn không phải là nhiệm vụ, chức năng của Bộ Tài chính. Hiện nay, Chính phủ giao tổng mức vốn trong năm cho các bộ, ngành, còn phân bổ vốn là nhiệm vụ của các bộ và của các chủ đầu tư. Ðối với các địa phương do HÐND quyết định phân bổ vào vốn cho các dự án, công trình cụ thể. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định, thời gian qua các dự án không phải chậm do thiếu vốn, mà do thủ tục giải phóng mặt bằng và thủ tục giải ngân kéo dài.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Hữu Thế (Phú Yên) về việc tăng trưởng thiếu bền vững do để dòng tiền đầu tư vào các ngành không hiệu quả, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, vốn đầu tư phát triển kinh tế- xã hội được huy động từ nhiều nguồn. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước chủ yếu đầu tư vào hạ tầng, làm cơ sở để phát triển các ngành kinh tế khác. Mặc dù có nhiều lĩnh vực không có lợi nhuận ngay, nhưng vốn ngân sách vẫn đầu tư, tạo sự tác động để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực của doanh nghiệp, bảo đảm phát triển hiệu quả. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, trong thời gian tới, phần vốn nhà nước ở các doanh nghiệp phải rà soát và đưa ra danh mục những ngành nghề Nhà nước cần chi phối, giữ vai trò chủ đạo, đầu tư trọng điểm. Liên quan vấn đề sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực lễ hội, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là một sự kiện rất lớn, có Ban chỉ đạo nhà nước. Ðến nay, Chính phủ đã chi 218 tỷ đồng để thực hiện việc đó. Bộ trưởng cũng khẳng định, không có chuyện Hà Nội chi hơn 90 nghìn tỷ đồng cho Ðại lễ. Về việc mua 2.000 viên ru-bi gắn vào 1.000 con rồng làm quà kỷ niệm dịp Ðại lễ, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, đó là tiền từ xã hội hóa, tiền của công ty bỏ ra, không phải lấy từ ngân sách Nhà nước.

Ðề cập việc đầu tư cho khu vực nông thôn theo chủ trương của Ðảng và Nhà nước, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) nêu vấn đề, hiện chúng ta đang thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhưng vốn Nhà nước chi cho chương trình này rất ít và chậm, gây khó khăn trong thực hiện. Về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói rằng, Chương trình xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn, gồm nhiều nguồn vốn khác nhau. Muốn thực hiện được chương trình này phải thực hiện tổng thể các chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình 135; chương trình xây dựng trường học; chương trình đường đến xã... để thực hiện từng chỉ tiêu cụ thể. Nguồn vốn cho Chương trình xây dựng nông thôn mới được lồng ghép thông qua các chương trình nói trên. Về việc hỗ trợ nông dân trong những thời điểm khó khăn như chương trình mua tạm trữ cà-phê, lúa, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, theo Nghị quyết 26-NQ/T.Ư 'Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn', chúng ta phải bảo đảm đời sống nông dân, đặc biệt thông qua hỗ trợ về thủy lợi, vốn, thông tin thị trường... Bên cạnh đó, các ngành hữu quan cũng thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ khác như mua tạm trữ cà-phê, lúa, muối theo hướng có lợi cho nông dân và diêm dân trong lúc được mùa, mất giá, nhằm ổn định đời sống người dân. Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Ðề án hỗ trợ cho nông nghiệp. Tuy nhiên, để khu vực nông thôn phát triển bền vững, cần cơ cấu lại sản xuất theo hướng phát triển các mặt hàng nông, thủy sản có lợi thế cạnh tranh, hạn chế các mặt hàng có đầu ra bấp bênh.

Về vấn đề nói trên, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát đã phát biểu ý kiến làm rõ thêm một số nội dung. Theo Bộ trưởng Cao Ðức Phát, nhu cầu vốn để thực hiện Chương trình nông thôn mới cấp xã rất lớn. Tuy nhiên, năm 2011 ngân sách T.Ư chủ yếu chi cho quy hoạch, còn chương trình cụ thể, các địa phương phải thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia như Chương trình 135; xây dựng trường học; đường đến xã... để thực hiện từng mục tiêu cụ thể. Ðối với tình trạng được mùa mất giá trong nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Ðức Phát cho rằng, giải pháp chiến lược là tập trung sản xuất các mặt hàng nông sản theo nhu cầu thị trường, có lợi thế cạnh tranh cao để tiêu thụ tốt; điều chỉnh quy hoạch; theo dõi thị trường để điều chỉnh sản xuất.

Tăng cường quản lý doanh nghiệp nhà nước

Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty lớn và công tác quản lý, điều hành của Nhà nước đối với doanh nghiệp này. Ðại biểu Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa) đặt câu hỏi, chúng ta thành lập Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), vậy cách quản lý vốn của doanh nghiệp này thế nào và biện pháp cụ thể của Bộ Tài chính trong quản lý vốn của các tập đoàn, tránh xảy ra nhiều vụ như Vinashin. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, việc thành lập các tập đoàn và tổng công ty là chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước, cùng với sắp xếp đổi mới doanh nghiệp, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Hiện nay, Chính phủ giao cho SCIC quản lý khoảng 900 doanh nghiệp, chủ yếu doanh nghiệp vừa và nhỏ, với tổng vốn chiếm chưa đầy 2% tổng vốn nhà nước tại tất cả các doanh nghiệp nhà nước khác. Cách quản lý doanh nghiệp hoàn toàn theo pháp luật quy định, Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp nhà nước và các văn bản cụ thể mà Thủ tướng Chính phủ quy định để họ hạch toán kinh doanh, kinh doanh theo cơ chế thị trường không có sự can thiệp hành chính của cơ quan chủ quản hay cơ quan quản lý vào tổng công ty này.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) về tỷ lệ vốn mà các tập đoàn kinh tế nhà nước được đầu tư ra ngoài ngành là bao nhiêu, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, căn cứ vào Nghị định 09 của Chính phủ ban hành năm 2009, quy định các tập đoàn được phép đầu tư vào ngành không phải sản xuất chính, nhưng phục vụ ngành sản xuất chính không quá 30% tổng tài sản. Ðối với đầu tư vào khu vực ngân hàng, tín dụng có quy định chặt hơn, theo đó các tập đoàn chỉ đầu tư vào một lĩnh vực không quá 20% vốn điều lệ của doanh nghiệp được đầu tư vào.

Trả lời chất vấn của đại biểu Ðặng Như Lợi (Cà Mau) và một số đại biểu khác về những bất cập trong quản lý nhà nước dẫn đến sai phạm của Vinashin trong việc mua sắm tài sản, đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính và giá trị thực tế hiện nay của Vinashin là bao nhiêu... Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, theo báo cáo đến ngày 30-6-2009, tổng tài sản của Vinashin là hơn 104.000 tỷ đồng, số nợ là hơn 86.000 tỷ đồng. Số nợ này nằm trong các dự án, nhà máy mà Vinashin đang đầu tư. Vinashin đã đầu tư xây dựng 110 nhà máy, trong đó 28 nhà máy hoạt động tốt. Tuy nhiên, trong quá trình vay vốn, Vinashin đã mua một số tài sản, máy móc, tàu, thuyền cũ. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định, tài sản của Vinashin chắc chắn không mất hết, giá trị cụ thể là bao nhiêu các ngành chức năng đang đánh giá và sẽ có báo cáo cụ thể. Bộ Tài chính đang yêu cầu các cơ quan kiểm toán và cơ quan điều tra vào cuộc xác định giá trị thực của các tài sản này. Ðề cập trách nhiệm của ba bộ liên quan vấn đề này là Tài chính, Kế hoạch và Ðầu tư, Giao thông vận tải, đại biểu Ðồng Hữu Mạo (Thừa Thiên- Huế) nêu câu hỏi, các bộ, ngành này không quản lý hay không quản lý được; không phát hiện hay có phát hiện sai phạm của Vinashin mà không làm gì được; vì sao lại để vi phạm kéo dài mà không ngăn chặn sớm. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, quy định của Luật Doanh nghiệp đã giao cho doanh nghiệp quyền tự vay. Bộ Tài chính có trách nhiệm giám sát, thanh tra, kiểm tra nhưng không quyết định cụ thể từng phương án kinh doanh sản xuất, sử dụng từng nguồn vốn của Vinashin. Trong quá trình đó, Bộ đã tổ chức thanh tra, kiểm tra và đã phát hiện việc vi phạm trong sử dụng vốn của tập đoàn như: Sử dụng vốn chưa hiệu quả, đầu tư dàn trải, làm chưa đúng quy định, đã báo cáo và yêu cầu tập đoàn xử lý, khắc phục, cắt giảm các dự án đầu tư. Ngay từ tháng 6-2009, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu Vinashin phải chấp hành kiến nghị của các cơ quan quản lý nhà nước, sắp xếp lại sản xuất, cắt giảm các dự án đầu tư. Ðến năm 2010, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo Vinashin bàn giao dự án cho một số tổng công ty, tập đoàn khác. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, Vinashin là một bài học. Bài học rút ra là phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và triển khai xử lý một cách triệt để, mạnh mẽ hơn khi phát hiện ra những vi phạm.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trịnh Thị Nga (Phú Yên) và Lê Quốc Dung (Thái Bình) về trách nhiệm của Bộ Tài chính và bản thân Bộ trưởng đối với sai phạm tại Vinashin; nếu không phải trách nhiệm của Bộ Tài chính thì lỗi của cơ quan nào, cá nhân nào, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói, theo quy định, doanh nghiệp được phép huy động vốn kinh doanh và tự chịu trách nhiệm. Bộ Tài chính không có quyền thẩm định hay phê duyệt dự án nào cụ thể của Vinashin. Bộ Tài chính đã thanh tra, phát hiện và kiến nghị xử lý, trong đó có việc Vinashin thực hiện theo kiến nghị, có việc không thực hiện. Bộ Tài chính đã thực hiện đúng chức năng kiểm tra, thanh tra, nhưng Luật Thanh tra có bất cập là không được trực tiếp xử lý, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng về những sai phạm của Vinashin. Về trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc Vinashin vay lại của Chính phủ 750 triệu USD trái phiếu, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh trả lời, khi xây dựng đề án phát hành trái phiếu 750 triệu USD, Vinashin có chính sách phát triển phù hợp để vay nguồn vốn này nhằm xây dựng ngành công nghiệp đóng tàu. Thời điểm đó, Bộ Tài chính và các bộ, ngành khác thẩm định và thấy rằng Vinashin có các điều kiện phù hợp để vay, Bộ Tài chính đã có tờ trình Chính phủ về việc cho Vinashin vay khoản tiền này. Tuy nhiên, năm 2008 phát hiện Vinashin đầu tư sai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Vinashin có những chấn chỉnh trong đầu tư. Liên quan đến công tác cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, sắp xếp lại doanh nghiệp là giải pháp quan trọng đã được khẳng định. Ðây cũng là một trong những giải pháp đột phá, cùng với các giải pháp khác nhằm nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, hiện mới có 5% số vốn nhà nước được CPH là quá ít. Nguyên nhân do năm 2009 công tác CPH bị chậm lại do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới. Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới công tác CPH sẽ được đẩy mạnh, với tỷ lệ vốn của Nhà nước được CPH cao hơn. Cũng trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến bất cập trong áp thuế nhập khẩu; tình trạng gian lận thuế của một số doanh nghiệp FDI; việc doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra nước ngoài...

Kết thúc phần trả lời của Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng phát biểu ý kiến nêu rõ: Tài chính, ngân hàng là hoạt động rất quan trọng, rất khó, cùng một lúc chịu sự tác động của nhiều yếu tố. Thời gian qua, Bộ Tài chính đã hết sức nỗ lực, cố gắng trong điều kiện khủng hoảng kinh tế thế giới. Việc giữ được tăng trưởng kinh tế vĩ mô như hiện nay có công sức của Bộ Tài chính. Theo Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nắm kỹ, chắc vấn đề, trả lời chu đáo, nhưng sự khái quát tổng hợp còn hạn chế. Bộ trưởng đã trả lời làm rõ thực trạng của tình hình khó khăn hiện nay để đưa ra hướng thực hiện trong thời gian tới. QH mong rằng, trong thời gian tới Bộ trưởng tiếp tục nghiên cứu điều tra, dự báo để đối phó kịp thời trước những diễn biến của tình hình giá cả, thị trường. Những quy định chưa hợp lý cần tự điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh kịp thời.

Khắc phục bất cập trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông

Trước khi trả lời các câu hỏi chất vấn trực tiếp của các đại biểu QH tại hội trường, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Hồ Nghĩa Dũng báo cáo về kết quả giải quyết các vấn đề đã giải trình trước QH tại phiên họp chất vấn ở kỳ họp thứ bảy, QH khóa XII. Báo cáo đề cập về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, gồm công tác xây dựng chiến lược và chuẩn bị đầu tư, quản lý xây dựng và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án cụ thể, công tác duy tu, bảo đảm an toàn giao thông. Báo cáo cũng nêu một số lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành GTVT như quản lý, hiện đại hóa các trạm thu phí, lành mạnh hóa tài chính của Tổng công ty Xây dựng đường thủy, quyết toán dự án hoàn thành chậm, chủ trương xã hội hóa kinh doanh vận tải đường sắt. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng nêu các biện pháp Bộ GTVT đã và đang triển khai nhằm tăng cường công tác bảo đảm TTATGT và giảm thiểu tai nạn giao thông.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu Phạm Phương Thảo (TP Hồ Chí Minh), Lê Bộ Lĩnh (An Giang) về việc xuất hiện 42 hố 'tử thần' ở nội thành TP Hồ Chí Minh, bất cập trong phân công, phân cấp, cơ chế phối hợp liên bộ, liên ngành xây dựng cơ sở hạ tầng nói chung và cơ sở hạ tầng giao thông nói riêng, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thừa nhận tình trạng hố 'tử thần' do các công trình xây dựng trên đường và tái tạo, tái lợp lại mặt đường chưa đúng quy định; sự xuống cấp hư hỏng của các công trình ngầm, trong đó có các công trình cấp thoát nước gây sụt lún; do địa chất thủy văn, triều cường, việc khai thác nước ngầm tùy tiện. Bộ GTVT không làm chủ đầu tư công trình ở nội đô TP Hồ Chí Minh mà UBND thành phố Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư và trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư và các đơn vị thi công công trình. Tuy nhiên, thấy được trách nhiệm của Bộ trong vấn đề bảo đảm chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông, an toàn giao thông..., Bộ GTVT đã cử cán bộ phối hợp TP Hồ Chí Minh tìm cách giải quyết nhanh những vấn đề này trong phạm vi phối hợp của Bộ.

Về quản lý nhà nước còn chồng chéo, theo Bộ trưởng GTVT, việc quản lý kết cấu hạ tầng đô thị, quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng đô thị thuộc chức năng quản lý của Bộ Xây dựng. Kết cấu hạ tầng có nhiều, trong đó có hạ tầng ngầm, đường giao thông, vỉa hè, đường cấp thoát nước, có cả chiếu sáng... Thực tế ở địa phương, Sở GTVT và Sở Xây dựng có chồng chéo trong lĩnh vực quản lý nói trên. Bộ GTVT đang nghiên cứu, phối hợp Bộ Xây dựng để giải quyết triệt để tình trạng chồng chéo trong quản lý nhà nước về kết cấu hạ tầng đô thị giữa hai ngành, có phân công cụ thể, hợp lý hơn. Bộ trưởng cũng cho biết, tiến độ các công trình giao thông chậm là một thực tế, tuy đã có nhiều cải tiến. Nguyên nhân do quá trình chuẩn bị, đầu tư dự án quá nhiều thủ tục, thời gian kéo dài, khi bước vào thi công trình độ năng lực nhà thầu không đều và có hạn, giải phóng mặt bằng còn nan giải. Ngoài ra, sự phối hợp liên ngành giữa chủ đầu tư, các bộ, các ngành liên quan với các địa phương trong thực hiện dự án chưa tốt.

Liên quan tới một số dự án, công trình cụ thể do các đại biểu Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận), Lê Bộ Lĩnh (An Giang) nêu ra, Bộ trưởng GTVT cho biết, dự án quốc lộ 27 đã được khởi công nhưng tiến độ chậm do việc bố trí vốn của trái phiếu Chính phủ trong năm 2010 đã giải ngân hết ngay từ tháng 9-2010, phải đợi ứng vốn trái phiếu Chính phủ trong năm 2011 và dự kiến cuối năm 2011 đầu năm 2012 sẽ hoàn thành. Những năm qua ngành đã nỗ lực nâng cấp tuyến quốc lộ 91, việc xảy ra sạt lở nguyên nhân không phải chất lượng con đường, mà do biến động của dòng chảy của sông, của kênh đã khoét hố sâu hết dưới lòng đường. Bộ đã cố gắng xử lý nhanh, phối hợp địa phương di dân, xử lý việc sụt lở này nhưng phương án này chỉ là tình thế, hiện đang tiếp tục cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu tiếp quy luật, biến động mới của dòng chảy để đề ra phương án xử lý triệt để hơn, hướng có thể phải nắn tuyến.

Dự án đường sắt cao tốc: Ðang nghiên cứu khả thi

Liên quan đến việc Bộ GTVT triển khai nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc bắc - nam, các đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), Dương Trung Quốc (Ðồng Nai), Nguyễn Ðình Xuân (Tây Ninh) chất vấn Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng. Bộ trưởng trả lời, theo bản tổng hợp thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ bảy, QH Khóa XII, phiên họp chiều 19-6, QH đã kết luận về dự án đường sắt cao tốc: 'Căn cứ vào việc thảo luận tập thể của Ủy ban Thường vụ QH khi xin ý kiến QH biểu quyết hai điều cốt lõi nhất của nghị quyết mà đại biểu Quốc hội biểu quyết không quá bán thì coi như QH chưa thông qua nghị quyết tại kỳ họp này và Chính phủ tiếp tục chuẩn bị nghiên cứu để trình QH tại kỳ họp khác'. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT trên cơ sở những ý kiến góp ý của QH tổng hợp đưa vào nội dung nghiên cứu, đánh giá để tiếp tục nghiên cứu sâu sắc và toàn diện hơn dự án để báo cáo QH thực hiện theo hướng yêu cầu của QH. Trong các quy định về đầu tư xây dựng, Chính phủ được quyền cho phép nghiên cứu và lập dự án. Căn cứ vào những kết luận của Ðảng và đối chiếu theo những quy định pháp luật, việc nghiên cứu dự án đường sắt này là cần thiết và đúng luật. Bộ GTVT được sự chỉ đạo của Thủ tướng tiếp tục tiến hành nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc dưới dạng báo cáo khả thi nhằm làm rõ thêm những vấn đề trong báo cáo tiền khả thi vì khuôn khổ nội dung báo cáo tiền khả thi chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu mà nhiều đại biểu QH nêu lên như về công nghệ, môi trường, hiệu quả dự án, về huy động vốn, về sức chịu đựng vốn, sức chịu đựng của nền kinh tế đối với dự án; phục vụ cho công tác quy hoạch của giao thông vận tải, gắn quy hoạch tuyến đường sắt bắc - nam với quy hoạch sử dụng đất trong tương lai. Việc nghiên cứu khả thi không phải toàn tuyến bắc - nam, mà nghiên cứu khả thi một số dự án. Dự định sẽ nghiên cứu đường sắt trên cao nối dọc vành đai 3, trung tâm Hà Nội tới sân bay Nội Bài, tuyến đường sắt Hà Nội - Thanh Hóa - Vinh, Nha Trang - TP Hồ Chí Minh. Chỉ dừng ở mức độ nghiên cứu một số đoạn của dự án đường sắt cao tốc, nếu vượt quá tổng mức đầu tư mà QH cho phép thì Chính phủ phải báo cáo QH. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu đó nếu Chính phủ thấy khả thi, có thể thực hiện được sẽ báo cáo QH vào những thời điểm thích hợp, QH quyết định đầu tư thì Chính phủ mới đầu tư.

Bộ GTVT được Chính phủ giao đã xây dựng quy hoạch và tiếp tục rà soát để xây dựng quy hoạch về mạng lưới đường sắt trong cả nước nói chung và trong đó có tuyến đường sắt bắc - nam. Về định hướng, đường sắt 1 m đã có 130 năm, hướng quy hoạch là tiếp tục các dự án để nâng cấp và hiện đại hóa từng phần đường sắt 1 m hiện có, để trước mắt cũng như lâu dài phục vụ vận chuyển hàng hóa liên vùng và bắc - nam, phục vụ vận chuyển đường sắt ở cự ly vài trăm km. Ðồng thời, quy hoạch một tuyến đường sắt mới, khổ 1,435 m cơ khí hóa và điện khí hóa theo hướng hiện đại tuyến bắc - nam và đã làm là phải đi ngay vào hiện đại, kết nối với các đường sắt đô thị. Bộ trưởng cho biết, đang hợp tác với nước ngoài để nghiên cứu đường sắt cao tốc. Cũng có nhiều đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc,... và hiện nay chỉ hợp tác thỏa thuận để nghiên cứu dự án, chưa có bất cứ thỏa thuận nào về đầu tư dự án. Trong quá trình nghiên cứu dự án, tiếp cận, chọn lựa thông tin sẽ phân tích cụ thể và chọn phương án tối ưu nhất. Liên quan đến dự án bô-xít, có ba phương án vận tải: Trước mắt sử dụng đường bộ, lâu dài doanh nghiệp cùng Nhà nước đầu tư đường sắt để vận chuyển, và phương án thứ ba là vận chuyển bằng ống.

Trách nhiệm đối với Vinashin

Vinashin là vấn đề được nhiều đại biểu QH quan tâm. Về con số lỗ của Vinashin mà đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng lên tới 100 nghìn tỷ đồng, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định, không có chuyện lỗ 100 nghìn tỷ đồng, việc lỗ bao nhiêu các cơ quan đang tiếp tục làm rõ. Con số nợ là 86 nghìn tỷ đồng và đã là doanh nghiệp làm dự án đấu thầu, đầu tư phát triển như Vinashin thì phải có vay, có nợ. Vay để đầu tư phát triển, nợ trong đầu tư phát triển và nợ trong những dự án đóng tàu đang dở dang..., trong việc vay vốn đầu tư và vay vốn lưu động. Chuyện vay nợ của bất cứ doanh nghiệp nào đó là chuyện đều có, nhưng điều bất thường của Vinashin là nợ trên vốn chủ sở hữu đã vượt quá cao so với tỷ lệ cho phép, lên tới 11 lần (thông thường khoảng ba lần, bốn lần có thể trong giới hạn an toàn) là mất an toàn và có khả năng sẽ bị phá sản. Nếu bình thường, thị trường phát triển tốt, lành mạnh, doanh nghiệp xoay sở vượt qua, nhưng tình hình thế này, chuyện đứng trên bờ phá sản là rõ ràng. Nhưng không có nghĩa rằng số nợ này là số lỗ. Số nợ này đang nằm trên tài sản hiện hữu của Vinashin, trong đó có hơn 100 cơ sở sản xuất, 28 cơ sở đóng tàu đang hoạt động, 14 cơ sở đang đầu tư, hàng chục hợp đồng đóng tàu dở dang. Theo Bộ trưởng, Nhà nước sẽ bằng cơ chế đúng pháp luật hỗ trợ cho Vinashin các điều kiện để tiếp cận vốn, góp phần lành mạnh hóa dần tình hình tài chính của Vinashin qua đề án tái cơ cấu, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất trở lại. Bản thân Vinashin phải bằng hoạt động kinh doanh của mình để trả nợ, không phải Nhà nước dùng vốn ngân sách hay nguồn vốn khác trả nợ thay cho Vinashin. Vận tải hàng hóa, vận tải biển và giá đóng tàu, giá tàu đang phục hồi trở lại và nếu tiếp tục phục hồi được, cùng với những nội dung của đề án tái cơ cấu mà Chính phủ sẽ hỗ trợ cho Vinashin thì Vinashin có thể đẩy mạnh được hoạt động sản xuất kinh doanh và có thể trả được số nợ này. Theo báo cáo kiểm toán, số lỗ chính thức đến năm 2009 của Vinashin là 1.600 tỷ đồng, năm 2010 với tình hình này vẫn còn lỗ nữa.

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Ðình Xuân (Tây Ninh) và Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) về tình hình tài chính của Vinalines khi tiếp nhận Vinashin, tình trạng Vinashin mua tàu cũ, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, kể cả những công trình chuyển giao, những dự án mà Vinashin đang làm thì dần dần đang được phục hồi trở lại. Hầu hết công nhân đang được huy động trở lại và có việc làm. Năm 2010 cố gắng hoàn thành khoảng 30 con tàu nữa, năm 2011 triển khai hợp đồng đóng khoảng 60 đến 70 con tàu. Nhiều chủ tàu ở nước ngoài đang quay trở lại cùng với chúng ta đàm phán để tiếp tục các dự án. Những con tàu Vinashin chuyển sang cho Vinalines, Vinalines đã sử dụng và có con tàu cũ bán đã có lãi so với lúc mua và đang sử dụng hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu vận tải và phát triển của Vinalines. Bộ trưởng cũng cho biết, theo quy định của luật và các nghị định về mua bán tàu biển, việc mua tàu cũ là quyền của doanh nghiệp. Vinashin là tập đoàn nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo không mua tàu cũ mà phải đóng mới, ngoại trừ trường hợp trong nước không đóng được thì mới mua. Việc mua tàu cũ trái quy định của Thủ tướng, Hội đồng quản trị Tập đoàn Vinashin phải chịu trách nhiệm.

Tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Võ Hồng Phúc và Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh đã phát biểu ý kiến làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến đầu tư, khai thác bô-xít và tình hình sản xuất, kinh doanh của Vinashin.

Về vấn đề quy hoạch giao thông cho khai thác bô-xít, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã tính đến các phương án giao thông để bảo đảm về chương trình khai thác và chế biến a-lu-min ở Tân Rai, Bảo Lộc, Lâm Ðồng và Nhân Cơ ở tỉnh Ðác Nông. Ðối với phương án vận tải ở Tân Rai, Bộ đã phê duyệt và xem xét phương án vận tải bằng đường ống từ Bảo Lộc xuống cảng Kê Gà (Bình Thuận). Trước khi triển khai đường ống thì vận chuyển qua đường bộ từ Bảo Lộc xuống ngã ba Dầu Giây và về cảng Cái Mép - Thị Vải. Ðồng thời, để bảo đảm đáp ứng nhu cầu vận tải tăng của quốc lộ 20, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải dành vốn đầu tư đoạn từ đèo Bảo Lộc đến Bảo Lộc. Về vận tải cho Nhân Cơ, phương án là vận tải đường sắt. Trước mắt, khi chưa có đường sắt sẽ vận tải đường bộ từ Ðồng Xoài về TP Hồ Chí Minh và về Ðồng Nai hoàn toàn bảo đảm. Ðối với dự án đường sắt, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cùng Bộ Giao thông vận tải nhiều lần đề nghị nghiên cứu dự án này và thấy rằng, chưa thể nâng cấp đường sắt hiện nay vì khổ rất hẹp, đặc biệt khi qua đồi núi quanh co, có bán kính cong rất nhỏ, không thể chạy tàu có tốc độ cao.

Về Vinashin, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, Nghị định 86 sửa đổi Nghị định 132 quy định, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư chỉ còn chức năng tham mưu cho Chính phủ về việc quy hoạch, kế hoạch và chiến lược phát triển của Vinashin. Ðối với việc làm tham mưu cho Chính phủ, Bộ đã làm tròn nhiệm vụ.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nêu quan điểm, đối với Vinashin, ở góc độ tổng quan chung, đây là bài học chung cho cả QH, Chính phủ về việc thí điểm. Bài học này cần được rút kinh nghiệm, nhất là trong vấn đề xây dựng luật và ban hành các quy chế dưới luật để quản lý.

Ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đã không nhận được sự đồng tình của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận. Ðại biểu Nguyễn Văn Thuận cho rằng, cách trả lời của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc là chưa hợp lý vì như vậy QH là cơ quan phải chịu trách nhiệm chính đối với những hạn chế của việc xây dựng luật về quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, trong khi Bộ Kế hoạch và Ðầu tư lại không có trách nhiệm trong vấn đề này.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh phát biểu ý kiến chia sẻ với các đại biểu QH về những lo lắng đối với phương thức kinh doanh của Vinashin, đồng thời nêu rõ, hiện nay, Vinashin đã trả chín kỳ lãi. Ðặt giả thiết dừng hoạt động của Vinashin để bán tài sản thì hiệu quả rất thấp và có thể Nhà nước sẽ phải trả nợ thay. Tuy nhiên, Chính phủ đã quyết định cần xây dựng nền công nghiệp đóng tàu mạnh ở nước ta. Trong thực tế, Vinashin có những dự án không hiệu quả, có dự án vi phạm, nhưng khách quan thì hiện nay Vinashin đang có những cơ sở sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Vì vậy, Chính phủ quyết định tái cơ cấu Vinashin để có thu nhập, hoàn vốn và trả nợ. Chính phủ sẽ không trả nợ thay Vinashin mà tập đoàn này phải tự sản xuất kinh doanh và trả nợ. Bộ trưởng Tài chính cho biết thêm, ngay từ tháng 4-2008, Chính phủ đã có những chỉ đạo như cắt giảm các dự án đầu tư tại Vinashin, sắp xếp lại sản xuất, kinh doanh... Ðến nay, việc tái cơ cấu đã triển khai được ba bước, trong đó, bước một là tháng 7-2009, bước hai là tháng 6-2010, bước ba là tái cơ cấu một cách toàn diện.

Về việc tái cơ cấu Vinashin, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng phát biểu ý kiến, khẳng định tầm quan trọng của nền công nghiệp đóng tàu và sự phát triển tốt của Vinashin trong những năm trước đây. Ðến năm 2008 sang năm 2009, Vinashin lâm vào tình trạng phá sản, và không chỉ Vinashin mà toàn bộ ngành công nghiệp đóng tàu thế giới lâm vào tình trạng này, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu; Hàn Quốc đã cứu ngành đóng tàu bằng 25 tỷ USD và chi phí để mua lại những con tàu đang đóng dở dang, bù giá 25%. Trung Quốc bỏ ra 60 tỷ USD và cũng bù giá để mua lại những con tàu đang đóng. Ở nước ta, khi Vinashin lâm vào tình trạng phá sản, tất cả các nhà máy đình trệ, công nhân hầu như thất nghiệp, 8/12 tỷ USD hợp đồng đóng tàu bị hủy.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng cho biết, việc tái cơ cấu bắt đầu từ năm 2008, với việc cắt giảm các dự án đầu tư và thu hồi các khoản vốn của Vinashin góp vào những chỗ khác. Từ 185 dự án xuống còn 48 dự án và đến thời điểm này còn 28 dự án, nhưng chỉ tập trung vào 13 dự án. Ðến đầu năm 2010, Vinashin được cơ cấu bước hai với việc chuyển một số ngành như vận tải sang Vinalines, chuyển một số công nghiệp đóng tàu phụ trợ sang ngành dầu khí. Từ tháng 8 đến nay, tư tưởng của 57 nghìn công nhân, cán bộ Vinashin đã ổn định với quyết tâm khôi phục Vinashin. Tất cả công nhân viên của Vinashin đã có việc làm với mức lương bình quân 2,8 triệu đồng/người/tháng, các khoản nợ cũ về bảo hiểm và tiền lương dần dần được trả; 100 tỷ đồng nợ bảo hiểm sẽ trả tiếp. Số công nhân từ thuyền trưởng đến nhân viên làm nhiệm vụ vận tải tàu biển, vận tải hàng hóa có lương 6 triệu đồng/người/tháng. Các công nhân chuyển sang ngành dầu khí có lương bình quân hơn ba triệu đồng/người/tháng.

Sản xuất kinh doanh của Vinashin bắt đầu phục hồi, trong đó, quan trọng nhất là 130 con tàu vẫn giữ được hợp đồng; 28 nhà máy đóng tàu đã hoạt động trở lại; 27 con tàu đang đóng dở cũng tiếp tục được đóng. Năm nay, Vinashin dự kiến đóng được 66 con tàu với giá trị doanh thu khoảng 600 triệu USD và cộng với doanh thu của hoạt động công nghiệp phụ trợ thì Vinashin sẽ có doanh thu 14 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, Vinashin đang đàm phán, có thể ký 110 hợp đồng đóng tàu trong nước và ngoài nước vào năm 2011. Hoạt động phụ trợ của Vinashin cũng bắt đầu trở lại, trong đó, cơ khí đi-ê-den sẽ làm ra những máy 3.000 đến 8.000 mã lực, đủ sức kéo những con tàu 12 nghìn tấn đến 22 nghìn tấn. Hầu hết các con tàu của Vinashin chuyển cho Vinalines đã lên biển chở hàng và có doanh thu. Như vậy, kinh doanh vận tải biển của Vinashin đang tiếp tục phát triển. Tàu Hoa Sen đang trong giai đoạn phục hồi và đã có phương án sử dụng bước đầu là cho thuê.

Ðối với khả năng trả nợ của Vinashin, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, nếu tàu đóng được, bán được thì có tiền trả nợ, trả nợ dài hạn, trả nợ ngắn hạn. Hiện nay, còn 216 doanh nghiệp cần tái cơ cấu tiếp bằng nhiều phương pháp nhưng không vội vàng mà cần triển khai từng bước để có thể thu hồi vốn. Trước mắt, năm nay, Vinashin vẫn tiếp tục lỗ, nhưng nếu thị trường tốt, quản trị tốt, thì sang năm có thể lỗ ít, và năm 2012 có thể đứng vững được và giảm lỗ. Từ năm 2013, 2014 sẽ có lãi.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết thêm, những con số này được tính đến thời điểm ngày 30-6-2010 và cần được tiếp tục đánh giá chính xác qua kiểm toán, thanh tra.

Về vấn đề kiểm điểm trách nhiệm đối với quản lý, điều hành Vinashin, Phó Thủ tướng cho biết, Bộ Chính trị chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm một cách nghiêm túc từ người đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng liên quan và tập đoàn, tổng công ty; Ủy ban Kiểm tra T.Ư chủ trì việc này, giúp Bộ Chính trị và Ban Bí thư làm công tác kiểm điểm một cách nghiêm túc. Kết quả kiểm điểm sẽ công khai trước công luận.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 23-11, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, phiên chất vấn này diễn ra sôi nổi với việc tập trung xem xét, đánh giá, phân tích, tìm nguyên nhân, trách nhiệm và hướng khôi phục, phát triển Vinashin. Ðồng thời, các đại biểu QH đã nêu ý kiến về các công trình giao thông, kể cả đường bộ, đường sắt, dự án đường sắt cao tốc bắc - nam, đường Hồ Chí Minh... Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã báo cáo, trả lời chân thành, nêu rõ những việc đã làm được cũng như những hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đề nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp tục quan tâm khắc phục, giải quyết những hạn chế, những vấn đề mà các đại biểu QH đã nêu ra, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và đề xuất sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp quy, văn bản pháp luật không còn phù hợp.

                                    

                                                                           Theo Báo Nhandan

Các tin khác


Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại Liên đoàn Lao động tỉnh

Chiều 7/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh. Tham dự có đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.

Đoàn Đại sứ quán Nhật Bản thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình

Ngày 7/5, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH làm việc với đoàn Đại sứ quán Nhật Bản và đơn vị tài trợ thực hiện Dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của NCT tại Việt Nam” (VIE071). Tham dự có đại diện Tổ chức hỗ trợ NCT tại Việt Nam (HAI), lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục