Một trong những điểm nhấn đặc biệt quan trọng được nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 là việc khẳng định Việt Nam cần thay đổi mô hình tăng trưởng, từ chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, tức là thay đổi một trong các yếu tố rất cơ bản đã giúp công cuộc đổi mới đạt được những thành công to lớn về kinh tế trong 25 năm qua.



Đó thực sự là tư duy cách mạng, dám nhìn thẳng vào sự thực, nghiêm túc phê phán, nắm bắt được xu thế và yêu cầu phát triển để tự đổi mới của Đảng ta. Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội nhận thấy trong sự khẳng định đó triển vọng phát triển tốt đẹp của đất nước ta trong giai đoạn tới. Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội đọc thấy trong quyết tâm đó bản lĩnh cách mạng, năng lực lãnh đạo to lớn và sức chiến đấu mạnh mẽ của Đảng ta.
 


Các đại biểu Đoàn Hà Nội trao đổi bên lề Đại hội. Ảnh: Thái Hiền


Chúng ta có đủ căn cứ để nhận định như vậy:

Một là việc thay đổi mô hình tăng trưởng phù hợp với xu thế thời đại, với trào lưu phát triển của thế giới mà Việt Nam đã hội nhập sâu và trở thành một bộ phận của nền kinh tế thế giới.

Hai là sự thay đổi đó xuất phát từ nhu cầu nội tại cấp bách của chính nước ta, khi mà động lực và nguyên lý hoạt động của mô hình tăng trưởng đã từng mang lại thành công nay không còn đủ khả năng bảo đảm cho chúng ta giải quyết thành công các nhiệm vụ phát triển đầy khó khăn của giai đoạn mới; khi mà sự cạnh tranh trong toàn cầu hóa ngày càng khốc liệt hơn.

Như chúng ta đã biết, loài người đang chuyển sang thời đại công nghệ mới, với sự hiện diện của hàng loạt công nghệ mới - công nghệ thông tin, công nghệ gen, công nghệ na-nô, công nghệ vật liệu mới... Những công nghệ này đang làm thế giới biến đổi hết sức nhanh chóng và sâu sắc. Chúng mang đến cho loài người cách tư duy phát triển hoàn toàn mới mẻ, dựa trên nguyên tắc đổi mới không ngừng. Trong sự bùng nổ công nghệ đó, đang hiện ra ngày càng rõ nét cơ hội lịch sử hiếm hoi mà thời đại tạo ra để các nước đi sau tiến vượt lên, rượt đuổi và bắt kịp các nước đi trước.

Song song với quá trình biến đổi công nghệ, thế giới cũng đang chịu những áp lực thay đổi cấu trúc và mô hình phát triển. Chúng ta nhận thấy tính nguy cấp ngày càng rõ của sự cạn kiệt tài nguyên, của tình trạng ô nhiễm môi trường; thêm vào đó là xu hướng trái đất nóng lên và nước biển dâng. Loài người đã đạt đến giới hạn sinh tồn khi nỗ lực phát huy tối đa cách phát triển dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên, tận dụng sự hào phóng của thiên nhiên theo lối hủy hoại nó thay vì phải dựa vào công nghệ và trí tuệ con người.

Thế giới phải nhanh chóng tái cấu trúc - tuyên ngôn phát triển mới của thế giới đã vang lên tại Diễn đàn Phát triển thế giới Davos, Thụy sĩ cách đây 2 năm, ngay sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu “trăm năm có một” bùng phát. Tiếp theo đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Tokyo tháng 11-2010 vừa qua, các vị nguyên thủ của 21 quốc gia thành viên, trong đó có Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, đồng chí Nguyễn Minh Triết, đã cam kết thực hiện một mô hình phát triển mới, với mục tiêu bảo đảm 5 yêu cầu: i) tăng trưởng cân bằng, ii) tăng trưởng an toàn, iii) tăng trưởng bền vững, iv) tăng trưởng dựa vào trí tuệ và v) tăng trưởng với lợi ích được chia sẻ công bằng cho tất cả mọi người. Trục cốt lõi của mô hình phát triển mới này không có gì khác, chính là nền kinh tế tri thức mà cả thế giới đang theo đuổi với những nỗ lực cao nhất. Nền kinh tế tri thức chính là nền kinh tế mà việc sản xuất, phân phối, sử dụng tri thức và thông tin ngày càng có vai trò quyết định. Trong nền kinh tế tri thức thì tri thức và thông tin là yếu tố đầu vào, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất của sản phẩm, là nhân tố chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cách đây đúng 10 năm, tại Đại hội lần thứ IX, lần đầu tiên, Đảng ta đã ghi vào văn kiện luận điểm quan trọng về phát triển kinh tế tri thức với tư cách là một yếu tố mới cấu thành đường lối CNH, HĐH đất nước. Hôm nay, nhìn lại sự kiện đó, chúng ta cảm nhận một cách rõ ràng sự sáng suốt, tầm nhìn xa và tính nhạy bén trong tư duy phát triển của Đảng ta.

Tại Đại hội XI này, sự phân tích khách quan, thẳng thắn thực tiễn phát triển của đất nước, cho phép chúng ta nhận thấy rõ bên cạnh việc mang lại những thành công nổi bật, mô hình tăng trưởng kinh tế mà chúng ta đang áp dụng đã bộc lộ những bất cập, không đáp ứng được những yêu cầu phát triển mới khi bối cảnh quốc tế và điều kiện trong nước đã thay đổi sâu sắc. Tiếp tục mô hình đó, đất nước ta sẽ phải trả giá đắt về môi trường, phải hy sinh các cơ sở tăng trưởng dài hạn, nghĩa là dành lại phần rủi ro cho các thế hệ tương lai, cho con cháu chúng ta. Và nguy hiểm hơn, sự tiếp tục đó không cho phép Việt Nam thành công trong cạnh tranh và hội nhập vào mạng lưới phát triển toàn cầu, đẩy nền kinh tế tụt hậu và tụt hậu xa hơn.

Vì những lý do đó, Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội bày tỏ sự tán thành tuyệt đối việc Chiến lược khẳng định vị trí số một của quan điểm phát triển bền vững, coi đây là yêu cầu, là trục xuyên suốt toàn bộ chiến lược. Sự khẳng định này nhất quán với định hướng thay đổi mô hình tăng trưởng trong giai đoạn tới.

Trong tầm nhìn dài hạn, phù hợp với xu hướng thời đại và các cam kết quốc tế, việc thay đổi mô hình tăng trưởng để thực hiện quan điểm phát triển bền vững, như các luận điểm Cương lĩnh và Chiến lược cho thấy, dựa chủ yếu vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và áp dụng công nghệ hiện đại. Đây chính là định hướng phát triển kinh tế tri thức.

Thực tiễn phát triển của chính nước ta trong những năm trước đây đã chứng tỏ một cách thuyết phục rằng Việt Nam có đủ năng lực và điều kiện để thực hiện thành công đường lối phát triển kinh tế tri thức, một đường lối táo bạo và đầy tính sáng tạo. Kinh nghiệm phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin - viễn thông, việc chế tạo thành công các sản phẩm na-nô, những thành tựu trong công nghệ sinh học, cùng với năng lực sáng tạo trong toán học, vật lý học… cho thấy nếu mạnh dạn, có quyết tâm và nghiêm túc bước vào quỹ đạo phát triển hiện đại, chắc chắn chúng ta sẽ thành công. Niềm tin đó sẽ được củng cố thêm khi bên cạnh chúng ta, có những kinh nghiệm phát triển kinh tế tri thức thành công của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và gần kề ta nhất, Trung Quốc. Niềm tin còn trở nên mạnh mẽ gấp bội nếu chúng ta ý thức đầy đủ hơn về lợi thế to lớn của một nước đi sau mà Việt Nam đang sở hữu.

Vấn đề thực tiễn đặt ra là trong khung khổ chiến lược chung, cần phải có những giải pháp chiến lược gì để Việt Nam phát triển nền kinh tế tri thức một cách hiệu quả? Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội xin mạnh dạn đề xuất một số giải pháp cụ thể, góp vào việc khởi động triển khai nhiệm vụ chiến lược quan trọng bậc nhất này.

Thứ nhất, khẩn trương xây dựng một chương trình phát triển kinh tế tri thức mang tầm cỡ chiến lược quốc gia, coi đây là “trục” của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại.

Thứ hai, tập trung ưu tiên xây dựng hai trung tâm quốc gia về công nghệ cao ở Hà Nội và ở TP Hồ Chí Minh, coi đây là mẫu hình, là đầu tàu phát triển khoa học - công nghệ - công nghiệp của cả nước.

Thứ ba, phát triển các khu công nghiệp - công nghệ cao cấp vùng, với hạt nhân là các vườm ươm công nghệ - vườn ươm doanh nghiệp hiện đại, thay thế các khu công nghiệp kiểu cũ, đang tỏ ra kém hiệu quả, thậm chí, cản trở phát triển.

Thứ tư, coi trọng nguyên tắc phát triển khoa học công nghệ với sự dẫn dắt, hỗ trợ của thị trường - doanh nghiệp, được khuyến khích, nuôi dưỡng bằng tinh thần cạnh tranh thị trường lành mạnh. Đặc biệt chú trọng phát triển thị trường công nghệ, coi đây là sức kích thích quan trọng nhất của nền khoa học.

Thứ năm, Nhà nước thực sự đóng vai trò bà đỡ, tạo khung khổ pháp lý và hỗ trợ các điều kiện cần thiết để phát triển khoa học - công nghệ và cho hoạt động nghiên cứu - triển khai.

Thứ sáu, thực hiện một chiến lược phát triển khoa học có lộ trình phù hợp với năng lực nội sinh và có khả năng tranh thủ các thành tựu của thế giới. Trong giai đoạn đầu tiên, chiến lược đó cần dành sự ưu tiên cho việc khuyến khích hoạt động tiếp nhận, học hỏi và ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ của thế giới; trên nền tảng đó, tạo ra và làm mạnh lên năng lực nghiên cứu nội sinh, từ đó, xây dựng nền khoa học - công nghệ mạnh của Việt Nam, sánh vai với thế giới.

Thứ bảy, lôi kéo, thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia, có tiềm lực khoa học - công nghệ và tài chính mạnh đầu tư vào Việt Nam, khuyến khích họ xây dựng các trung tâm nghiên cứu - phát triển, tạo kênh để từ đó, tri thức công nghệ lan tỏa rộng rãi ra toàn bộ nền kinh tế.

Thủ đô Hà Nội là trung tâm lớn về kinh tế, khoa học, giáo dục của đất nước. Hà Nội có thế mạnh và tiềm năng lớn để phát triển kinh tế tri thức. Nghị quyết Đại hội 15 của Đảng bộ thành phố cũng đã xác định rõ nhiệm vụ phải phát triển khoa học - công nghệ, đẩy mạnh kinh tế tri thức, coi đó là khâu có tính đột phá để nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm Hà Nội hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa trước 1-2 năm so với cả nước. Hiện nay Hà Nội đang nỗ lực tiến hành nhiều biện pháp và chính sách cụ thể mang tính đột phá, tạo tiền đề, mở ra con đường “rút ngắn“ để phát triển kinh tế - xã hội một cách nhanh chóng và bền vững như chăm lo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài. Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, nguồn lực chất xám của các cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng của trung ương đóng trên địa bàn. Chú trọng thu hút các chuyên gia giỏi ở trong nước và Việt kiều có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu đóng góp cho Thủ đô và đất nước. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ thông qua việc triển khai xây dựng các trung tâm nghiên cứu, các tổ hợp khoa học và các vườn ươm công nghệ quy mô và đồng bộ. Tăng cường hợp tác quốc tế thông qua các hội nghị, hội thảo, phối hợp nghiên cứu, nhập khẩu công nghệ, thuê chuyên gia về các vấn đề khoa học công nghệ, khoa học quản lý phục vụ phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội gắn với kinh tế tri thức trong các lĩnh vực như công tác quy hoạch, quản lý đô thị, đặc biệt trong việc giải quyết các vấn đề cấp thiết của Thủ đô là ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, chống úng ngập, ách tắc giao thông...; đổi mới công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế từ nông nghiệp, công nghiệp cho đến dịch vụ, trong đó tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm xuất khẩu có sức cạnh tranh. Ưu tiên phát triển 5 trụ cột công nghệ của kinh tế tri thức là cơ khí tự động hóa, điện tử, năng lượng; công nghệ sinh học; công nghệ vật liệu; công nghệ thông tin và công nghệ môi trường.

Quả thật còn nhiều vấn đề phải giải quyết để phát triển nền kinh tế tri thức với tư cách là một nội dung then chốt của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Trong khuôn khổ một bài tham luận ngắn, chúng tôi chỉ xin phép nêu một số nội dung căn bản, bước đầu, góp sức cùng Đại hội giải quyết các vấn đề trọng đại của đất nước.

 


                                                                               Theo HaNoiMoi

 

 

Các tin khác


Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại Liên đoàn Lao động tỉnh

Chiều 7/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh. Tham dự có đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.

Đoàn Đại sứ quán Nhật Bản thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình

Ngày 7/5, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH làm việc với đoàn Đại sứ quán Nhật Bản và đơn vị tài trợ thực hiện Dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của NCT tại Việt Nam” (VIE071). Tham dự có đại diện Tổ chức hỗ trợ NCT tại Việt Nam (HAI), lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục